Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung lại lâm thế giằng co

Thứ Sáu, 22/11/2019, 08:10
Vào thời điểm tưởng như thỏa thuận thương mại giai đoạn một giữa Mỹ và Trung Quốc đã gần chạm vạch đích, thì Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 20-11 (giờ địa phương) bất ngờ nhận định Trung Quốc chưa thực sự nhượng bộ trong đàm phán, dấy lên nghi ngại rằng những bất đồng giữa thương mại hai nước sẽ không thể kết thúc vào cuối năm nay.


Phát biểu với báo giới khi tới thăm cơ sở sản xuất của Công ty công nghệ Apple tại Austin, bang Texas ngày 20-11 (giờ địa phương), Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng mặc dù Trung Quốc mong muốn một thỏa thuận thương mại, song sự nhượng bộ hiện nay của Bắc Kinh là vẫn chưa đủ, khiến cho các quan chức thương mại Nhà Trắng chưa thể hoàn tất việc thương lượng.

Ngoài ra, Tổng thống Trump cũng cho biết ông đang cân nhắc miễn thuế nhập khẩu từ Trung Quốc cho Apple. Theo ông, Samsung là đối thủ cạnh tranh của Apple nhưng lại được hưởng lợi từ thỏa thuận thương mại Mỹ-Hàn. Do đó để đảm bảo công bằng, ông muốn Apple sẽ được hưởng ưu đãi tương đương như Samsung.

Tuyên bố này được đưa ra chỉ một ngày sau khi ông chủ Nhà Trắng có bài phát biểu tại phiên họp nội các hàng tuần, theo đó tái khẳng định Mỹ sẽ áp thuế cao hơn đối với hàng hóa Trung Quốc nếu Bắc Kinh không thực hiện thỏa thuận thương mại mà ông đưa ra.

CNN nhận định, phát biểu của Tổng thống Trump đã khiến bầu không khí đàm phán tích cực giữa Mỹ và Trung Quốc nhằm xoa dịu những tranh chấp thuế quan kéo dài hơn một năm qua “chùng xuống”.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Hội nghị Thượng đỉnh G20 ở Osaka, Nhật Bản hồi tháng 6 vừa qua.  Ảnh: Reuters

Trong khi đó, theo Bloomberg, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc ngày 20-11 cho biết ông “lạc quan một cách thận trọng” về thỏa thuận thương mại giai đoạn một. Ông Lưu Hạc, Trưởng đoàn đàm phán Trung Quốc tham gia thương thảo với Mỹ về thương mại cho biết ông “chưa hiểu rõ” các yêu cầu của Mỹ, song tin tưởng hai nước có thể hoàn tất thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”.

Người phát ngôn của Văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ (USTR) cũng cho biết hai bên vẫn duy trì các cuộc đàm phán hằng ngày. Nhưng cuộc đàm phán đang ngày càng trở nên không chắc chắn trong những tuần gần đây.

Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung liên tục leo thang kể từ tháng 7-2018, khi hai nước liên tiếp bổ sung các mức áp thuế với hàng hóa trị giá hàng trăm tỷ USD của nhau. Đầu tháng này, các quan chức hai nước vẫn “phát tín hiệu” rằng Trung Quốc và Mỹ đã nhất trí dỡ bỏ thuế đối với hàng hóa của nhau trong thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 nếu thỏa thuận này được hoàn tất.

Mỹ và Trung Quốc cũng từng có kế hoạch ký kết một thỏa thuận thương mại giữa hai nhà lãnh đạo trong khuôn khổ Hội nghị Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) tại Chile trong tháng 11-2019. Song sự kiện này đã bị hủy do tình trạng bất ổn tại đây, khiến cho địa điểm và thời điểm thực tế để ký kết thỏa thuận Mỹ-Trung, kể từ đó, trở nên vô cùng mơ hồ.

Hãng tin Reuters dẫn nguồn tin từ các chuyên gia thương mại và những người gần gũi với chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng, việc hoàn tất thỏa thuận thương mại một phần có thể bị đẩy sang năm 2020 do Trung Quốc đang tìm kiếm các mức cắt giảm thuế quan lớn hơn.

Một nguồn thạo tin khác lại cho biết, nguyên nhân là do Tổng thống Trump và đại diện thương mại Mỹ Robert Lighthizer nhận ra rằng việc rút lại thuế quan đối với một thỏa thuận không đáp ứng được các vấn đề cốt lõi là sở hữu trí tuệ và chuyển giao công nghệ, sẽ không phải là một thỏa thuận tốt cho Mỹ. Bình luận viên Kenneth Rapoza của Forbes nhận định, tình thế hiện nay đang tạo ra thế giằng co giữa Mỹ và Trung Quốc trong chiến tranh thương mại, khi hai bên đều quyết chờ đợi đối phương “sẩy chân”.

Trên một bình diện khác, tờ Wall Street Journal dẫn thông tin từ các cựu quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang diễn ra có thể gặp bế tắc. Wall Street Journal khẳng định, sự không chắc chắn xung quanh đàm phán thương mại Mỹ-Trung đang tăng lên sau khi Thượng viện Mỹ ngày 19-11 nhất trí thông qua Đạo luật Dân chủ và Nhân quyền Hông Kông.

Ngay sau đó, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng đã phát đi một tuyên bố về vấn đề này. Ông Cảnh Sảng khẳng định, Trung Quốc sẽ tiến hành các biện pháp đáp trả mạnh mẽ để bảo vệ chủ quyền, an ninh và các lợi ích phát triển của đất nước nếu Mỹ tiếp tục đưa ra những quyết định như trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho rằng, hành vi can thiệp của Mỹ không chỉ gây tổn hại lợi ích của Trung Quốc, mà còn gây tổn hại cả lợi ích quan trọng của Mỹ tại Hông Kông.

Trong một diễn biến mới nhất, chuyên gia kỳ cựu về thương mại và chiến lược Christian Whiton, cựu cố vấn của các Tổng thống Trump và George W. Bush nhận định, nếu các cuộc đàm phán thương mại Mỹ-Trung Quốc diễn ra không thuận lợi, Mỹ sẽ áp thuế đối với hàng nhập khẩu từ Trung Quốc như dự kiến và việc hoàn tất thỏa thuận thương mại giữa hai nước có thể kéo dài sang năm 2020.

Trong khi đó, chuyên gia tại Trung tâm Trao đổi Kinh tế Quốc tế Trung Quốc Zhang Yangsheng lại cho rằng, hai cường sẽ chỉ hợp tác “khi không thể đối đầu thêm nữa”.

An Nhiên
.
.
.