Chuyên gia lý giải vì sao nhiều bệnh nhân tái nhiễm COVID-19

Thứ Tư, 29/04/2020, 15:07
Nhóm chuyên gia y tế Hàn Quốc cho rằng, các bệnh nhân hồi phục sau khi nhiễm COVID-19 vẫn có thể dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 gây bệnh này. Nguyên nhân là do các "mảnh" virus đã bị bất hoạt, hay có thể coi là "xác" của virus.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hàn Quốc (KCDC), tính đến hết ngày 28/4, đã có tổng cộng 277 trường hợp điều trị khỏi COVID-19 nhưng dương tính trở lại với virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19 tại quốc gia này.

Ủy ban lâm sàng quốc gia về kiểm soát bệnh mới xuất hiện tại Hàn Quốc ngày 29/4 cho biết, không có sự tồn tại của virus "sống" nào trong những trường hợp tái nhiễm như vậy, gián tiếp bác bỏ các giả thuyết về việc virus được tái kích hoạt trong cơ thể người, hoặc do người bệnh tái nhiễm khi trở về cộng đồng.

Chủ tịch Ủy ban lâm sàng quốc gia về kiểm soát bệnh mới xuất hiện của Hàn Quốc Oh Myoung-don (Ảnh: YONHAP)

Yonhap dẫn lời các chuyên gia y tế thuộc ủy ban này cho biết, các trường hợp tái nhiễm thực chất là do các mảnh virus vẫn còn trong cơ thể bệnh nhân và các bộ xét nghiệm đã phát hiện được các mảnh virus, hay còn được coi là xác virus này.

Hàn Quốc hiện đang sử dụng xét nghiệm phản ứng tổng hợp chuỗi polymerase sao chép ngược (PCR) để xét nghiệm virus SARS-CoV-2, bằng cách tìm thông tin di truyền của virus (RNA) trong các mẫu xét nghiệm lấy từ bệnh nhân.

Theo các chuyên gia, phương pháp xét nghiệm PCR này nhạy đến mức có thể phát hiện được những lượng nhỏ RNA từ một tế bào kể cả khi người bệnh đã hoàn toàn hồi phục. "Các mảnh RNA vẫn có thể tồn tại trong một tế bào kể cả khi virus đã bất hoat", các chuyên gia chỉ rõ.

Ông Oh Myoung-don, Chủ tịch Ủy ban này cho rằng, các trường hợp bệnh nhân khỏi bệnh bị dương tính trở lại là do những hạn chế kỹ thuật của phương pháp xét nghiệm PCR. "Nhiều khả năng các trường hợp dương tính trở lại là do (xét nghiệm) đã thu thập RNA của virus bị bất hoạt".

Ủy ban này cho biết thêm, virus SARS-CoV-2 hầu như không thể kích hoạt trở lại, ngoại trừ trường hợp gây nhiễm trùng mãn tính. "Virus COVID-19 không xâm nhập được vào bên trong nhân tế bào và kết hợp với DNA của bệnh nhân. Điều đó nghĩa là virus không gây nhiễm trùng mãn tính", ông nói. 

Ông Oh đồng thời viện dẫn hai virus khác là HIV và viêm gan B, theo đó chỉ rõ 2 virus này xâm nhập vào bên trong nhân tế bào gây nhiễm trùng mãn tính, còn SARS-CoV-2 thì không. 

Lời giải thích của chuyên gia y tế Hàn Quốc phần nào đã trấn an được tinh thần người dân, trong bồi cảnh quốc gia này đang chứng kiến nhiều ca tái dương tính với COVID-19 sau khi được chữa khỏi, sau nhiều tuần chống dịch vô cùng hiệu quả.

Tính đến ngày 29/4, Hàn Quốc ghi nhận thêm 9 ca lây nhiễm COVID-19 mới, đưa tổng số ca nhiễm tại nước này lên 10.761 trường hợp. Đây là ngày thứ 11 liên tiếp Hàn Quốc ghi nhận số ca nhiễm mới ở mức 15 bệnh nhân hoặc thấp hơn. 

An Nhiên
.
.
.