Tăng nhiệt trở lại cuộc thương chiến Mỹ - Trung

Chủ Nhật, 12/05/2019, 08:28
Việc vòng đàm phán thương mại lần thứ 11 kết thúc mà không đạt được thỏa thuận nào, kèm thêm động thái Tổng thống Mỹ Donald Trump ra lệnh cho Đại diện thương mại Robert Lighthizer bắt đầu quá trình tăng thuế đối với toàn bộ hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc đã khiến cho cuộc thương chiến giữa hai nước tăng nhiệt trở lại.

Không bên nào thắng

Cụ thể, hôm 10-5 (giờ địa phương), vào thời điểm hai nước đang đàm phán tại Thủ đô Washington (Mỹ), chính quyền Tổng thống Donald Trump thông báo chính thức áp đặt mức thuế mới, theo đó tăng mức thuế từ 10% lên 25% đối với lượng hàng hóa trị giá 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc kể từ 00h01' giờ Mỹ (11h01' giờ Việt Nam). 

Cơ quan Hải quan và Bảo vệ Biên giới Mỹ khẳng định đã nâng mức thuế lên 25% đối với lượng hàng hóa Trung Quốc bị tác động trên sau khi Washington không có hành động đảo ngược quyết định đã được thông báo trước đó. 

Người đứng đầu Nhà Trắng tuyên bố việc áp mức thuế quan mới sẽ đem lại lợi ích cho nước Mỹ, giúp Mỹ trở lên vững mạnh hơn chứ không phải yếu đi, bất chấp những cảnh báo của giới chuyên gia cũng như các đồng minh trong đảng Cộng hòa rằng mức thuế mới có thể đe dọa đến sự tăng trưởng của nền kinh tế Mỹ, thứ “vũ khí” quan trọng mà ông sẽ sử dụng nhằm tái vận động tranh cử trong cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2020. 

Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc cùng Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tại Washington hôm 10-5. Ảnh: Reuters.

Ngoài ra, Tổng thống Donald Trump còn cho biết ông sẵn sàng tiến xa hơn, đe dọa việc áp thuế mới đối với lượng hàng hóa trị giá 325 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh ngay lập tức bày tỏ làm tiếc trước quyết định mới nhất của Washington, đồng thời khẳng định sẽ đưa ra biện pháp đáp trả cần thiết. 

Tuy nhiên, Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc vẫn khẳng định mong muốn tiếp tục hợp tác đối thoại với Mỹ: “Hợp tác là lựa chọn duy nhất. Tôi cũng tin rằng, hai nước sẽ tiếp tục hợp tác cùng nhau trong tương lai. Mỹ và Trung Quốc chia sẻ lợi ích chung và chỉ có thể giải quyết thông qua đối thoại”. 

Về phía Mỹ, bảo vệ quyết định tăng thuế của mình, nhưng Bộ trưởng Thương mại Wilbur Ross vẫn khẳng định mong muốn đạt được một thỏa thuận thương mại với Trung Quốc: “Chúng tôi đang tiến hành các cuộc thảo luận với Trung Quốc. Có thể có hai kết quả, một là hai bên đạt được thỏa thuận hay chúng tôi sẽ tăng thuế cao hơn vào Trung Quốc. Mỹ hoàn toàn thoải mái với bất kì kết quả nào có thể xảy ra. Tuy nhiên, chúng tôi sẽ vui hơn nếu có thể đạt được thỏa thuận với Trung Quốc”.

Đánh giá về các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, giới chuyên gia nhận định, Trung Quốc bị hạn chế hơn trong việc đáp trả lệnh áp thuế quan mới nhất của Mỹ, bởi thực tế nước này mua hàng hóa ít hơn từ Mỹ. 

Trung Quốc đã áp thuế đối với hàng xuất khẩu của Mỹ trị giá khoảng 110 tỷ USD khi cuộc chiến thương mại bắt đầu vào năm ngoái và nước này chỉ còn lại khoảng 10 tỷ USD hàng hóa để áp thuế đáp trả Mỹ hiện nay. Tuy vậy, theo ông Julian Evans-Pritchard, chuyên gia kinh tế cao cấp tại Mỹ nhận định, Trung Quốc có thể lựa chọn không cần áp thuế đối với danh sách xuất khẩu mới, mà tiếp tục tăng mức thuế hiện có đối với các sản phẩm của Mỹ. 

Ngoài ra, Trung Quốc cũng có thể gây khó khăn cho các công ty của Mỹ hoạt động trên lãnh thổ nước này. Tuy nhiên điều này sẽ làm hỏng nỗ lực của nước này thời gian qua nhằm giới thiệu Trung Quốc như một nơi đầu tư hấp dẫn. 

Các chuyên gia cũng nhận định, việc Trung Quốc chưa nêu cụ thể các biện pháp trả đũa là gì và khi nào sẽ được áp đặt, cho thấy nước này vẫn hy vọng tiến trình đối thoại có thể cứu vãn tình hình.

Bày tỏ lo ngại sau quyết định tăng thuế của Mỹ, người phát ngôn của Thủ tướng Anh nhấn mạnh rằng, sẽ chẳng có bên nào được lợi trong cuộc thương chiến này. 

Quan chức này nói: “Chúng tôi lo ngại về vấn đề này và chúng tôi chắc chắn rằng không ai được lợi từ cuộc chiến thương mại. Các cuộc thảo luận giữa hai bên đang diễn ra và chúng tôi hy vọng hai bên sẽ tìm ra một giải pháp nhằm tránh leo thang căng thẳng hơn nữa”. 

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire cảnh báo sự leo thang trong tranh chấp thương mại giữa Trung Quốc và Mỹ đang trở thành mối đe dọa nghiêm trọng đối với tăng trưởng toàn cầu và đe dọa tình hình việc làm trên khắp châu Âu. 

Theo ông, căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ khiến “lượng hàng hóa lưu thông trên thế giới sụt giảm và các việc làm tại Pháp và châu Âu sẽ mất đi”.

Những “mũi tiêm dự phòng tâm lý”

Khi Mỹ quyết định áp thuế mới, báo chí Trung Quốc đăng nhiều bài viết nhấn mạnh kinh tế nước này đủ sức chống chọi, đồng thời cổ vũ thanh niên nên coi việc ứng phó với thách thức “Mỹ-Trung là sứ mệnh thời đại”. 

Các nhà phân tích cho rằng đây là những “mũi tiêm dự phòng tâm lý” cho xã hội, làm gia tăng sức đề kháng và giúp người dân Trung Quốc vượt qua những lo lắng về chiến tranh thương mại Mỹ-Trung. 

Khẳng định kinh tế Trung Quốc có đủ sức chống chọi trước những ảnh hưởng từ chiến tranh thương mại cũng là thông điệp của Bắc Kinh đối với Washington rằng “Trung Quốc có nền tảng để không dễ dàng làm kẻ đứng dưới”.

Trong bài viết mang tiêu đề “Kinh tế Trung Quốc có đủ sức bền để phát triển”, tờ Nhân dân Nhật báo dẫn ví dụ vào dịp nghỉ lễ 1/5 vừa qua, người dân Trung Quốc đã chi tiêu hàng nghìn tỷ Nhân dân tệ, qua đó cho thấy kinh tế Trung Quốc có nội lực rất mạnh. 

Bên cạnh đó, các chỉ số kinh tế chính trong quý 1/2019 không những được bảo đảm trong phạm vi hợp lý mà còn tốt hơn dự tính. Mặc dù chiến tranh thương mại Mỹ-Trung đã kéo dài 10 tháng qua, song kinh tế Trung Quốc vẫn tăng trưởng ổn định, lành mạnh, GDP tăng 6,4% so với cùng kỳ. 

Chỉ số việc làm của Trung Quốc không những không bị ảnh hưởng bởi chiến tranh thương mại mà còn tăng thêm 3,24 triệu việc làm mới trong quý I/2019, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 3-2019 cũng giảm nhẹ so với tháng trước, dự trữ ngoại hối tăng liên tục trong 5 tháng qua. 

Cuối cùng, bài viết dẫn lời Chủ nhiệm Phòng Nghiên cứu chính sách Ủy ban Phát triển và Cải cách quốc gia Viên Đạt nhấn mạnh: “Chúng ta hoàn toàn có đủ tự tin, đủ điều kiện, đủ năng lực để bảo đảm kinh tế vận hành trong phạm vi hợp lý, thực hiện mục tiêu đã đề ra”. 

Trong bản tin hàng ngày, Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) cũng phát đoạn tin liên quan tới việc kinh tế Trung Quốc có đủ sức chống chịu để tiếp tục phát triển nhằm “tiêm liều thuốc trợ tim” cho người dân, ổn định lòng tin của thị trường. 

Trong khi đó, trên nền tảng mạng xã hội Wechat, Tổng biên tập Thời báo Hoàn cầu Hồ Tích Tiến kêu gọi thanh niên Trung Quốc nhìn nhận tích cực về những thách thức do diễn biến phức tạp của quan hệ Mỹ-Trung mang lại, không sợ hãi, không oán trách. 

Ông nhấn mạnh thanh niên Trung Quốc cần kiên cường, tự tin ứng phó với “canh bạc” Mỹ-Trung, cần gánh vác trách nhiệm trong giai đoạn đặc thù của quá trình phục hưng Trung Quốc. 

Cho dù là trấn an dân chúng trong bài viết của Nhân dân nhật báo hay cổ vũ lòng dân trong bình luận của Tổng biên tập Hồ Tích Tiến, Trung Quốc đều phát đi tín hiệu rằng, giới lãnh đạo cấp cao Trung Quốc dự đoán cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ khó có tin tốt lành trong thời gian ngắn, do vậy cần chuẩn bị tư tưởng tốt cho quần chúng nhân dân.

Có phân tích cho rằng, việc nhấn mạnh nhiều lần “kinh tế Trung Quốc có đủ sức chống chọi” cũng là chiến thuật tâm lý nhằm vào Mỹ, qua đó chứng minh với Washington rằng Bắc Kinh có năng lực vượt qua chiến tranh thương mại và Mỹ không nên hy vọng Trung Quốc sẽ có những thỏa hiệp lớn để sớm kết thúc cuộc chiến.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.