Châu Âu "xoay trục chiến lược" với Trung Quốc

Thứ Năm, 28/03/2019, 10:10
Trước đây, châu Âu luôn tỏ ra nghi ngại khi nhắc tới mối quan hệ với Trung Quốc, bởi lục địa già coi Bắc Kinh là một đối thủ với những tham vọng khó lường. Nhưng hôm 26-3, ba nhà lãnh đạo quan trọng nhất châu Âu đã họp thượng đỉnh với Chủ tịch Tập Cận Bình tại thủ đô Paris.


Giới chuyên gia nhận định, cuộc gặp chưa từng có tiền lệ này phản ánh việc châu Âu đang từng bước thay đổi chiến lược tiếp cận đối với vấn đề "giấc mộng Trung Hoa". 

Hôm 26-3 (giờ địa phương), ba nhà lãnh đạo quan trọng nhất của châu Âu gồm Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã có cuộc họp quan trọng với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tại Paris, Pháp.

Chủ trì sự kiện, ông Emmanuel Macron cho biết lý do của cuộc gặp chưa từng có tiền lệ nêu trên chính là để bảo vệ châu Âu. "Liên minh châu Âu (EU) cần một sự đoàn kết để bảo vệ lợi ích và các giá trị thực sự trong khối. Chúng ta cũng cần bảo vệ khối khỏi những biến đổi khó lường của thế giới đương đại. Vì vậy, chúng tôi đang hy vọng vào một cách tiếp cận mới đối với Trung Quốc, không chỉ là song phương mà là một chiến lược dài hạn trải rộng EU", ông Macron nêu rõ.

Bắt tay với  "Con đường tơ lụa"             

The Guardian dẫn nguồn tin thân cận cho biết, chủ nghĩa đa phương, sự cạnh tranh và các dự án cơ sở hạ tầng khổng lồ nằm trong sáng kiến "Vành đai con đường" của Trung Quốc là những chủ đề chính của "Hội nghị thượng đỉnh mini" tại Paris.

Cuộc gặp giữa ba lãnh đạo châu Âu và ông Tập được coi là một bước ngoặt lớn trong việc thay đổi chiến lược tiếp cận của lục địa già với Bắc Kinh. Nguồn: Reuters.

Ngay sau hội nghị, dù không nêu cụ thể các vấn đề được "đặt lên bàn", nhưng Tổng thống Macron nhấn mạnh các bên đã thảo luận rất hiệu quả, đặc biệt là "niềm tin và đường hướng để EU có thể đóng vai trò trong các dự án cơ sở hạ tầng của Trung Quốc tại châu Âu".

Tờ Welt Am Sonntag của Đức bình luận, để vượt qua rào cản nghi ngại trong cạnh tranh giữa các nước thuộc EU và Trung Quốc không phải là chuyện dễ dàng. Trước đây, châu Âu gần như mở cửa tự do cho các nhà đầu tư Trung Quốc, nhưng các nhà đầu tư châu Âu lại gặp phải rất nhiều khó khăn khi muốn thâm nhập vào thị trường Bắc Kinh.

Do đó, một khi lục địa già đã "bật đèn xanh" với các dự án "Con đường tơ lụa", Trung Quốc cần phải tôn trọng và chứng minh thiện chí của mình, bằng việc thực hiện nghiêm túc các nguyên tắc cân bằng  trong quan hệ thương mại với EU.

Thủ tướng Angela Merkel cũng lưu ý nguyên tắc này trên tờ Politico như sau: " Về sáng kiến Vành đai Con đường, đây là một dự án lớn. Những người châu Âu chúng tôi muốn đóng vai trò trong sáng kiến này, nhưng cần phải có đi có lại. Hiện vẫn còn một chút khó khăn trong việc tìm ra cách để hóa giải điều đó. Tuy nhiên, chúng ta sẽ sớm có kết quả tích cực". Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình khẳng định: "Trong 40 năm qua, Trung Quốc đã đi trên con đường cải cách, và chúng tôi sẽ tiếp tục tiến lên và cởi mở hơn". 

Vừa hợp tác, vừa đấu tranh

Giới chuyên gia đánh giá, sự lo ngại của người châu Âu đối với Trung Quốc không chỉ dừng lại ở mối quan hệ có đi có lại, mà chính họ sợ rằng nếu bắt tay với Trung Quốc, thì mô hình phát triển đa phương mà lục địa già luôn tâm đắc sẽ trở nên yếu thế trước mô hình của Bắc Kinh.

Đáp lại những quan điểm trên, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker ngày 27-3 cho biết: "Khi chuyển hướng tiếp cận đối với Trung Quốc, châu Âu có rất nhiều mối lo. Hợp tác đồng thời đi liền với đấu tranh nhưng chúng tôi không hề ngại điều đó".

Đối với châu Âu, quan hệ với Trung Quốc mang tầm chiến lược bởi lẽ Trung Quốc là đối tác thương mại quan trọng hàng đầu của châu Âu và là nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng như đông dân nhất toàn cầu. Sự hợp tác giữa EU và Trung Quốc càng có ý nghĩa hơn khi cả hai bên đều ủng hộ một trật tự đa phương trong quan hệ quốc tế cũng như một nền thương mại toàn cầu rộng mở, trong bối cảnh nước Mỹ dưới thời ông Trump lại đi theo hướng bảo hộ.

Günther Ottinger, Ủy viên châu Âu về Ngân sách và Nhân lực bày tỏ: "Cơ hội luôn song hành cùng thách thức, vì thế những nỗi lo sẽ được giải quyết nếu như châu Âu đưa ra được những chiến lược tiếp cận mềm dẻo nhưng sáng suốt. Dựa trên lợi ích từng quốc gia nói riêng và EU nói chung, các lãnh đạo hoàn toàn có khả năng phủ quyết những dự án cơ sở hạ tầng được cho là không phù hợp, cũng như thúc đẩy các dự án có tính bền vững từ phía Trung Quốc".

Euronews nhận định, việc thẳng thắn đối thoại giữa các đại diện EU với Trung Quốc hôm 26-3 được coi một thay đổi lớn trong nhận thức chiến lược của châu Âu đối với Trung Quốc, là tiền đề cho những đàm phán chính sách trong tương lai. Tuy nhiên, EU sẽ không "ngây thơ" bởi khối này hiểu rõ có những giá trị không bao giờ có thể đánh đổi, chính là lợi ích của người dân.

Trong một diễn biến khác, hôm 23-3, Italia đã tán thành sáng kiến Vành đai và Con đường của Trung Quốc, đưa nước này trở thành quốc gia châu Âu đầu tiên của Nhóm các nền kinh tế lớn nhất thế giới (G7) tham gia dự án của Bắc Kinh.

Ngoài thỏa thuận Vành đai và Con đường, các doanh nghiệp Trung Quốc và Italia đã ký kết khoảng 10 hiệp định thương mại  bao gồm các dự án trong ngành thép, năng lượng và khí đốt. Tổng thống Italia Sergio Mattarella nói rằng bước đi này sẽ tạo ra "điều kiện hoàn hảo" để thúc đẩy hợp tác giữa các doanh nghiệp của hai nước. Ông đồng thời hy vọng,  sáng kiến này  sẽ trở thành "con đường hai chiều", không chỉ trao đổi hàng hóa mà còn về các ý tưởng cùng phát triển.

Linh Đan
.
.
.