Đạt nhiều đồng thuận tại Hội nghị Thượng đỉnh G7

Thứ Hai, 26/08/2019, 09:54
Các nguyên thủ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), diễn ra tại Pháp từ ngày 24 đến 26-8, đã đạt đồng thuận về cải thiện quan hệ với Nga và vai trò cầu nối của Pháp trong đối thoại với Iran.


Bên cạnh đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump phủ nhận những thông tin về căng thẳng tại Hội nghị, đồng thời khẳng định các nhà lãnh đạo “phối hợp với nhau rất tốt”.

Theo các nguồn tin ngoại giao ngày 25-8, các nhà lãnh đạo G7 đã nhất trí về sự tương tác rộng rãi hơn với Nga trong các vấn đề khác nhau, nhưng chưa sẵn sàng để đưa Moscow trở lại nhóm này cho định dạng G8. 

Kết luận trên đạt được sau khi thảo luận trong bữa tối không chính thức của các nhà lãnh đạo vào tối 24-8. 

Các nguyên thủ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh G7 diễn ra tại Pháp.

Tin tức tương tự cũng đã được hãng tin Kyodo của Nhật Bản khẳng định từ tuyên bố của người phát ngôn Chính phủ Nhật Bản, tuy nhiên không tiết lộ chi tiết của cuộc thảo luận này. 

Trong khi đó, theo hãng tin Bloomberg, Tổng thống Donald Trump khẳng định hoàn toàn có thế mời người đồng cấp Nga Vladimir Putin tham dự Hội nghị Thượng đỉnh tiếp theo tại Mỹ vào năm 2020. 

Cũng trong ngày làm việc chính thức đầu tiên, nguồn tin ngoại giao Pháp hé lộ với báo chí quốc tế cho biết, trong bữa tối chiêu đãi các nguyên thủ quốc gia G7 tối 24-8 tại ngọn hải đăng cổ của thành phố Biarritz, nguyên thủ các nước G7 đã giao trách nhiệm cho phía Pháp đàm phán với Iran nhằm hạ nhiệt cuộc khủng hoảng hiện nay. 

Mục tiêu chính các nước G7 đưa ra là tránh việc Iran sở hữu vũ khí hạt nhân. Đây có thể coi là một sự đồng thuận hiếm hoi của các nước phương Tây trong hồ sơ hạt nhân Iran sau nhiều tháng bất đồng gay gắt vì quan điểm cứng rắn của phía Mỹ. 

Trong số các nước phương Tây tham gia ký Thoả thuận hạt nhân P5+1 với Iran, Pháp từ lâu nay vẫn là nước hoạt động tích cực nhất nhằm bảo vệ Thoả thuận này.

Về cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung, trong sáng 25-8, Tổng thống Donald Trump đã có cuộc gặp bên lề với Thủ tướng Anh Boris Johnson và thông tin từ phái đoàn Mỹ phát đi cho biết, Thủ tướng Anh ủng hộ quan điểm của Mỹ trong cuộc chiến thương mại. Tổng thống Donald Trump cho biết ông băn khoăn về cuộc chiến tranh thương mại với Trung Quốc. 

Khi các phóng viên đặt câu hỏi liệu nhà lãnh đạo Mỹ có nghĩ lại về tình trạng leo thang căng thẳng thương mại với Trung Quốc, ông thừa nhận là có. Song Tổng thống Mỹ cũng khẳng định ông thường “suy nghĩ lại về mọi thứ”. Bên cạnh đó, ông chủ Nhà Trắng khẳng định: “Mỹ đang tốt đẹp với Trung Quốc”. Thủ tướng Anh Johnson nói: “Chúng tôi ưu tiên hòa bình thương mại”. 

Hai nhà lãnh đạo cũng đã bàn về việc tập đoàn Huawei của Trung Quốc triển khai công nghệ tại Anh, về tình hình tại Hong Kong (Trung Quốc) hay căng thẳng với Iran. 

Liên quan đến quan hệ Mỹ-Anh hậu Brexit, Tổng thống Donald Trump cho biết nước Mỹ sẽ đề nghị với phía Anh một Hiệp định thương mại lớn chưa từng có, đồng thời khẳng định Thủ tướng Anh là một người phù hợp để dẫn dắt đất nước của ông rời khỏi Liên minh châu Âu (EU).

Tổng thống Mỹ cũng cho biết Mỹ và Nhật Bản đang “ở rất gần” tới một thỏa thuận thương mại song phương lớn. Ông cho biết hai bên đã “"nỗ lực vì điều này trong suốt 5 tháng qua. Đây sẽ là một thỏa thuận rất lớn, một trong những thỏa thuận lớn nhất mà chúng tôi từng ký với Nhật Bản”. 

Trước đó cùng ngày, Bộ trưởng Nhật Bản phụ trách đàm phán thương mại với Mỹ Toshimitsu Motegi cho biết hai nước Mỹ và Nhật Bản đã đạt một đồng thuận lớn trong các cuộc đàm phán thương mại, và lãnh đạo hai nước hy vọng sẽ thảo luận bên lề hội nghị thượng đỉnh lần này. Thông báo trên được đưa ra sau 3 ngày đàm phán song phương kéo dài giữa ông Motegi với Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer. 

Đài NHK và hàng loạt nhật báo của Nhật đưa tin các quan chức hai bên đã thống nhất rằng Nhật Bản sẽ đánh thuế nông sản Mỹ ở mức tương đương với các thành viên Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã nhất trí trước khi Mỹ rút khỏi văn kiện này. Hai bên cũng nhất trí rằng Nhật Bản sẽ giảm thuế đối với thịt bò và thịt lợn của Mỹ ở mức trong TPP, song sẽ áp đặt hạn ngạch đối với bơ và sữa tách chất béo. 

Nhân dịp này, Tổng thống Donald Trump đã phủ nhận những thông tin về căng thẳng tại hội nghị, đồng thời khẳng định các nhà lãnh đạo “phối hợp với nhau rất tốt”.

Trong một diễn biến liên quan, tại hội đàm bên lề hội nghị Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhất trí sẽ “phối hợp chặt chẽ” nhằm giải quyết một số vấn đề, trong đó có phi hạt nhân hóa Triều Tiên. 

Trong các cuộc hội đàm song phương với Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Canada Justin Trudeau, ông Shinzo Abe và các người đồng cấp nhấn mạnh rằng cộng đồng quốc tế nên thực thi đầy đủ các nghị quyết của Liên hợp quốc nhằm buộc Triều Tiên từ bỏ tham vọng tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân. Các cuộc hội đàm trên diễn ra trong bối cảnh CHDCND Triều Tiên vừa tiến hành vụ phóng thứ 7 trong vòng một tháng. 

Triều Tiên thông báo, dưới sự chỉ đạo của nhà lãnh đạo Kim Jong-un, nước này đã thử nghiệm thành công một hệ thống pháo phản lực phóng loạt cỡ nòng “cực lớn” trong vụ phóng ngày 24-8. Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) khẳng định vụ thử nghiệm và vụ phóng thử “đã chứng minh mọi đặc điểm kỹ thuật và chiến thuật của hệ thống đạt yêu cầu đề ra”. 

Trước đó, KCNA khẳng định Bình Nhưỡng “không còn quan tâm” tới những biện pháp nới lỏng trừng phạt từ Mỹ. 

Theo KCNA, Triều Tiên sẽ không từ bỏ “an ninh chiến lược”" để đổi lấy những biện pháp nới lỏng trừng phạt. KCNA nhấn mạnh phía Mỹ nên hiểu rằng Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ mang vấn đề an ninh chiến lược quốc gia để “mặc cả”. 

Các động thái mới của Triều Tiên làm dấy lên lo ngại về nguy cơ căng thẳng và đối đầu mới trong khu vực. Nó cũng phản ánh một tương lai quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên không chắc chắn.

Khổng Hà
.
.
.