Có âm mưu làm giả các vụ tấn công vũ khí hóa học để tạo cớ cho Mỹ dội bom Syria?
- Chuyển hướng nghi ngờ thủ phạm tấn công hóa học ở Syria
- Hé lộ về vũ khí Mỹ sử dụng khi mở rộng chiến tranh với Syria
- Nga có bằng chứng hoạt động khiêu khích bằng vũ khí hóa học ở Syria
Phát biểu tại cuộc họp báo ngắn cùng Tổng thống Italia Sergio Mattarela, đang có chuyến thăm chính thức Moscow hôm 11-4, Tổng thống Nga Vladimir Putin cho biết:
“Nga có thông tin từ nhiều nguồn khác nhau về các hoạt động khiêu khích bằng vũ khí hóa học hiện đang được chuẩn bị ở nhiều khu vực khác nhau thuộc Syria, bao gồm cả vùng ngoại ô phía Nam thủ đô Damascus. Người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định, hành động này là nhằm phục vụ cho kế hoạch đổ lỗi cho chính quyền Tổng thống Syria Bashar al-Assad sử dụng vũ khí hóa học để từ đó tạo cớ cho các cuộc tấn công bằng tên lửa mới”.
Cũng theo ông Vladimir Putin, Nga cực lực phản đối những hành động cũng như động thái và các cáo buộc vô căn cứ của Mỹ cùng các nước đồng minh nhằm vào Syria.
Chữa trị cho các nạn nhân bị tác động bởi vụ tấn công bằng vũ khí hóa học ở Idlib. Ảnh: Reuters. |
Tổng thống Nga nói: “Việc này làm tôi nhớ đến sự kiện năm 2003, khi đại diện của Mỹ trình bày trước Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc (LHQ) về cái mà họ gọi là vũ khí hóa học được tìm thấy ở Iraq. Chiến dịch quân sự được triển khai sau đó ở Iraq đã phá hủy đất nước này, làm gia tăng nguy cơ khủng bố và dẫn đến sự xuất hiện của Tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) trên thế giới”.
Bộ Tổng Tham mưu Nga cũng đưa ra báo cáo về một chiến dịch dàn dựng ở Syria. Theo đó, phiến quân đang chuyển chất độc hóa học tới nhiều khu vực ở Syria, trong đó có Đông Ghouta, địa điểm xảy ra vụ tấn công hóa học năm 2013. Mục đích chính của việc này là cáo buộc chính quyền Damascus gây ra các vụ tấn công hóa học và tạo cớ để Mỹ tiếp tục tiến hành không kích như hôm 7-4.
Hiện chính quyền Moscow đã chuyển một số bằng chứng mà nước này thu thập được về vụ tấn công bằng vũ khí hóa học Idlib, Syria lên Tòa án hình sự quốc tế tại The Hague, Hà Lan để phục vụ công tác điều tra. Còn Chính phủ Syria thì tuyên bố sẵn sàng cho phép các chuyên gia quốc tế kiểm tra căn cứ quân sự để tìm các dấu vết của vũ khí hóa học.
Một số hãng thông tấn khác lại cho rằng, rất có thể vụ việc là do Mặt trận al-Nusra, hay còn gọi là Mặt trận Fateh al-Sham, một chi nhánh mạng lưới khủng bố Al-Qaeda và là “đồng minh” của IS tại Syria. Tổ chức này cùng với IS đã dự trữ nhiều loại vũ khí hóa học tại các vùng miền mà chúng đang giành quyền kiểm soát.
Vụ tấn công bằng vũ khí hóa học tại Syria gần đây nhất diễn ra hôm 4-4, tại tỉnh Idlib làm hơn 80 người thiệt mạng. Tổng thư ký LHQ đã kịch liệt lên án vụ việc này.
Ngày 12-4, Hội đồng Bảo an LHQ cũng đã bỏ phiếu về một dự thảo nghị quyết do Anh, Pháp, Mỹ đệ trình, trong đó yêu cầu chính quyền Syria hợp tác với một nhóm điều tra quốc tế do Tổ chức Cấm vũ khí hóa học của LHQ (OPCW) dẫn đầu.
Cho đến nay, cả Anh, Pháp, Mỹ đều vẫn bảo lưu cáo buộc nhằm vào chính quyền Tổng thống Bashar al-Assad. Thậm chí, Mỹ còn đang tính đến cả khả năng điều tra Nga đồng lõa trong vụ việc bị nghi là cuộc tấn công sử dụng vũ khí hóa học của quân đội Syria nhằm vào dân thường.