COVID-19 tiếp tục hoành hành với những lo ngại mới
- Ấn Độ: 12 bộ trưởng từ chức sau khủng hoảng dịch COVID-19
- Thế giới lo đối phó với biến thể Delta của virus Sars-CoV-2
Dịch bệnh càn quét châu Á
Châu Á vẫn là “điểm nóng” về COVID-19 trên thế giới. Khu vực này đang đối mặt với tình trạng gia tăng số ca mắc và tử vong cao chưa từng thấy, buộc chính phủ các nước phải có những hành động mạnh mẽ hơn nhằm khống chế dịch. Tại Australia, bang New South Wales hôm 12/7 ghi nhận thêm 112 ca lây nhiễm COVID-19 trong cộng đồng, chủ yếu tại thành phố Sydney, bất chấp khu vực này đang áp dụng lệnh phong tỏa nghiêm ngặt suốt 3 tuần qua. Đây là mức tăng ca nhiễm hàng ngày cao nhất được ghi nhận tại Australia từ đầu năm đến nay.
Thủ hiến New South Wales Gladys Berejiklian cho biết nếu tình hình dịch bệnh không được cải thiện, lệnh phong tỏa dự kiến kết thúc vào cuối tuần này sẽ được gia hạn. Các trường học tại Sydney, thành phố chiếm 20% dân số Australia, đang phải đóng cửa. Người dân không được tụ tập quá hai người ở nơi công cộng, chỉ được rời nhà cho công việc thiết yếu như đi làm hoặc mua sắm nhu yếu phẩm.
Australia từng được đánh giá là quốc gia kiểm soát thành công dịch bệnh COVID-19 nhờ áp dụng các biện pháp phong tỏa, truy vết tiếp xúc nhanh chóng cũng như những quy định giãn cách xã hội nghiêm ngặt. Tuy nhiên, biến thể Delta có khả năng lây nhiễm cao và tốc độ triển khai tiêm vaccine ngừa COVID-19 chậm chạp làm gia tăng quan ngại về nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại. Đến nay, mới chỉ có 11% trong hơn 20,5 triệu người trưởng thành ở nước này được tiêm đủ hai mũi vaccine. Giới phân tích cho rằng tình trạng này một phần bắt nguồn từ các hướng dẫn y tế không nhất quán, cùng sự thiếu hụt nguồn cung vaccine.
Dịch COVID-19 vẫn diễn biến hết sức phức tạp. (Ảnh: Reuters) |
Từ ngày 12/7, Hàn Quốc chính thức nâng giãn cách xã hội lên mức 4, mức cao nhất, tại thủ đô Seoul và khu vực lân cận trong vòng hai tuần. Quyết định này được chính phủ Hàn Quốc áp dụng trong bối cảnh nơi đây ghi nhận khoảng 80% số ca nhiễm mới và nhiều nguy cơ số ca lây nhiễm mới hàng ngày có thể lên tới hơn 2.100 trường hợp vào cuối tháng này, gấp đôi so với mức hiện nay. Trong 24 giờ qua, số ca mắc COVID-19 mới của Hàn Quốc vẫn ở mức hơn 1.000 ca.
Tại Indonesia, theo dữ liệu cập nhật mới nhất tính đến chiều 12/7, số ca tử vong mới do COVID-19 ghi nhận 24 giờ qua là 1.007 ca, cũng là số tử vong cao nhất thế giới trong ngày. Indonesia cũng có thêm 36.197 ca nhiễm mới và là số ca nhiễm cao thứ hai trên toàn cầu. Tổng số ca dương tính được ghi nhận từ đầu dịch đến nay ở nước này là hơn 2,5 triệu, trong đó có 66.464 người tử vong. Trong bối cảnh nguồn oxy dần cạn kiệt do số ca bệnh COVID-19 nặng nhập viện cần điều trị quá nhiều, chính phủ Indonesia đang phải tìm kiếm nguồn cung khẩn cấp từ các quốc gia khác như Singapore, Australia, Trung Quốc, đồng thời yêu cầu mọi nguồn oxy đều phải ưu tiên cho mục đích y tế để cứu người.
Thống kê cho thấy số ca tử vong và nhiễm mới COVID-19 trung bình hằng tuần ở Campuchia vẫn tăng dù các biện pháp hạn chế, kể cả phong tỏa đã được thực thi. Các chuyên gia cho rằng các biện pháp chống dịch hiện nay có thể không đủ và cần những cách can thiệp mới. Tới thời điểm hiện tại, Campuchia ghi nhận tổng số ca nhiễm là 60.959 với 902 ca tử vong. Về phần mình, Thái Lan đã yêu cầu các trung tâm mua sắm ở Bangkok và 10 tỉnh có dịch lớn sẽ phải đóng cửa trong vòng hai tuần từ ngày 12 đến 25/7, đồng thời áp dụng song song các biện pháp hạn chế đi lại và giới nghiêm.
Lo ngại về tình trạng “đồng nhiễm”
Bloomberg ngày 11/7 đưa tin, cụ bà 90 tuổi người Bỉ tử vong vì COVID-19 hồi tháng 3, được xác định nhiễm cùng lúc cả hai biến thể Alpha được tìm thấy đầu tiên ở Anh và biến thể Beta có nguồn gốc ở Nam Phi. Ban đầu, bệnh nhân có lượng oxy trong máu tốt nhưng tình trạng xấu đi nhanh chóng và qua đời chỉ 5 ngày sau khi nhập viện. Trước đó, cụ bà chưa được tiêm vaccine ngừa COVID-19.
“Cả hai biến thể đều lây lan ở Bỉ vào thời điểm đó, vì vậy có khả năng cụ bà đã nhiễm đồng thời hai chủng khác nhau từ hai người khác nhau”, nhà sinh học phân tử Anne Vankeerberghen, người đứng đầu cuộc nghiên cứu về trường hợp này cho hay.
Trình bày nghiên cứu tại Hội nghị châu Âu về Vi sinh vật Lâm sàng và Bệnh truyền nhiễm, bà Vankeerberghen thông tin: “Cả hai biến thể Alpha và Beta đều đang lưu hành ở Bỉ vào thời điểm đó, vì vậy có khả năng bệnh nhân đã bị đồng nhiễm các loại virus khác nhau từ hai người khác nhau. Thật không may, chúng tôi không biết bệnh nhân bị nhiễm bệnh thế nào”.
Bà Vankeerberghen cho biết, rất khó để nói liệu đồng nhiễm hai biến thể có đóng một vai trò nào đó trong việc tình trạng bệnh nhân xấu đi nhanh chóng hay không. Tuy nhiên, sự tồn tại của hiện tượng nhiễm kép như vậy trên toàn cầu “có thể bị đánh giá thấp” vì tình trạng hạn chế xét nghiệm đối với các biến thể và thiếu một cách đơn giản để xác định đồng nhiễm bằng giải trình tự toàn bộ bộ gen. “Nâng cảnh báo về sự lây lan và biến đổi khó lường của virus là điều cần thiết mà chúng ta phải làm”, bà Vankeerberghen nhận định.
Bình luận về nghiên cứu mới của Bỉ, ông Lawrence Young, một nhà virus học tại Đại học Warwick (Anh) nêu rõ: “Nghiên cứu cho thấy sự cần thiết của các nghiên cứu tiếp theo, nhằm xác định việc nhiễm nhiều biến thể có ảnh hưởng đến diễn biến lâm sàng của COVID-19 hay không, cũng như liệu điều này ảnh hưởng ra sao đến hiệu quả của việc tiêm chủng”. Được biết, hồi tháng 1, Brazil cũng đã báo cáo về hai trường hợp đồng nhiễm hai biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2. Tuy nhiên, những nghiên cứu này chưa được công bố trên tạp chí khoa học.
Biến thể Delta, vốn được tìm thấy đầu tiên ở Ấn Độ vào tháng 10/2020, hiện là biến thể thống trị trên toàn cầu và gây lo lắng vì khả năng dễ lây lan. Biến thể đang truyền nhiễm nhanh hơn 225% so với phiên bản gốc của virus SARS-CoV-2 và đang được coi là thủ phạm gây ra các đợt bùng phát mới ở các quốc gia và khu vực trên khắp thế giới. Bên cạnh đó, trong lúc chúng ta đang nói về sự nguy hiểm của biến thể Delta, các nhà khoa học thế giới đã bắt đầu cảnh báo về mức độ nguy hiểm của biến thể Kappa - một biến thể kép của SARS-CoV-2, hay biến thể Lambda phát hiện lần đầu ở Peru.
Có thể nói, ca bệnh “đồng nhiễm” tại Bỉ nói trên đang đặt ra những câu hỏi về mức độ hiệu quả của vaccine COVID-19 trong việc chống lại nhiều biến thể virus cùng tồn tại trong cơ thể một người bệnh nếu như tình trạng này xuất hiện nhiều hơn trong thời gian tới.