Đại dịch COVID-19 diễn biến phức tạp ở nhiều nơi trên thế giới

Thứ Ba, 13/10/2020, 08:40
Đại dịch toàn cầu COVID-19 đã hạ nhiệt và được kiểm soát bước đầu ở một số quốc gia, song có dấu hiệu bùng phát nhanh chóng mặt tại nhiều nước châu Âu, châu Á và châu Mỹ, trong bối cảnh “cuộc đua” chế tạo, phân phối rộng khắp vaccine còn gặp nhiều thách thức.


Trong thông báo phát đi chiều 12/10, cơ quan ứng phó COVID-19 của Nga cho biết, nước này ghi nhận 13.592 ca nhiễm mới trong 24h gần nhất, thấp hơn vài chục ca so với con số 13.632 ca nhiễm trước đó một ngày và đánh dấu ngày thứ 5 liên tiếp số ca nhiễm mới cao hơn đỉnh dịch đầu tiên hồi tháng 5 vừa qua. 

Hiện, tổng số người nhiễm COVID-19 ở Nga là hơn 1,31 triệu, đứng thứ tư toàn cầu, trong đó khoảng 1,02 triệu người đã khỏi bệnh, số người cần được chăm sóc sức khỏe tại bệnh viện hoặc tại nhà là 300.000. 

Theo báo cáo chính thức, hơn 22.600 người Nga đã chết vì COVID-19, song số liệu được công bố cách đây vài ngày của cơ quan thống kê nhà nước Nga Rosstat chỉ ra rằng, số người chết khi nhiễm COVID-19 tại Nga có thể là gần 46.000.

Số ca nhiễm COVID-19 vẫn tăng nhanh tại nhiều quốc gia trên thế giới.

Nga là nước đầu tiên thế giới cấp phép cho vaccine COVID-19 từ đầu tháng 8, mẫu Sputnik V, song nó vẫn trong giai đoạn thử nghiệm thứ ba. Nước này cố gắng đẩy nhanh tốc độ sản xuất và tiêm chủng vaccine, nhưng đây là một công tác đòi hỏi nhiều thời gian. Số người được tiêm vaccine tại Nga vài tuần qua rất khiêm tốn, ở mức dưới 10.000 người. Quá trình tiêm chủng mở rộng được cho là sẽ chỉ bắt đầu sau vài tháng nữa. 

Trước tình hình này, giới chức Nga buộc phải hối thúc người dân tiếp tục đeo khẩu trang ở nơi công cộng và rửa tay thường xuyên, coi đây là phương pháp hữu hiệu ngăn nguy cơ lây nhiễm. Thị trưởng Sergei Sobyanin của Moscow, nơi chứng kiến số ca nhiễm mới tăng hơn 50% trong tuần gần nhất, hối thúc người dân trên 65 tuổi chỉ ra ngoài khi thật sự cần thiết. Thành phố cũng đang cân nhắc tái đóng cửa các nhà hàng, quán bar, club hoạt động ban đêm.

Nga đang trong làn sóng dịch bệnh thứ hai khi mùa Thu-Đông tới, với nền nhiệt độ thấp, thích hợp cho sự lây lan của virus SARS-CoV-2. Tình hình tương tự Nga cũng đang diễn ra ở nhiều nơi trên thế giới. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết, số ca nhiễm COVID-19 mỗi ngày trên Trái đất đã liên tiếp lập kỷ lục mới trong vài tuần qua, đỉnh điểm là ngày 10/10 với hơn 359.000 ca nhiễm, theo số liệu của WorldOMeter. 

Thế giới đến nay xét nghiệm được gần 38 triệu người mắc COVID-19, trong đó gần 1,1 triệu người đã thiệt mạng. Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất với 8 triệu người bệnh, Ấn Độ đứng thứ hai với hơn 7,1 triệu ca dương tính. Tiếp theo là Brazil, nơi báo cáo 5,1 triệu người nhiễm virus. 

Đáng lưu ý, một báo cáo được công bố hôm đầu tháng của WHO thậm chí chỉ ra rằng số người nhiễm virus trên toàn cầu có thể đã chạm mốc 10% dân số, tức hơn 760 triệu người. “Tình hình khác nhau theo quốc gia, khác nhau từ thành thị tới nông thôn và khác nhau theo các nhóm. Nhưng phần đông dân số thế giới vẫn chịu rủi ro”, WHO cảnh báo.

Một phân tích khác của Reuters về dữ liệu quốc gia trong thời gian gần đây thì chỉ ra rằng, số ca nhiễm COVID-19 đang gia tăng ở 54 quốc gia, gồm cả Argentina, Canada và phần lớn châu Âu. Số ca mắc bệnh ở Pháp đạt mức kỷ lục gần 27.000 ca/ngày cách đây hai hôm, gấp 4-5 lần đỉnh dịch hồi cuối tháng 3/2020. 

Anh đã đạt mức kỷ lục với hơn 17.000 trường hợp mới được báo cáo vào ngày 8/10. Đức đã ghi nhận mức tăng hàng ngày lớn nhất kể từ tháng 4 trong ngày 8/10. Số ca nhiễm hàng ngày tại Bỉ, Hà Lan, Ukraine, Italia… đều trên 5.000 và tiếp tục đà tăng, tạo ra áp lực lớn cho hệ thống hạ tầng chăm sóc sức khỏe công. 

Ở Đông Nam Á, Philippines ngày 12/10 xác nhận hơn 3.500 ca nhiễm mới, nâng tổng số người bệnh lên 342.816, trong đó hơn 6.300 người đã thiệt mạng, chỉ sau Indonesia, nơi ghi nhận 11.935 ca tử vong vì COVID-19 trong tổng số 337.000 ca nhiễm. Từ ngày 12-10, thủ đô Jakarta của Indonesia bắt đầu nới lỏng một số hạn chế, vốn được áp đặt từ tháng 9, trong bối cảnh tốc độ lây nhiễm đã chậm lại. Giới chuyên gia cảnh báo Jakarta phải rất thận trọng trong kế hoạch này để tránh tình hình diễn tiến xấu đi…

Gần 10 tháng từ khi khởi phát, có thể nói COVID-19 liên tiếp tạo ra những thách thức chưa từng có với nhân loại và có thể kéo lùi nhiều tiến bộ mà thế giới mất nhiều năm để đạt được, gây ảnh hưởng nặng nề đến kinh tế toàn cầu. Trong cuộc chiến chống lại dịch bệnh, thế giới coi vaccine là giải pháp hiệu quả nhất và đặt nhiều kì vọng vào vaccine. 

Tờ New York Times nói rằng, thế giới hiện có 44 mẫu vaccine ngừa COVID-19 đang được thử nghiệm trên người, trong đó 11 mẫu đang ở giai đoạn thử nghiệm thứ 3, cũng là cuối cùng. Dẫu vậy, giới chuyên gia cảnh báo sẽ mất hàng năm trời với nỗ lực chính trị-ngoại giao không ngừng để vaccine được phân phối công bằng, rộng khắp nhằm tạo ra miễn dịch cộng đồng. Trước thời điểm đó, các quốc gia cần có phương án tổng thể để vừa chặn đà lây nhiễm, vừa phát triển kinh tế-xã hội. 

Tờ Guardian mới đây dẫn dự báo của Ngân hàng Thế giới (WB) nhận định, thế giới sẽ có thêm tới 150 triệu người trên sống trong tình trạng cực kỳ nghèo đói vào năm 2022. Ngoài ra, tỷ lệ dân số sống với mức dưới 1,9 USD một ngày sẽ tăng từ 9,1% lên 9,4% vào năm 2020, tập trung ở các quốc gia đã có mức nghèo đói cao. WB tiết lộ, nếu không có COVID-19, tỷ lệ nghèo đói có thể giảm xuống dưới 8% tổng dân số trên hành tinh trong năm nay. 

“Để đảo ngược sự tụt lùi nghiêm trọng trong nỗ lực giảm nghèo, các quốc gia cần chuẩn bị cho nền kinh tế hậu COVID-19 bằng cách đưa các nguồn vốn, lao động, kỹ năng và sự đổi mới vào trong các ngành nghề và lĩnh vực kinh tế mới”, Chủ tịch WB David Malpass kêu gọi.

Thiện Nhân
.
.
.