Cử tri Thổ Nhĩ Kỳ đi bỏ phiếu tăng quyền lực cho Tổng thống Erdogan

Chủ Nhật, 16/04/2017, 13:48
Hôm nay (16-4), 167.140 điểm bỏ phiếu trên khắp Thổ Nhĩ Kỳ sẽ mở cửa để cử tri nước này bỏ phiếu lựa chọn có hay không việc sửa đổi Hiến pháp nhằm gia tăng quyền lực cho Tổng thống Tayyip Erdogan.

Reuters hôm 16-4 đưa tin sẽ có khoảng 55 triệu cử tri đủ tư cách bỏ phiếu ủng hộ hoặc phản đối việc sửa đổi Hiến pháp mang tính bước ngoặt trong lịch sử Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các cuộc thăm dò dư luận trước đó, phe ủng hộ việc sửa đổi Hiến pháp đã giành chiến thắng thuyết phục trước phe phản đối.

Nếu đúng như vậy, điều này sẽ tạo điều kiện cho Tổng thống đương nhiệm Tayyip Erdogan tại vị đến năm 2029.

Tổng thống Erdogan đã đạt thắng lợi trong các cuộc thăm dò dư luận trước đó. Ảnh: Reuters

Theo giới quan sát, kết quả của cuộc bỏ phiếu lần này cũng sẽ định hình mối quan hệ đang trong giai đoạn căng thẳng nhất lịch sử của Thổ Nhĩ Kỳ và Liên minh Châu Âu (EU) cũng như trong hướng giải quyết một số vấn đề quốc tế đang nóng như Syria.

Thổ Nhĩ Kỳ hiện “cầm đằng chuôi” trong một thoả thuận quan trọng kí kết với EU về việc ngăn chặn dòng người nhập cư từ Syria và châu Phi đổ vào Lục địa già và nhận lại một chính sách Visa dễ thở hơn từ phía EU.

Trước đó, hôm 15-4, các bên ủng hộ và phản đối cải cách Hiến pháp đã vận động cử tri đi bỏ phiếu. Phát biểu trước những người ủng hộ tối 15-4, Tổng thống Erdogan kêu gọi cử tri ủng hộ tham gia cuộc trưng cầu ý dân. Ông nhấn mạnh nếu đa số người dân nói "Có" trong cuộc trưng cầu thì điều đó sẽ "mở đường" cho việc tái áp dụng hình phạt tử hình và mở rộng quyền lực cho tổng thống.

Cần lưu ý rằng, EU từng nhiều lần khẳng định việc Thổ Nhĩ Kỳ tái áp dụng hình phạt tử hình sẽ là yếu tố phá huỷ mọi cố gắng gia nhập khối của quốc gia này.

Trong các bài phát biểu của mình, ông Erdogan từng hứa hẹn về sự ổn định, an toàn và phát triển kinh tế nếu giành chiến thắng trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp.

Trong khi đó, đảng Nhân dân cộng hòa đối lập (CHP) và đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) ủng hộ người Kurd cũng đang vận động những người nói "Không" với cuộc trưng cầu ý dân, và khẳng định rằng đó là cách duy nhất để đảm bảo quyền lực cho quốc hội nước này.

Để phản ứng với cuộc trưng cầu Hiến pháp lần này của Thổ Nhĩ Kỳ, các nước Châu Âu bao gồm Đức, Hà Lan,.. từng nhiều lần nỗ lực ngăn chặn quan chức Ankara tổ chức các cuộc tuần hành vận động trên đất của họ.

Tổng thống Erdogan sau đó đã đẩy căng thẳng lên cao khi chỉ trích Hà Lan và Đức hành xử “như những kẻ phát xít” và doạ thể xem xét lại thỏa thuận về người di cư với EU sau khi tiến hành cuộc trưng cầu ý dân.

Được biết, gói sửa đổi bao gồm 18 điểm trong cuộc trưng cầu ý dân lần này nếu được ban hành sẽ bãi bỏ văn phòng thủ tướng và trao cho tổng thống quyền ban hành dự thảo ngân sách, tuyên bố tình trạng khẩn cấp và ban hành các nghị định giám sát các bộ mà không có sự chấp thuận của quốc hội.

Phùng Nguyễn
.
.
.