Quan hệ đồng minh Nga - Syria bị rạn nứt?

Thứ Bảy, 20/02/2016, 08:10
Hãng tin Reuters ngày 19-2 dẫn lời Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc (LHQ) Vitaly Churkin cảnh báo Tổng thống Syria Bashar al-Assad sẽ phải đối diện với kết cục thảm khốc nếu không đi theo đề xuất hòa bình của Moskva. Theo ông Churkin, quan điểm của nhà lãnh đạo Syria hiện “không tương đồng với các nỗ lực ngoại giao mà Nga đang thực hiện”.


Lời cảnh báo trên được đưa ra sau khi Tổng thống Assad tái khẳng định quan điểm sẽ giành lại toàn bộ đất nước, trước khi thỏa thuận quốc tế về ngừng thù địch được ký kết ở Munich, Đức. Đại sứ Churkin nêu rõ: “Moskva đã dành nhiều công sức để giải quyết cuộc khủng hoảng này, về cả mặt chính trị, ngoại giao và giờ là quân sự. Do đó chúng tôi muốn ông Assad cũng phải nghiêm túc đáp lại điều này”.

Theo ông Churkin, nếu giới lãnh đạo Syria tuân theo sự dẫn dắt của Nga trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng này, họ sẽ có cơ hội đàng hoàng ra khỏi cuộc khủng hoảng. Còn nếu họ tiếp tục với giả định rằng, lệnh ngừng bắn là không cần thiết và sẽ chiến đấu tới khi giành chiến thắng, thì cuộc xung đột vũ trang này sẽ kéo rất dài và đó là một điều vô cùng đáng sợ. Dù quân đội Syria có mạnh tới cỡ nào chăng nữa, hiệu quả của chiến dịch không kích Nga mới là yếu tố giúp họ vượt trội trước kẻ thù.

Đại sứ Nga Vitaly Churkin phát biểu tại Liên Hợp Quốc.

Nhưng ông Churkin cũng cho rằng, các bình luận của ông Assad có thể chỉ nhằm mang tới tác động chính trị nào đó: “Bằng tất cả sự kính trọng với một nhà lãnh đạo cấp cao, tôi cho rằng chúng ta không nên quá tập trung vào điều ông Assad nói mà hãy nhìn vào những hành động thực tế”. Đại sứ Nga tại LHQ nhấn mạnh, Damascus cần hiểu rằng, thỏa thuận Munich là cơ hội độc nhất cho Syria thoát khỏi chiến tranh, sau 5 năm chịu cảnh tàn phá không ngừng.

Trước đó, trong một tuyên bố được phát trực tiếp trên truyền hình hôm 15-2, Tổng thống Assad khẳng định, Chính phủ Syria không có lựa chọn nào khác, ngoài việc phải giành chiến thắng trên chiến trường dù điều này có thể khiến họ phải trả một cái giá không hề nhỏ. Sở dĩ vậy vì, mặc dù đồng ý với kế hoạch “ngừng thù địch”, nhưng Tổng thống Assad lại cho rằng, chẳng ai “có khả năng thuyết phục các bên cùng thực thi các điều kiện (của thỏa thuận ngừng bắn - PV) này trong vòng một tuần”.

Bên cạnh đó, “ai sẽ là người đứng ra nói với các phần tử khủng bố rằng, nếu một nhóm khủng bố nào đó từ chối tuân thủ ngừng bắn, họ sẽ phải chịu trách nhiệm. Ai là người sẽ giội bom vào các phần tử khủng bố? Nếu họ muốn đánh bom chúng, chúng ta có thể tìm thấy chúng ở đâu?”. Theo Tổng thống Syria, tất cả các vấn đề này đều rất khó để thực hiện.

Bên cạnh việc cảnh báo Tổng thống Syria về việc khôi phục việc kiểm soát toàn bộ đất nước, Nga cũng hứa sẽ bảo vệ người Kurd nếu Thổ Nhĩ Kỳ quyết định tiến hành chiến dịch trên bộ ở Syria. Theo người đứng đầu văn phòng đại diện mới mở ở Moskva của người Kurd tại Syria, ông Rodi Osman, bước đi như vậy của Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dẫn đến “đại chiến”.

Ông nói: “Chúng tôi cho rằng mối đe dọa này rất nghiêm trọng, do chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ là chính quyền chiến tranh. Nga sẽ đáp trả nếu có một cuộc xâm lược”. Lời hứa của Nga được đưa ra trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ liên tiếp không kích vào khu vực do người Kurd kiểm soát tại Aleppo, miền Bắc Syria trong những ngày gần đây.

Bất chấp những kêu gọi từ phương Tây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan tuyên bố sẽ không ngừng các cuộc không kích của mình, đồng thời nhấn mạnh sẽ không cho phép xuất hiện một thành trì của người Kurd tại Syria, sát với biên giới phía Nam Thổ Nhĩ Kỳ. Trong bối cảnh trên, Bộ Ngoại giao Nga cũng ra tuyên bố nhấn mạnh Syria là một nước có chủ quyền, do đó mọi cuộc tấn công nhằm vào Syria đều là bất hợp pháp.

Bộ Ngoại giao Nga cũng khẳng định Moskva sẽ ủng hộ một Syria thống nhất, độc lập, với sự hiện diện hòa bình của các tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau. Về phía Syria, cố vấn chính trị của Tổng thống Assad, ông Bouthaina Shaaban chỉ ra rằng: “Chính Thổ Nhĩ Kỳ đã khởi động cuộc chiến tại Syria.

Vào thời điểm quân đội Syria và lực lượng người Kurd giành thắng lợi trên mặt đất, Thổ Nhĩ Kỳ đang tấn công trực tiếp những thành phố và làng mạc của chúng tôi nhằm cứu các khoản đầu tư của họ cho lực lượng thánh chiến mà họ gửi đến Syria. Một khi Thổ Nhĩ Kỳ thấy những kẻ khủng bố này bị thua hoặc thất bại, họ sẽ nhảy vào cứu và giúp đỡ”.

Theo ông Shaaban, những tham vọng của giới lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ là nhằm phục hồi lại Đế quốc Ottoman, và họ đang sử dụng mọi phương tiện có thể, kể cả cuộc khủng hoảng người tị nạn, để đạt được mục đích của mình. Vị cố vấn chính trị nói: “Tôi hy vọng rằng thế giới phương Tây đừng xem Chính phủ của Tổng thống Erdogan như một phương tiện nhằm giúp họ trong cuộc chiến chống khủng bố hay ngăn chặn cuộc khủng hoảng nhập cư. Chúng tôi muốn Nga, Mỹ và tất cả các nước trên thế giới cùng gia nhập lực lượng chống khủng bố, thay vì đưa ra những cáo buộc chẳng đi đến đâu”.

Trong một diễn biến liên quan, Giám đốc Tổ chức Giám sát Nhân quyền Syria (SOHR), ông Rami Abdel Rahman cho biết, ít nhất 500 tay súng đã vượt qua cửa khẩu Bab al-Salam để tiến vào thị trấn Azaz nhằm hỗ trợ các phần tử khủng bố khác trước những cuộc tấn công của lực lượng người Kurd ở các khu vực phía Bắc tỉnh Aleppo, Syria. Trước đó, chính SOHR cũng nói rằng, việc xâm nhập của các phần tử khủng bố được tiến hành dưới sự giám sát của các quan chức Thổ Nhĩ Kỳ.


Khổng Hà
.
.
.