Đàm phán dỡ bỏ bằng sáng chế vaccine COVID-19 có thể mất vài tháng

Thứ Sáu, 07/05/2021, 15:50
Các chuyên gia nhận định, quá trình đàm phán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) về việc dỡ bỏ sở hữu trí tuệ đối với vaccine COVID-19 có thể kéo dài trong nhiều tháng, ngay cả khi WTO vượt qua được sự phản đối mạnh mẽ của một số nước thành viên, Reuters đưa tin. 
Một người đàn ông Mỹ được tiêm vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Reuter

Các cuộc thảo luận dự kiến sẽ tập trung vào lệnh dỡ bỏ độc quyền sở hữu trí tuệ với phạm vi ảnh hưởng và thời gian tiến hành hạn chế hơn so với đề xuất trước đó của Ấn Độ và Nam Phi hồi tháng 10/2020. Trước đó, hai nước này đã xác nhận sẽ hợp tác để đưa một bản sửa đổi đề xuất với các thỏa hiệp nhằm thúc đẩy cuộc đàm phán của WTO.

Trước đó, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã "bật đèn xanh" cho việc "xóa độc quyền" với công nghệ vaccine COVID-19. Tổng Giám đốc WTO Okonjo-Iweala đã bày tỏ hoan nghênh quyết định này của chính quyền Biden.

Clete Willems, một quan chức thương mại dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhận định, sẽ phải mất từ một đến hai tháng nữa các cuộc thảo luận mới có thể diễn ra. “Hiện nay, chưa có bất kỳ một đề xuất nào đang được xem xét nhằm hủy bỏ Hiệp định về các khía cạnh thương mại liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ (TRIPS), liên quan đến vấn đề vaccine”, ông Willems cho biết.

Theo ông Willems, bản thỏa thuận này nên được hoàn thành trước khi diễn ra Hội nghị Bộ trưởng tiếp theo của WTO, dự tính sẽ diễn ra từ 30/11 đến 3/12. Điều này sẽ cho các nhà sản xuất thêm thời gian để tăng sản lượng nguồn cung vaccine toàn cầu, giảm áp lực cho các hãng dược phẩm phải tạm từ bỏ bản quyền vaccine COVID-19.

Vaccine ngừa COVID-19. Ảnh: Reuters

Trong suốt 7 tháng qua, Ấn Độ và Nam Phi đã liên tục kêu gọi các nước phát triển tạm ngừng "độc quyền" đối với vaccine và các công nghệ y tế tân tiến cần thiết cho cuộc chiến chống COVID-19. 

Hai nước này cho rằng việc độc quyền vaccine COVID-19 sẽ mang đến lợi ích cho các quốc gia giàu có, trong khi các nước nghèo tiếp tục khốn khổ vì đại dịch. Việc tạm ngừng bảo vệ bản quyền sẽ thúc đẩy sản xuất vaccine diễn ra nhanh hơn do có nhiều bên tham gia. Đến nay, đã có hơn 100 nước ủng hộ lời kêu gọi này.

Lan Chi
.
.
.