Tòa trọng tài Quốc tế ra phán quyết về vụ kiện của Philippines chống Trung Quốc
- Philippines kiện Trung Quốc làm ‘nóng’ hội thảo về Biển Đông
- Philippines và chiến dịch 'lột trần đường chín đoạn'
Vụ kiện của Philippines đã được trình tòa án trọng tài quốc tế ở Hague (Hà Lan) vào tháng 1/2013, khẳng định yêu sách chủ quyền bành chướng của Trung Quốc trong vùng biển chiến lược không phù hợp với Công ước Quốc tế Về luật Biển (UNCLOS) được Liên hợp quốc phê chuẩn từ năm 1982 và cần được tuyên bố vô giá trị.
Philippines cũng khẳng định Trung Quốc cố tình xây dựng trái phép các đảo nhân tạo trong khu vực Biển Đông không thể hình thành hoặc tạo ra một tuyên bố chủ quyền phù hợp với luật pháp quốc tế.
Các đảo nhân tạo Trung Quốc xây dựng trái phép. |
Tòa án cho biết có đủ thẩm quyền để xem xét 7 chủ điểm được Philippines nêu trong đơn để chống lại Trung Quốc, nhưng nhấn mạnh thêm rằng quyền tài phán với 7 chủ điểm khác sẽ cần phải xem kỹ. Tòa yêu cầu Manilia làm rõ một vấn đề khác.
Cơ quan tư pháp quốc tế thông báo đã thiết lập các phiên xử và dự kiến sẽ ra một phán quyết đối với vụ kiện trong năm tới.
Trung Quốc và Philippines và 4 chính phủ khác bao gồm Việt Nam đều tuyên bố chủ quyền đối với Biển Đông, Bắc Kinh tuyên bố không có căn cứ cả mặt lịch sử và luật pháp quốc tế đối bằng “đường 9 đoạn”.
Tòa án sẽ tiến hành những phiên điều trần kín, họ cho biết Philippines nhấn mạnh nước này không yêu cầu các trọng tài viên “ra phán quyết về vấn đề chủ quyền đối với những tính năng hàng hải trên Biển Đông được cả Philippines và Trung Quốc tuyên bố” hoặc ra phán quyết đối với ranh giới trên biển trong khu vực.
“Chúng tôi không yêu cầu tòa án ra phán quyết ai sở hữu bãi cạn Panatag. Chúng tôi đang tranh tụng rằng họ đang trong Vùng đặc quyền kinh tế (exclusive economic zone-EEZ) của chúng tôi và do đó theo quy định của UNCLOS, chúng tôi có quyền tuyệt đối để khai thác hải sản trong khu vực đó”, Đại luật sư kiêm Phó chánh án Tòa án Tối cao Cộng hòa Philippines, ông Francis Jardelaza cho biết trong một cuộc phỏng vấn với Reuteurs.
Trung Quốc tuyên bố sẽ không tham gia vụ kiện, đưa ra lập luận đơn phương, cố tình từ chối đàm phán trực tiếp một đối một, các nhà phân tích quốc tế nhận định Bắc Kinh làm như vậy để mong “tạo ra lợi thế”.
Sau khi tòa án ra phán quyết vào hôm qua, Trung Quốc tái khẳng định lập trường sẽ không chấp nhận hoặc tham gia vụ kiện.
“Những nỗ lực nhằm đạt nhiều hơn nữa những lợi ích không hợp pháp bằng cách nộp đơn kiện tại tòa án trọng tài là không thực tế và sẽ không có kết quả. Trung Quốc cam kết giải quyết những vấn đề tranh chấp liên quan thông qua đàm phán và có sự tham vấn với các bên liên quan trực tiếp. Đây là sự lựa chọn phù hợp nhất”, người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, Chu Hải Quyền đưa ra bình luận vô lý.
Việc Trung Quốc tiến hành xây dựng trái phép để biến ít nhất 7 bãi cát ngầm và đảo san hô thành đảo nhân tạo quanh quần đảo Trường Sa của Việt Nam đang tàn phá môi trường biển và tạo ra mối đe dọa an ninh trong khu vực.
Như CAND online đã đưa tin, vào đầu tuần nay, Mỹ đã điều tàu khu trục USS Lassen áp sát 12 hải lý (22 km) xung quanh khu vực một đảo nhân tạo được Trung Quốc xây dựng trái với Công ước Quốc tế về Luật biển năm 1982 để nhấn mạnh lập trường của Washington: Cải tạo, làm biến đổi địa lý sẽ không cho phép các bãi cát ngầm, đảo san hô ngầm nước trước đây hình thành nên vùng lãnh hải thuộc Trung Quốc.
Mỹ nhấn mạnh rằng phán quyết cuối cùng của tòa án sẽ là ràng buộc pháp lý đối với cả Philippines và Trung Quốc.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ tái khẳng định, chính quyền Barack Obama không có vị thế đối với những tuyên bố chủ quyền trên khu vực Biển Đông, nhưng phản đối việc cưỡng chế và mong tất cả tranh chấp được giải quyết “hòa bình, bằng đường ngoại giao và thông qua cơ chế luât pháp quốc tế, chẳng hạn tòa án trọng tài”.
Cũng trong Ngày 29/10, trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước việc vừa qua, Hoa Kỳ đưa tàu đi qua khu vực một số cấu trúc địa lý thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ:
“Là quốc gia có chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa ở Biển Đông và thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Việt Nam tôn trọng quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở các quy định có liên quan của Công ước và phù hợp với các quy định của quốc gia ven biển. Việt Nam kêu gọi các bên liên quan đóng góp tích cực vào việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh và an toàn hàng hải, hàng không ở Biển Đông trên cơ sở luật pháp quốc tế, bao gồm Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)”.
Trước đó, ngày 28/10, trả lời báo chí trong nước và quốc tế về phản ứng của Việt Nam trước việc Trung Quốc tuyên bố hoàn thành hai ngọn hải đăng trên đảo Duy Mộng và đá Hải Sâm thuộc cụm Lưỡi Liềm, quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam cũng tuyên bố: “Chúng tôi đã nhiều lần bác bỏ cái gọi là ‘thành phố Tam Sa’. Việc cái gọi là ‘chính quyền thành phố Tam Sa’ tuyên bố đã hoàn thành việc xây dựng hai ngọn hải đăng ở các đảo, đá thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam tiếp tục là hành động xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Hoàng Sa; vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế, Tuyên bố về Ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) ký năm 2002 giữa ASEAN và Trung Quốc, làm gia tăng căng thẳng, đe dọa nghiêm trọng hòa bình và ổn định ở khu vực. Dù dưới bất kỳ hình thức nào hay mục đích gì, những hoạt động của Trung Quốc trên quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam đều không có giá trị.
Một lần nữa, chúng tôi yêu cầu Trung Quốc tôn trọng chủ quyền của Việt Nam, tôn trọng luật pháp quốc tế, tuân thủ DOC và chấm dứt ngay các hoạt động sai trái nêu trên”