Dậy sóng bê bối "ghế sofa" giữa EU và Thổ Nhĩ Kỳ

Thứ Sáu, 09/04/2021, 10:17
Mới đây, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel đã có chuyến công du Thổ Nhĩ Kỳ, nhằm cải thiện quan hệ giữa Liên minh châu Âu (EU) và quốc gia này. Tuy nhiên, trong cuộc hội đàm với Tổng thống Erdogan, bà Ursula đã không được xếp chỗ ngồi theo đúng nghi thức ngoại giao. 

Truyền thông quốc tế hôm 8/4 đã đồng loạt đưa tin về một vụ "bê bối" xảy ra trong cuộc hội đàm hôm 6/4 giữa Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan và hai nhà lãnh đạo EU là Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen và Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel.  

Cụ thể, trước khi bắt đầu cuộc họp, bà von der Leyen - nữ lãnh đạo duy nhất, đã hết sức bối rối khi không có ghế ngồi trong khi hai nhà lãnh đạo nam đã "an tọa". Sau đó, bà von der Leyen được sắp xếp ngồi trên ghế sofa, đối diện với Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ và cách xa những người đồng cấp. Sự cố được cộng đồng mạng đặt tên là "sofagate" (vụ bê bối ghế sofa). 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen ngồi trên ghế sofa trong cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. Ảnh: Xinhua. 

Việc này đã làm dấy lên một loạt cáo buộc về thái độ của Ankara đối với phụ nữ và EU, sự phân biệt giới tính ở Brussels và các xung đột chính trị giữa các thể chế trong nội bộ khối. Người phát ngôn Ủy ban châu ÂU Eric Mamer chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ không tiếp đãi bà von der Leyen như ông Michel. Nghị sĩ người Tây Ban Nha thuộc Nghị viện châu Âu Iratxe Garcia Perez gọi hành động này là "điều đáng hổ thẹn".

Nhà lãnh đạo của liên minh chính trị Đảng Nhân dân châu Âu, Manfred Weber thì nhận định, chuyến thăm Ankara đã trở thành "biểu tượng của sự mất đoàn kết" giữa các quan chức hàng đầu của EU.

Đáp lại, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, việc chuẩn bị cho cuộc họp được làm đúng theo yêu cầu của phía EU và theo nghi thức ngoại giao quốc tế. Nhưng phía EU khẳng định, đội ngũ phụ trách nghi thức ngoại giao đã không được vào căn phòng để giám sát khâu chuẩn bị trước khi cuộc họp diễn ra.

Hiện tại, các nghị sỹ trong EU đã kêu gọi hai quan chức hàng đầu của khối lên tiếng giải thích về sự cố xảy ra tại cuộc hội đàm với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ.

Các nhà lãnh đạo EU sẽ đưa ra các quyết định tiếp theo về quan hệ với Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6 tới. Ảnh: Reuters.

Được biết, EU và Thổ Nhĩ Kỳ vừa trải qua một năm quan hệ sóng gió liên quan các hoạt động thăm dò dầu khí của nước này ở Ðông Ðịa Trung Hải cũng như các chính sách đối với khu vực Trung Ðông - Bắc Phi, trong đó có cuộc khủng hoảng ở Libya.

Là một ứng cử viên gia nhập EU từ năm 1999 song sau 22 năm, Thổ Nhĩ Kỳ vẫn đứng ngoài EU do nhiều bất đồng trong quan điểm giữa hai bên. EU nêu điều kiện rằng Thổ Nhĩ Kỳ phải giảm leo thang căng thằng, đặc biệt là giải quyết tranh chấp với Hy Lạp và Cộng hòa Cyprus, rút quân khỏi Libya và có giải pháp thỏa đáng cho vấn đề trong nước. Trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ không tuân thủ các quy tắc, EU sẽ áp dụng các biện pháp trừng phạt, bao gồm đối với cả lĩnh vực du lịch.

Linh Đan
.
.
.