Catalonia “phân cực” trước ngày bầu cử sớm
- Một triệu người dân Tây Ban Nha biểu tình chống Catalonia li khai
- Tây Ban Nha hoan nghênh cựu Thủ hiến Catalonia tranh cử
- Xung đột bạo lực có nguy cơ tái bùng phát tại Catalonia
Điều này phản ảnh sự phân cực trong chính nội bộ Catalonia, đặc biệt là vào thời điểm sắp diễn ra cuộc bầu cử khu vực dự kiến diễn ra vào ngày 21-12 tới. Cuộc bầu cử này được đánh giá là có thể phơi bày một thực tế chính trị mới tại Catalonia.
“Phân cực” hay sự bừng tỉnh của đa số im lặng?
Cuộc tuần hành lớn thứ hai diễn ra hồi cuối tuần qua của những người phản đối ly khai cho thấy đa số im lặng ở Catalonia đang bừng tỉnh. Theo số liệu của Guarda Civil – cảnh vệ dân sự Catalonia, khoảng từ 300.000 - 350.000 người đã tham gia biểu tình nhưng Societat Civil Catalana - các tổ chức dân sự Catalonia, nơi phát đi lời kêu gọi xuống đường, đưa ra con số nhiều gấp 3, từ 1 triệu đến 1,3 triệu người.
Những người này chỉ mang theo 1 thông điệp duy nhất: “Catalonia là Tây Ban Nha, Tây Ban Nha là Catalonia và trò phiêu lưu gian lận về độc lập của vùng này cần phải chấm dứt”.
Và trong cuộc tuần hành này, cựu Thủ hiến Catalonia, ông Carles Puigdemont là người bị gọi tên nhiều nhất. Trên các khán đài, các chính trị gia lên án ông Puigdemont còn phía dưới, mỗi khi cái tên Puigdemont được nhắc đến là một biển âm thanh dội lên “Prision” (Vào tù).
Đối tượng bị đả phá thứ hai là TV3, kênh truyền hình công ở Catalonia, vì bị cho là “manipulado” – bị điều khiển bởi các chính trị gia ly khai và bóp méo thông tin về nội tình Catalonia.
Không chỉ riêng cuộc khảo sát của Sigma Dos, mà các nghiên cứu và thăm dò khác ở Catalonia trong nhiều tháng qua cũng cho thấy, bất chấp không khí ly khai dâng cao, số người phản đối ly khai vẫn luôn nhỉnh hơn số ủng hộ.
Cuộc tuần hành của phe phản đối ly khai hồi cuối tuần qua. |
Sự chia rẽ trong nội bộ Catalonia trở nên rõ nét hơn cả khi Bộ trưởng Kinh doanh xứ Catalonia Santi Vila ngày 28-10 tuyên bố từ chức với dòng trạng thái đăng trên mạng xã hội Twitter rằng: “Những nỗ lực của tôi với việc đối thoại lại thất bại”.
Nhà khoa học chính trị Oriol Bartomeus nhận định: “Vẫn đang có sự chia rẽ trong phe ủng hộ độc lập” và “giờ có thể nó không rõ ràng nữa nhưng nó sẽ lại xuất hiện trong những ngày tới nếu có các cuộc thảo luận về việc những người ủng hộ độc lập có nên tham gia vào cuộc bầu cử ngày 21-12 tới hay không”.
Những việc này cho thấy, phong trào ủng hộ độc lập của ông Puigdemont có dấu hiệu yếu đi trông thấy và dường như đã “đứt gánh giữa đường”.
Catalonia đơn độc giữa cơn bão
Kể từ sau khi Nghị viện Catalonia thông qua nghị quyết tuyên bố độc lập hôm 28-10 tới nay, không chỉ Tây Ban Nha mà hầu hết các nước khác đều phản đối việc này, nhấn mạnh Catalonia là một phần không thể tách rời của Tây Ban Nha. Mỹ khẳng định sự ủng hộ các biện pháp dựa trên hiến định của Chính phủ Tây Ban Nha nhằm duy trì một đất nước vững mạnh, thống nhất.
Đồng quan điểm, hàng loạt nước châu Âu, trong đó có Pháp, Anh, Italia và Đức cũng đều khẳng định không công nhận tuyên bố độc lập mà Nghị viện Catalonia vừa thông qua, nhấn mạnh Hiến pháp Tây Ban Nha cần phải được tôn trọng và vấn đề Catalonia cần phải được xem xét.
Các nước châu Âu khác như Bỉ, Bồ Đào Nha cũng thể hiện lập trường ủng hộ chính quyền Madrid và kêu gọi giữ vững ổn định chính trị tại Tây Ban Nha. Chỉ riêng Liên minh châu Âu (EU) cho tới nay vẫn chưa có phát ngôn chính thức. Nhưng có lẽ, sau sự kiện Brexit, nhiều khả năng EU cũng sẽ đưa ra đáp án tương tự.
Mặc dù giới chuyên gia luật quốc tế đều khẳng định Nghị viện Catalonia không vi phạm luật pháp quốc tế khi tuyên bố độc lập nhưng thực tế đã chứng minh, sẽ không có một quốc gia nào thừa nhận sự độc lập này. Hay nói cách khác, đây chỉ là một tuyên bố mang tính hình thức và vô giá trị.
Giáo sư luật quốc tế Marcelo Kohen tại Viện Nghiên cứu quốc tế và phát triển ở Genève (Thụy Sĩ) khẳng định luật pháp quốc tế sẽ không thừa nhận tuyên bố độc lập của Catalonia.
Trong khi đó, nhà bình luận Lluis Bassets của tờ El Pais, người gốc Catalonia chỉ ra rằng, không những không có được độc lập, sau đây Catalonia sẽ mất đi ảnh hưởng và vị thế của mình, sẽ không còn đủ sức mạnh như trước để đàm phán khi những nỗ lực khôi phục sự đồng thuận hiến pháp diễn ra.
Cụ thể, vùng tự trị này sẽ không thể cử đại diện tham gia các tổ chức quốc tế, không có ghế trong EU, không thể gia nhập Liên Hợp Quốc và về pháp lý vẫn tiếp tục là một bộ phận không thể tách rời của Tây Ban Nha.
Sự kiện Catalonia được dự báo là sẽ sẽ đẩy Tây Ban Nha vào vòng xoáy khủng hoảng tồi tệ nhất trong 40 năm qua. Tây Ban Nha cũng sẽ thiệt hại không kém gì Catalonia, hình ảnh bị tổn hại, uy tín của các thể chế và tấm gương về sự khôi phục dân chủ và mở cửa ra thế giới sẽ bị xói mòn. Tuy rằng, nguy cơ xảy ra một cuộc nội chiến không quá lớn, nhưng điểm “nóng” chính trị - pháp lý sẽ kéo dài và hồi kết vẫn rất khó đoán định.