Châu Âu "rối bời", Anh vẫn "mông lung" trước ngưỡng cửa lịch sử Brexit
- Liên minh châu Âu và Anh đạt đồng thuận về Brexit
- Thỏa thuận Brexit của Thủ tướng Anh chính thức được EU "gật đầu"
- Cơ hội cuối cùng để nước Anh “Brexit” đúng hạn
Reuters cho biết, cuộc bỏ phiếu về thỏa thuận Brexit mới của Thủ tướng Boris Johnson sẽ được tiến hành tối nay (19-10, theo giờ London), đánh dấu lần đầu tiên Hạ viện Anh nhóm họp vào một ngày thứ Bảy từ sau cuộc xung đột năm 1982 với Argentina và là lần thứ tư kể từ sau Thế chiến II.
Tấm bảng mang dòng chữ "chỉ còn chưa đầy20 ngày nữa để sẵn sàng cho Brexit" đặt trên đường phố Anh. Ảnh: Reuters |
“Đây sẽ là lần thứ tư chúng ta cố gắng để Hạ viện phê chuẩn điều đã được người dân quyết định vào năm 2016. Đây cũng thỏa thuận thứ hai mà chúng ta đã đạt được với Liên minh châu Âu (EU). Tôi hi vọng mọi người sẽ có cái nhìn tích cực và sau đó nước Anh sẽ rời EU ngày 31-10”, Thủ tướng Johnson nói trên BBC.
Nhà lãnh đạo vừa nhậm chức được ba tháng của Anh cũng khẳng định thỏa thuận mà ông vừa đạt được với các nước EU, vốn là bản sửa đổi của thỏa thuận dưới thời người tiền nhiệm Theresa May, là một văn kiện tuyệt vời, “giúp chúng ta tiến lên, giúp chúng ta thoát khỏi tình trạng bế tắc và mang lại sự tự do mà chúng ta mong muốn”.
Tuy nhiên, trước giờ thùng phiếu mở, Thủ tướng Johnson được cho là vẫn bế tắc trong nỗ lực kiếm sự ủng hộ để thỏa thuận Brexit mới được thông qua.
Theo BBC, chính phủ Bảo thủ của ông hiện chỉ có 288 ghế, thấp hơn so với 320 ghế đa số cần thiết tại Hạ viện. Các đảng đối lập đều cảnh báo sẽ nói “không” với thỏa thuận Johnson.
Đảng Dân chủ hợp nhất Bắc Ireland, liên minh với đảng Bảo thủ của ông Johnson, cũng từ chối ủng hộ văn kiện này vì cho rằng nó đe dọa sự toàn vẹn của Vương quốc Anh với điều khoản quy định Bắc Ireland ở trong khu vực thuế quan của Anh, nhưng lại tuân theo một số quy định thuế quan EU và bởi nó vẫn còn điều khoản không đặt hàng rào giữa biên giới giữa Bắc Ireland (thuộc Anh) và Cộng hòa Ireland.
Dưới thời cựu Thủ tướng Theresa May, Hạ viện Anh từng ba lần bác bỏ thỏa thuận Brexit vì cho rằng điều khoản “chốt chặn”, vốn ngăn việc thiết lập một đường biên giới cứng giữa Bắc Ireland và Cộng hòa Ireland sẽ chỉ khiến London là con tin của Brussels.
Từ Brussels, EU đã lên tiếng hối thúc Hạ viện Anh bỏ phiếu có trách nhiệm. Hôm 18-10, lãnh đạo các nước EU đã nhóm họp để bàn về nhiều vấn đề, trong đó có khả năng tiếp tục cho Anh trì hoãn Brexit sau ngày 31-10 để tìm kiếm thỏa thuận, nếu thỏa thuận hiện có không được thông qua, song không đạt thống nhất.
Trước bối cảnh đó, EU buộc phải nhóm họp cấp đại sứ vào ngày 20-10, ngay sau cuộc bỏ phiếu ở London. Trong trường hợp thỏa thuận bị bác bỏ, các đại sứ sẽ phải chuẩn bị cho cuộc họp cấp lãnh đạo châu Âu để quyết định có cho Anh trì hoãn thời hạn Brexit hay không.
Trong trường hợp Hạ viện Anh bỏ phiếu thông qua thỏa thuận Brexit, các đại sứ sẽ phải thông qua văn bản để nó có thể được trình lên Nghị viện châu Âu, dự kiến sẽ được nhóm họp vào ngày 23 hoặc 24-10 để phê chuẩn Thỏa thuận cũng như tuyên bố chính trị về mối quan hệ tương lai.