"Chảo lửa" Idlib rực cháy, Syria-Thổ Nhĩ Kỳ trước nguy cơ chiến tranh

Thứ Tư, 12/02/2020, 17:19
Thổ Nhĩ Kỳ dọa cho quân đội Syria "trả giá đắt" nếu tiếp tục chiến dịch ở Idlib, trong khi Damascus thể hiện quyết tâm giải phóng bằng được thành trì cuối cùng của phiến quân.

Reuters ngày 12/2 dẫn thông báo của các nhà quan sát quân sự Trung Đông cho biết đã xảy ra ít nhất hai cuộc giao tranh giữa quân đội Syria và quân đội Thổ Nhĩ Kỳ ở tỉnh Idlib nằm ở Tây Bắc Syria chỉ trong tuần qua, gây thương vong lớn cho cả hai phía. 

Trực thăng Syria bị bắn cháy khi hoạt động ở Idlib. Ảnh: AP

Trong vụ việc mới nhất, hôm 11/2, Thổ Nhĩ Kỳ tuyên bố đã tấn công dồn dập các vị trí của quân đội Chính phủ Syria, làm 51 binh sĩ Syria thiệt mạng, để đáp trả vụ nã pháo của Syria làm chết 5 binh sĩ Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib. 

Cùng ngày, lực lượng nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã bắn hạ một máy bay trực thăng của quân đội Syria ở tỉnh Idlib, làm cả 2 phi công thiệt mạng. Hãng thông tấn nhà nước Syria SANA sau đó đã xác nhận thông tin này. 

Trong đợt đụng độ trước đó vài hôm, Thổ Nhĩ Kỳ mất 8 quân nhân trong một cuộc không kích do quân đội Syria tiến hành, kéo theo một đợt pháo kích đáp trả của Ankara, làm chết 30 binh sĩ trung thành với Damascus.

Loạt vụ đụng độ giữa hai bên xảy ra trong bối cảnh lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad liên tiếp tấn công, tái chiếm thành công các khu vực chủ chốt tại Idlib từ khi khởi động chiến dịch giải phóng tỉnh giáp biên giới Thổ Nhĩ Kỳ này cuối năm ngoái. 

Xe tăng Thổ Nhĩ Kỳ ùn ùn tiến vào lãnh thổ Syria.

Phần lớn Idlib tuột khỏi tay Chính phủ Syria từ năm 2015. Hiện 50% diện tích tỉnh này nằm dưới kiểm soát của nhóm khủng bố Hayat Tahrir al-Sham (HTS) có liên hệ với mạng lưới al-Qaeda, khoảng 20-30% do phe nổi dậy thân Thổ Nhĩ Kỳ nắm giữ. Ankara đang vận hành 12 chốt quân sự tại tỉnh Idlib và một vài trong số đó nằm trong các khu vực quân đội Syria lên kế hoạch giải phóng. 

Trong tuyên bố phát đi ngày 12/2, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan cảnh báo Syria sẽ “trả giá” nếu tấn công lực lượng nước này ở Idlib. “Chính quyền Syria đang đi tìm rắc rối, đặc biệt là ở Idlib. Những rắc rối sẽ còn tiếp tục đến với họ. Nếu họ tấn công binh sỹ của chúng ta một lần nữa, họ sẽ phải trả giá đắt”, ông Erdogan phát biểu. 

Tuyên bố của nhà lãnh đạo Thổ Nhĩ Kỳ không phải “cảnh báo suông” khi Ankara những ngày qua đã triển khai thêm ít nhất 450 xe quân sự các loại, bao gồm xe tăng, pháo tự hành đến Idlib, nâng số thiết giáp tấn công của nước này trên đất Syria lên hơn 1.000 đơn vị. 

Từ Damascus, Chính phủ Syria chưa đưa ra thông điệp chính thức nào về các vụ đụng độ với Thổ Nhĩ Kỳ, song trước đó khẳng định nước này quyết không dừng lại cho tới khi giải phóng toàn bộ Idlib.

Lãnh đạo Nga-Thổ Nhĩ Kỳ chưa đạt thống nhất về tình hình Idlib. Ảnh: Reuters

Theo RT, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ năm 2018 đạt một thỏa thuận ngừng bắn tại Idlib và duy trì chúng thành công trong nhiều tháng. Trước loạt vụ đụng độ trực diện với Syria, Thổ Nhĩ Kỳ đã phàn nàn chuyện Nga làm ngơ để quân đội Syria vi phạm thỏa thuận. 

Đáp lại, Điện Kremlin phủ nhận cáo buộc, khẳng định Nga coi thỏa thuận ngừng bắn ở Idlib với Thổ Nhĩ Kỳ là yếu tố quan trọng nhất. Moscow cũng trách móc Thổ Nhĩ Kỳ không thực hiện các cam kết chống khủng bố tại khu vực, gián tiếp dẫn đến chiến dịch của quân đội Syria. 

“Thật không may, trong thời gian dài, các nhóm khủng bố đã hoạt động tự do ở Idlib. Không chỉ vậy, chúng còn tổ chức các hành động thù địch chống người dân Syria và các cơ sở của chúng tôi”, Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitri Peskov ngày 11-2 nói, nhắc đến việc căn cứ không quân Hmeymim của Nga liên tục bị phiến quân đột kích. 

Bình luận của quan chức Nga một lần nữa cho thấy bất đồng giữa hai nước về tình hình Idlib chưa được hóa giải. Tối 10-2, vòng đàm phán thứ ba về tình hình Idlib giữa quan chức ngoại giao Nga-Thổ đã diễn ra ở Ankara, song cũng không mang lại nhiều kết quả, giống như hai cuộc đàm phán đầu tiên được tổ chức ở Moscow. 

Khung cảnh tan hoang tại một đô thị ở Idlib do các cuộc giao tranh ác liệt. Ảnh: ITN

Tuy vậy, trong một phát ngôn thể hiện vai trò quyết định của Nga ở Syria, ông Peskov nói rằng Tổng thống Nga Vladimir Putin sẵn sàng gặp người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ để giải quyết vấn đề Idlib khi cấp thiết.

Trong diễn biến liên quan, Bộ Ngoại giao Iran ngày 8-2 khẳng định nước này sẵn sàng đứng ra làm trung gian hòa giải mâu thuẫn giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tehran hiện duy trì quan hệ tốt đẹp với cả Damascus và Ankara.

Dù hậu thuẫn Syria trong các chiến dịch quân sự, song lực lượng Iran được cho là không can dự vào chiến dịch Idlib. Tuy nhiên, Tehran đến nay chưa nhận được phản hồi nào của cả hai bên xung đột.

Giới chuyên gia nhận định, giao tranh ở Idlib giữa lực lượng Syria và Thổ Nhĩ Kỳ rõ ràng là điều có thể dự đoán. Tuy nhiên, tình hình đang diễn biến theo hướng có nguy cơ leo thang vượt tầm kiểm soát nếu các bên liên quan, đặc biệt là Nga và Iran, không đưa ra giải pháp chấp nhận được cho Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Ngoài thiệt hại về người và tài sản, một cuộc chiến mới giữa hai nước chắc chắn sẽ kéo lùi triển vọng chính trị nhằm thực sự chấm dứt cuộc nội chiến nổ ra năm 2011 ở Syria. 

Các nhà quan sát quốc tế cũng cảnh báo về một thảm họa nhân đạo lớn mới tại quốc gia Trung Đông này. Báo cáo của Liên Hợp Quốc (LHQ) chỉ ra rằng khoảng 700.000 người đã phải rời bỏ nhà cửa ở Idlib chỉ trong hai tháng qua và bên kia biên giới Thổ Nhĩ Kỳ, nỗi lo ngại về dòng người tị nạn sắp tràn sang ngày càng hiện hữu. 

“Đó hoàn toàn là một tình huống tồi tệ trong khu vực vào thời điểm này và không ai ở đây cảm thấy an toàn. Chúng tôi thực sự muốn toàn bộ thế giới hiểu rằng đây là một khủng hoảng trên quy mô vô cùng lớn”, Mark Cutts, Phó điều phối nhân đạo khu vực tại Syria của LHQ nhấn mạnh.

Thiện Nhân
.
.
.