Nga - Mỹ cắt đứt quan hệ song phương vì bất đồng là vô nghĩa

Thứ Ba, 08/08/2017, 08:17
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson ngày 7-8 khẳng định mong muốn của Washington trong việc hợp tác với Moscow, đồng thời cho rằng, việc cắt đứt quan hệ song phương chỉ vì những bất đồng là một điều vô nghĩa.


Ngoại trưởng Mỹ cũng bày tỏ tin tưởng những vấn đề gai góc trong quan hệ hai nước có thể giải quyết được. Tuy nhiên, Mỹ sẽ đưa ra các biện pháp đáp trả trước ngày 1-9 đối với động thái của Nga yêu cầu Mỹ cắt giảm số lượng lớn nhân viên ngoại giao.

Những tuyên bố của ông Tillerson được đưa ra 1 ngày sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 50 (AMM 50) và các hội nghị liên quan đang diễn ra tại thủ đô Manila của Philippines. Đây là cuộc gặp đầu tiên giữa Ngoại trưởng Nga và Mỹ kể từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 2-8 ký ban hành luật áp đặt các lệnh trừng phạt mới nhằm vào một số nước, trong đó có Nga.

Phát biểu sau cuộc gặp, Ngoại trưởng Lavrov cho rằng, Washington đã sẵn sàng đối thoại với Moscow về những vấn đề phức tạp bất chấp căng thẳng giữa hai nước, đồng thời cho biết, hai bên đã nhất trí rằng, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov và người đồng cấp Mỹ Thomas Shannon sẽ tiếp tục thảo luận về các vấn đề phức tạp trong chương trình nghị sự song phương.

Ngoại trưởng Nga (trái) và người đồng cấp Mỹ tại một cuộc gặp. Ảnh: Getty Images.

Ngoại trưởng Lavrov đã giải thích với người đồng cấp Tillerson về quyết định của Nga tịch thu khu nhà ngoại giao ở Moscow được Đại sứ quán Mỹ thuê và lệnh cắt giảm nhân viên ngoại giao Mỹ ở Nga. Ngoài ra, ông Lavrov cũng dẫn lời Tổng thống Nga Vladimir Putin giải thích sự cần thiết Nga phải trả đũa Mỹ sau khi Washington trừng phạt Moscow về vai trò trong cuộc xung đột Ukraine và mới đây mở rộng lệnh trừng phạt vì cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Liên quan tới chủ đề này, nhiều chuyên gia phân tích chính trị cho rằng, nói cuộc điều tra khả năng Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ do Washington thực hiện là nhằm vào Nga không đúng bằng nói đó là nhằm vào chính quyền Tổng thống Trump. Từ trước tới nay, Nga luôn là chủ đề được lợi dụng khi các lực lượng chính trị Mỹ tranh giành quyền lực.

Dưới sự tô vẽ của các phương tiện truyền thông, Nga và Mỹ dường như hận thù sâu sắc nhưng bản chất vẫn là cuộc đọ sức chính trị trong nước Mỹ. Sau vụ bê bối liên quan đến Nga, Nga can thiệp vào cuộc bầu cử ở Mỹ được tiết lộ, mâu thuẫn Nga – Mỹ được phóng đại hết cỡ. Các cuộc tranh giành quyền lực ở Mỹ quả thực đã hạn chế không gian để Tổng thống Trump cải thiện quan hệ với Moscow, nhưng trừ khi có bằng chứng thuyết phục, cuộc đấu này sẽ không trực tiếp làm cho quan hệ Nga – Mỹ xấu đi.

Những tuyên bố của ngoại trưởng hai nước là minh chứng cho thấy nỗ lực làm dịu quan hệ Nga – Mỹ của giới chức cấp cao hai nước chưa bao giờ ngừng nghỉ. Sau khi Tổng thống Trump lên cầm quyền, mặc dù ít ca ngợi hơn nhưng cũng không trực tiếp chỉ trích người đồng cấp Nga Vladimir Putin.

Ngoại trưởng Tillerson từng tiết lộ rằng, người đứng đầu Nhà Trắng chỉ thị cho ông không để các vấn đề nội bộ gây trở ngại cho việc cải thiện quan hệ với Nga. Về phía Nga, Moscow luôn giữ thái độ kiên định trong việc cải thiện quan hệ với Washington.

Trong những năm gần đây, Tổng thống Putin nhiều lần “phân trần” với Mỹ trên các diễn đàn quốc tế, hi vọng hai nước hợp tác chống khủng bố, muốn làm sống lại những tháng ngày kề vai sát cánh trong thế chiến I và thế chiến II. Trong vấn đề Ukraine và Syria, năm nay Nga cũng tỏ ra đặc biệt bình tĩnh.

Thực tế cho thấy, quan hệ Nga – Mỹ trong thời gian qua có xu hướng ấm lên, cùng với đó là sự “tâm đầu ý hợp” giữa hai Tổng thống Putin và Trump. Tuy nhiên, trong tình hình hiện nay, khả năng mối quan hệ Nga – Mỹ được khởi động lại toàn diện, thậm chí tiến hành “giao dịch lớn”, biến từ đối đầu thành đồng minh, gần như không thể xảy ra, sự phát triển hơn nữa của mối quan hệ này vẫn đối mặt với nhiều trở ngại.

Thứ nhất, các cuộc đấu chính trị trong nước Mỹ vẫn hạn chế không gian Tổng thống Trump điều chỉnh chính sách đối với Nga. Minh chứng là các cuộc điều tra bê bối liên quan đến Nga không chỉ đe dọa tính hợp pháp cầm quyền của tân chủ nhân Nhà Trắng, khiến ông không dám tùy tiện thúc đẩy quan hệ Nga – Mỹ có sự thay đổi thực sự, mà còn gây trở ngại cho chính sách của Tổng thống Trump đối với Nga.

Thứ hai, quan hệ kinh tế - thương mại yếu ớt, tính bổ sung cho nhau không mạnh, làm cho nền tảng của mối quan hệ Nga – Mỹ không vững chắc. Thứ ba, giữa Mỹ và Nga có mâu thuẫn mang tính cơ cấu khó có thể giải quyết. Mặc dù Tổng thống Trump tỏ ra khá lạnh nhạt đối với các đồng minh châu Âu, không quan tâm tới NATO như trước đây, nhưng không thể vứt bỏ địa vị quan trọng của NATO trong an ninh châu Âu, càng không thể giải tán NATO. Điều này có sự mâu thuẫn căn bản với việc Nga yêu cầu thiết lập khuôn khổ mới của an ninh châu Âu “bao quát hết mọi thứ”. Đồng thời, sự phát triển nhanh của vũ khí không gian và hệ thống phòng thủ tên lửa của Mỹ đang phá vỡ sự cân bằng chiến lược giữa hai nước trong mấy chục năm qua.

Mặc dù vậy, quan hệ Nga – Mỹ dưới thời Tổng thống Trump sẽ không tồi tệ hơn trước đó như một số phương tiện truyền thông nhận định, nhưng cũng chưa chắc tốt lên. Sự tương tác Nga – Mỹ hiện nay chủ yếu là để giảm bớt sự thù địch, và dần dần khôi phục các cuộc tiếp xúc, các mối liên hệ thông thường. Đây là bước đầu tiên để làm dịu quan hệ hai nước.

Khổng Hà
.
.
.