Chuyến đi hòa giải với châu Âu của Tổng thống Nga Putin
- Tổng thống Putin: Chưa thể gặp thượng đỉnh với ông Trump
- Tổng thống Putin hóm hỉnh nói về những bức ảnh khoe ngực trần gây "bão"
- Nhà lãnh đạo Kim Jong-un được Tổng thống Putin mời đến Nga
- Tổng thống Putin: Quân đội Nga góp phần duy trì cân bằng thế giới
Ngày 4-6, chỉ một ngày trước khi chuyến công du đến Áo diễn ra, trả lời phỏng vấn với Đài Phát thanh và Truyền hình ORF của Áo, Tổng thống Putin đã tuyên bố: “Mục tiêu của chúng tôi không nhằm chia rẽ bất kỳ điều gì hay bất kỳ ai ở châu Âu. Ngược lại, chúng tôi muốn thấy một Liên minh châu Âu (EU) thống nhất và thịnh vượng, vì EU là đối tác thương mại và kinh tế lớn nhất của chúng tôi”.
Tuyên bố của Tổng thống Putin được giới quan sát nhận định đã phần nào “xoa dịu” châu Âu, nhất là khi quan hệ giữa Nga với các nước EU vẫn chìm trong căng thẳng, với việc phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt mạnh lên Nga kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea cách đây 4 năm. Hai bên gần đây cũng bất đồng quan điểm trong nhiều vấn đề như cuộc chiến tại Syria, vấn đề miền Đông Ukraine hay vụ điệp viên Nga nghi bị đầu độc tại Anh.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz. Ảnh: Sputnik |
Với tuyên bố của mình, ông chủ Điện Kremlin đang tìm cách mở ra con đường hòa hợp với châu Âu, phá vỡ sự cô lập và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt của phương Tây đối với Moscow, BBC nhận định.
Cần lưu ý rằng, Áo là nước phương Tây đầu tiên nhập khẩu khí đốt của Nga cách đây 50 năm. Đồng thời, không giống như đa số các quốc gia châu Âu khác, Áo không trục xuất bất kỳ nhà ngoại giao Nga nào trong vụ cựu điệp viên người Nga Sergei Skripal và con gái bị đầu độc ở Anh.
Quan trong hơn, Áo sẽ tiếp quản chức chủ tịch luân phiên EU vào tháng 7 tới với mong muốn đóng vai trò cầu nối giữa Đông và Tây. Trong bối cảnh Mỹ quyết định áp đặt các mức thuế mới đối với những sản phẩm nhôm và thép nhập khẩu từ EU, Áo cũng là nước đã lên tiếng kêu gọi EU dỡ bỏ các lệnh trừng phạt Nga.
Hơn thế, ông chủ điện Kremlin hiểu rõ mối liên kết mạnh mẽ và quan trọng nhất giữa châu Âu và Nga chính là năng lượng. Hiện 1/3 lượng khí đốt của châu Âu đến từ Nga và số lượng đang tăng lên. Trong khi đó, Nga với dự án đường ống Nord Stream 2 trị giá gần 11 tỷ USD sẽ là sợi dây kinh tế hữu hình đầy ràng buộc khiến châu Âu phụ thuộc vào Nga nhiều hơn về năng lượng.
Quyết định của Tổng thống Mỹ rút khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran và đánh thuế nhập khẩu thép của EU cũng được đánh giá là sẽ khiến các đối tác châu Âu đặt thêm kỳ vọng vào đường ống mới của Nga, theo Bloomberg.
Do đó, việc lựa chọn Áo là điểm đến đầu tiên ở nước ngoài trong nhiệm kỳ mới của nhà lãnh đạo Nga được giới phân tích nhận định là “chớp đúng thời cơ”, thể hiện sự thấu hiểu sâu sắc tình trạng căng thẳng giữa châu Âu và chính quyền Mỹ Donald Trump và hy vọng sẽ tận dụng được điều này nhằm tăng cường mối quan hệ với EU.
Trong khuôn khổ chuyến thăm đến Áo ngày 5-6, Tổng thống Putin đã có các cuộc hội đàm với Tổng thống Áo Alexander Van der Bellen và Thủ tướng Áo Sebastian Kurz nhằm thảo luận về tình trạng và triển vọng trong quan hệ giữa hai nước ở nhiều lĩnh vực, cũng như trao đổi quan điểm về các vấn đề quốc tế quan trọng.
Tổng thống Putin cũng tham dự một cuộc họp với đại diện doanh nghiệp 2 nước để thảo luận về các vấn đề hợp tác kinh tế và thương mại cùng có lợi, với trọng tâm hướng tới lễ kỷ niệm 50 năm thành lập dự án năng lượng quy mô lớn cung cấp khí thiên nhiên từ Liên Xô sang châu Âu.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau khi hội đàm với người đồng cấp Áo Alexander Van der Bellen ngày 5-6, Tổng thống Nga đã kêu gọi "Lục địa già" chấm dứt các biện pháp trừng phạt đối với Moscow liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Theo đó, Tổng thống Putin khẳng định các lệnh trừng phạt áp đặt vì các lý do chính trị không thể giải quyết các vấn đề chính trị. Các biện pháp trừng phạt gây tổn hại cho tất cả các bên, kể cả bên áp đặt và bên hứng chịu. Ông chủ điện Kremlin bày tỏ các bên đều mong muốn dỡ bỏ các lệnh trừng phạt này và Moscow cũng vậy.
Song, nhà lãnh đạo Nga đồng thời khẳng định nước này đã vượt qua những khó khăn do tác động của các biện pháp trừng phạt của EU. Rõ ràng, tuyên bố của nhà lãnh đạo Nga gián tiếp nhấn mạnh rằng sự hợp tác giữa Nga và EU là cần thiết cho lợi ích của cả hai phía.
Tuy nhiên, vẫn còn quá sớm để khẳng định thiện chí của Áo hoặc các quốc gia châu Âu khác có thể dẫn tới việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt dành cho Nga hay không. Nhất là khi Tổng thống Nga đã chia sẻ ngay trước thềm chuyến thăm Áo rằng “không có điều kiện nào và cũng không bao giờ Nga trả lại Crimea cho Ukraine”.
Phát biểu sau cuộc gặp với Tổng thống Nga, Thủ tướng Áo Sebastian Kurz cho biết Nga và Áo vẫn tiếp tục hợp tác ngay cả trong những giai đoạn khó khăn, đồng thời nêu rõ hợp tác tốt hơn là đối đầu. Song, Thủ tướng Áo khẳng định nước này sẽ duy trì các quyết định của EU, trong đó có các biện pháp trừng phạt sau khi đảm nhiệm chức chủ tịch luân phiên EU nhiệm kỳ 6 tháng bắt đầu từ ngày 1-7 tới.
Mặc dù vậy, những thay đổi trong các làn gió chính trị tại châu Âu, cùng các giá trị hợp tác kinh tế và thương mại to lớn trong tương lai lại được cho rằng có thể góp phần mở ra một lối đi mới cho nước Nga trong tiến trình “xích lại gần hơn” với “lục địa già” dựa trên những nền tảng lợi ích chung.