Cuộc chiến truyền thông của Mỹ và phương Tây chống Nga

Thứ Năm, 15/12/2016, 10:15
Điện Kremlin đã chính thức lên tiếng bác bỏ báo cáo mật của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) trong đó có cáo buộc Nga cố gắng tác động vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ để giúp tỷ phú Donald Trump đắc cử. Mặc dù vậy, báo chí Mỹ và phương Tây vẫn tiếp tục giọng điệu đổ lỗi và xuyên tạc nhằm tạo nên một hình ảnh xấu mới về Nga.

Giới quan sát nhận định, báo cáo mật mà CIA mới công bố chẳng qua chỉ là cái cớ để chính quyền Tổng thống Barack Obama dọn đường cho việc Thượng viện thông qua dự luật cho phép thành lập một cơ quan liên bộ nhằm ngăn chặn ảnh hưởng chính trị bí mật của Nga ở mức độ toàn cầu. Đây là nỗ lực cuối cùng của ông Barack Obama trước khi trao lại quyền hành cho Tổng thống thứ 45 của nước Mỹ Donald Trump – một người được cho là có quan điểm “thân và ủng hộ” Nga.

Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov khẳng định, báo cáo này không dựa trên các thông tin xác thực, đáng tin cậy mà là những cáo buộc vô căn cứ, không chuyên nghiệp, nghiệp dư và không liên quan đến thực tế. Ông Dimitry Peskov còn cho rằng, với việc cung cấp cho báo giới Mỹ đăng tải hàng loạt thông tin kiểu này, Mỹ đang tiếp tục cuộc chiến truyền thông lớn nhằm vào Nga.

Trong khi đó, tờ The Nation đã đăng tải một bài bình luận cho biết, trong những năm gần đây, khi viết về Nga, các nhà báo Mỹ và phương Tây đều bỏ qua các nguyên tắc về tính khách quan. Tác giả bài báo là James Carden viết rằng: “Trên thế giới có một nước duy nhất mà khi viết bài về nước này, các phương tiện truyền thông thậm chí không tính đến các tiêu chuẩn cơ bản của báo chí”.

Tác giả James Carden đã lấy ví dụ về những lời cáo buộc nhằm vào Nga, cho rằng nước này tiến hành tin tặc để tấn công mạng lưới bầu cử của Mỹ, lấy trộm cơ sở dữ liệu về các ứng viên hay xuyên tạc về việc Tổng thống Mỹ mới đắc cử Donald Trump có mối liên hệ với cơ quan đặc nhiệm Nga…

Bài báo còn kết luận rằng, chiến dịch tuyên truyền chống Nga trong truyền thông chính thống của Mỹ và phương Tây rộng khắp và theo phương châm, cứ ném thật nhiều bùn rồi thế nào cũng dính một ít. Bài báo này cũng lý giải luôn rằng, chính động thái xấu từ phía truyền thông Mỹ và phương Tây đã khiến Nga thận trọng và buộc phải sử dụng biện pháp cứng rắn để răn đe. Cụ thể, hồi tháng 7 vừa qua, Nga đã cấm cửa một số nhân vật trong giới truyền thông Mỹ như Jeff Shell, Chủ tịch Hội đồng phát thanh truyền hình Mỹ.

EU và Mỹ thậm chí còn đưa những quy định hạn chế đối với hãng RT và Sputnik của Nga nhằm ngăn chặn ảnh hưởng của Nga trên thế giới. Ảnh: Sputnik.

Sự vào cuộc của cả Mỹ và phương Tây trong cuộc chiến truyền thông chống Nga được thể hiện rõ qua Nghị quyết 758 của Mỹ và chiến lược truyền thông nhóm phía Đông của Mỹ, Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Chi phí dành cho chiến dịch này trong năm 2016 vào khoảng 83 tỷ USD. Đứng đầu chiến dịch là Mỹ, Anh với sự hỗ trợ của các tập đoàn truyền thông lớn gồm: The Wall Street Journal, The New York Times, The Washingtonpost, Financial Times, VOA, RFI…

Những cơ quan này không chỉ đăng tải tin bài sai sự thật về các hoạt động của Nga, bôi xấu hình ảnh về Tổng thống Nga Vladimir Putin mà còn viết kịch bản và hỗ trợ, ép buộc và khuyến khích các cơ quan truyền thông khác cùng tham gia. Phương pháp tiến hành hoạt động chính trị và quan điểm chính trị của các tờ báo này khiến các phóng viên không thể sản xuất ra được những bài báo hay phóng sự có góc nhìn “cân bằng”.

Nhà báo nổi tiếng người Mỹ Robert Parry, tác giả nhiều cuốn sách viết về chính trị quốc tế và là một cây bút kỳ cựu của hãng tin AP và tạp chí Newsweek cho biết, chiến dịch tuyên truyền chống Nga xuất phát từ quan điểm của EU và Washington rằng họ phải lãnh đạo thế giới và sẽ không cho phép bất kỳ một quốc gia nào khẳng định lợi ích của mình tại ngay chính các khu vực lân cận.

Vì thế, tham gia chiến dịch này có Hội đồng phát thanh và truyền hình Mỹ - một cơ quan chịu sự chi phối của Bộ Ngoại giao Mỹ và là đơn vị tham mưu điện tử đặc thù nhằm xây dựng kế hoạch cũng như đưa ra chiến lược, chiến thuật thực hiện chiến tranh thông tin chống Nga đi vào thực tiễn. Cơ quan này thực hiện tuyên truyền chống Nga trước hết là trên các mạng xã hội phổ biến ở Nga như Odnoklassniki, Vkontakt cũng như trên các phân khúc tiếng Nga của Facebook và Twitter. Như Đại sứ quán Mỹ tại Litva đã chi 500.000 USD cho các nhà báo thông thạo tiếng Nga.

Trong quá trình huấn luyện, những người vượt qua chương trình sẽ được tham gia các cuộc hội thảo chuyên môn tại tất cả các nước Baltic và đến Mỹ để thăm các phòng biên tập tin tức và các trường báo chí của Mỹ. Một nhân viên trong Đại sứ quán Mỹ ở Litva tiết lộ rằng, Mỹ có ý định thiết lập một mạng lưới ổn định kết nối sinh viên tốt nghiệp của chương trình ở cả 3 quốc gia Baltic với các cố vấn Mỹ của họ để phát triển nguồn và khán giả.

Ngoài ra, BBG mở rộng hợp tác với các hãng thông tấn đối lập của Nga như RBC, Dohzd, Grani.ru… để chống lại chính quyền Tổng thống Vladimir Putin. Chưa hết, trong chiến dịch tuyên truyền chống lại nước Nga. Các nước EU cũng hỗ trợ phát triển truyền thông tiếng Nga chống chính quyền Moscow ở Đông Âu như việc xây dựng kênh truyền hình ETV+ ở Estonia… Đồng thời cả Mỹ, EU và NATO còn gây áp lực ép nhiều hãng điện ảnh lớn và các ngôi sao điện ảnh hợp tác chống Nga.

Ngọc Khuê
.
.
.