Bước xuống thang vì lợi ích chung

Thứ Bảy, 20/02/2021, 08:59
Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức, Mỹ hôm 18/2 (giờ địa phương) đã có buổi thảo luận trực tuyến về vấn đề hạt nhân Iran, trong đó kêu gọi Tehran không hạn chế hoạt động thanh sát của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) tại nước này.


Động thái này của Iran được đánh giá là một thách thức đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden, người đang nuôi hy vọng hồi sinh thỏa thuận thỏa thuận hạt nhân năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Trong tuyên bố chung đưa ra sau cuộc họp, các Ngoại trưởng kêu gọi Iran "không có thêm bất cứ bước đi nào, đặc biệt liên quan đến việc ngừng thực thi Nghị định thư bổ sung và hạn chế các hoạt động kiểm chứng của IAEA tại Iran". Washington và các đồng minh châu Âu nói trên hối thúc Tehran "cân nhắc hậu quả của các hành động như vậy, đặc biệt là vào thời điểm xuất hiện cơ hội ngoại giao mới".

Bốn Ngoại trưởng cũng bày tỏ quan ngại về những hành động gần đây của Iran làm giàu urani tới cấp độ 20% và sản xuất kim loại uranium. Bên cạnh đó, tuyên bố chung cho thấy Mỹ sẵn sàng thảo luận với Iran về JCPOA.

Tuyên bố chung nêu rõ, Ngoại trưởng Pháp, Anh, Đức "hoan nghênh việc Mỹ công bố ý định trở lại biện pháp ngoại giao với Iran", cũng như việc nối lại đối thoại với 3 nước châu Âu này. Trước đó, tại cuộc họp, người đứng đầu ngành ngoại giao Mỹ cũng nhất trí với những người đồng cấp châu Âu rằng thỏa thuận hạt nhân năm 2015 với Iran "là một thành tựu quan trọng của ngoại giao đa phương" và là thỏa thuận đáng để theo đuổi một lần nữa.

Cơ sở hạt nhân Natanz của Iran. Ảnh: Reuters

Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tuyên bố nếu Iran tuân thủ nghiêm các cam kết trong JCPOA, Mỹ cũng sẽ làm điều tương tự, đồng thời khẳng định Washington sẵn sàng tham gia các cuộc thảo luận với Iran theo hướng này.

Ngoài ra, các Ngoại trưởng cũng quan tâm đến việc tham vấn và phối hợp với Trung Quốc và Nga về vấn đề an ninh quan trọng này, cũng như việc công nhận vai trò của Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) với tư cách là điều phối viên của Ủy ban chung. Cùng ngày, Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel cho biết đã điện đàm với Tổng thống Iran Hassan Rouhani, trong đó ông khẳng định EU ủng hộ việc thực thi đầy đủ thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015.

Thông qua mạng xã hội Twitter, ông Charles Michel viết: "Tôi đã điện đàm với Tổng thống Hassan Rouhani. EU ủng hộ việc thực thi đầy đủ JCPOA. Việc duy trì không gian ngoại giao, được củng cố bằng các bước đi tích cực, là điều quan trọng trong giai đoạn này". Trong khi đó, Phó Tổng thư ký phụ trách các vấn đề chính trị của Cơ quan Đối ngoại EU Enrique Mora đã đề xuất một cuộc họp không chính thức với Iran và phía Mỹ đã đồng ý.

Người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price xác nhận Mỹ sẽ chấp thuận lời mời của EU tham gia cuộc họp của nhóm P5+1 với Iran để thảo luận về biện pháp ngoại giao đối với chương trình hạt nhân của Tehran. Đây được xem là bước đi đầu tiên của Washington nhằm hạ nhiệt căng thẳng trong quan hệ Mỹ - Iran tồn tại trong 4 năm qua. Đó cũng là nỗ lực tiềm ẩn mạo hiểm chính trị đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden nhằm vượt qua thế bế tắc trong hồ sơ hạt nhân Iran, sau khi Chính phủ Mỹ thực hiện một loạt đòn trừng phạt nhằm hủy hoại nền kinh tế của đối thủ, khiến nhiều lãnh đạo thế giới bức xúc.

Đề xuất xúc tiến thảo luận hướng đến mục tiêu khôi phục con đường can dự ngoại giao với Iran được đưa ra trong bối cảnh Tehran gần đây dần từ bỏ cam kết đối với JCPOA, nhằm trả đũa chiến lược "gây sức ép tối đa" bằng đòn cấm vận kinh tế của chính quyền cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Giới chức Mỹ và EU hiện quan ngại trước quyết định của Iran không cho phép thanh sát viên IAEA giám sát các cơ sở hạt nhân ở nước này từ ngày 23/2 một khi Washington không có thiện chí dỡ, nới lỏng cấm vận. Một quan chức ngoại giao Mỹ cho biết, bước đi này của Washington không phải là nhượng bộ trước Iran, mà là bước xuống thang vì lợi ích chung và từ chối tiết lộ thời điểm có thể diễn ra cuộc gặp. Nhân vật này cho rằng, cách tiếp cận của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump chỉ đẩy Iran tiến gần hơn tới ngưỡng chế tạo vũ khí hạt nhân.

Cùng với bước đi trên, trong một động thái được xem là thiện chí ngoại giao khác, phía Mỹ cho biết sẽ dỡ bỏ lệnh hạn chế đi lại đối với đại sứ, đặc phái viên của Iran mà chính quyền Tổng thống Donald Trump áp đặt trước đó, chỉ cho phép di chuyển ở trong thành phố New York. Tuy nhiên, số này vẫn chưa được tự do đi lại, lệnh hạn chế di chuyển có trước thời ông Donald Trump nhậm chức sẽ vẫn còn hiệu lực.

"Ý tưởng ở đây là đưa ra các bước đi nhằm loại bỏ trở ngại không cần thiết đối với ngoại giao đa phương, bằng cách điều chỉnh những hạn chế đối với hoạt động đi lại trong nước", một quan chức ngoại giao Mỹ nêu rõ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden ngày 18/2 cũng đảo ngược yêu sách của người tiền nhiệm Donald Trump về tái áp đặt điều khoản "trừng phạt tức thời" (snapback sanction) với Iran.

Quyền Đại sứ Mỹ tại Liên hiệp quốc Richard Mills trong bức thư gửi Hội đồng Bảo an nêu rõ Mỹ rút lại các thư đề nghị trước đó gửi tới cơ quan này đòi tái áp đặt trừng phạt quốc tế nhằm vào Iran vì hành vi không tuân thủ JCPOA của Tehran.

Tương tự như các nước châu Âu, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Hoa Xuân Oánh tuyên bố, Bắc Kinh luôn tin rằng việc Mỹ quay trở lại với JCPOA là con đường đúng đắn duy nhất để phá vỡ thế bế tắc về hạt nhân với Iran. Nhận thấy vấn đề hạt nhân Iran đang ở thời điểm quan trọng khi cơ hội và thách thức cùng tồn tại, người phát ngôn Hoa Xuân Oánh thúc giục phối hợp cùng nhau để thực thi sự đồng thuận đạt được tại cuộc họp ngoại trưởng hồi tháng 12/2020, cũng như thúc đẩy Mỹ quay trở lại JCPOA vô điều kiện sớm nhất có thể và dỡ bỏ mọi biện pháp trừng phạt đối với Tehran.

Về phía Iran, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nhấn mạnh "thay vì dồn trách nhiệm vào Iran, các nước châu Âu cần tuân thủ cam kết và yêu cầu chấm dứt các lệnh trừng phạt kinh tế do Mỹ áp đặt dưới thời cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump". Ông khẳng định, các biện pháp của Iran chỉ nhằm đáp trả các hành vi vi phạm của Mỹ, Anh, Pháp, Đức trong thỏa thuận.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.