COVID-19 cướp đi sinh mạng 10.000 người mỗi ngày

Thứ Sáu, 04/12/2020, 07:33
Đại dịch COVID-19 đã cướp đi sinh mạng của hơn 1,5 triệu người trên toàn thế giới, tỷ lệ càng báo động hơn vào tuần trước khi cứ mỗi 9 giây lại có một ca tử vong, trong bối cảnh tiêm chủng vaccine hàng loạt sắp được triển khai ở nhiều nước phát triển.
Mỹ vẫn là nước đứng đầu thế giới về số ca nhiễm và tử vong được xác nhận. Ảnh minh họa AP. 

Hơn nửa triệu ca tử vong đã được ghi nhận chỉ trong hai tháng qua, cho thấy mức độ nghiêm trọng của đại dịch. Gần 65 triệu người trên toàn cầu đã bị nhiễm căn bệnh này và quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất, Mỹ, hiện đang phải chống chọi với làn sóng thứ ba của đại dịch. Tính đến nay, Mỹ đã ghi nhận hơn 14 triệu ca nhiễm.

Chỉ trong tuần trước, trung bình mỗi ngày có hơn 10.000 người trên thế giới tử vong vì COVID-19, con số này tăng đều đặn mỗi tuần. Nhiều quốc gia trên thế giới hiện đang chống lại làn sóng thứ hai và thứ ba thậm chí còn nghiêm trọng hơn làn sóng thứ nhất, buộc những nước này áp dụng các hạn chế mới đối với cuộc sống thường nhật của người dân.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, trong năm qua, loại virus Corona mới gây ra nhiều ca tử vong hơn so với bệnh lao vào năm 2019 và gần gấp 4 lần số ca tử vong do sốt rét.

Robert Redfield, người đứng đầu Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, cảnh báo rằng đại dịch sẽ gây ra cuộc khủng hoảng y tế tồi tệ nhất tại nước này trong vài tháng tới, trước khi vaccine được phổ biến rộng rãi.

Mỹ tiếp tục dẫn đầu thế giới về số ca tử vong, hơn 273.000 ca. Các khu vực Bắc Mỹ và Mỹ Latin chiếm hơn 50% tổng số ca tử vong đã được báo cáo trên toàn thế giới. Mỹ Latin hiện là khu vực có số ca tử vong cao nhất thế giới, với hơn 450.000 trường hợp.

Ngày 2/12, Anh đã trở thành quốc gia đầu tiên chấp thuận ứng cử viên vaccine do hãng BioNTech và Pfizer phát triển, trở thành nước đi đầu trên thế giới trong cuộc đua tiêm chủng đại trà.

Tuy nhiên, nguồn cung dự kiến sẽ rất hạn chế trong giai đoạn đầu, đồng nghĩa với việc mọi quốc gia bắt đầu hành trình tiêm chủng vaccine COVID-19 sẽ phải ưu tiên dựa trên các yếu tố rủi ro.

Các cơ quan quản lý y tế Mỹ dự kiến sẽ phê duyệt việc phân phối và quản lý vaccine vào giữa tháng 12.

Ngày 3/12, đơn vị kiểm soát dịch bệnh của Liên minh châu Phi cho biết châu Phi đặt mục tiêu 60% dân số được chủng ngừa COVID-19 trong vòng 2-3 năm tới. Lục địa 1,3 tỷ dân này đã ghi nhận hơn 2,2 triệu ca nhiễm COVID-19 được xác nhận, theo một thống kê của Reuters.

Duy Tiến (Theo Reuters)
.
.
.