Bệnh nhân HIV thứ hai trên thế giới được chữa khỏi

Thứ Tư, 11/03/2020, 10:08

Người thứ hai trên thế giới được chữa khỏi HIV vẫn đang trong tình trạng không có “virus hoạt động” trong suốt hai năm qua, theo một nghiên cứu được công bố bởi tạp chí y khoa Lancet công bố ngày 10/3.

Adam Castillejo, bệnh nhân London được chữa khỏi HIV. Ảnh Redux/CNN/NYT.

Hơn hai năm trước, Adam Castillejo, trước đây được xác định là “bệnh nhân London”, đã hoàn thành liệu pháp kháng virus HIV.

Người này đã trải qua một ca cấy ghép tế bào gốc để điều trị ung thư hạch và người hiến tặng của bệnh nhân này mang một đột biến được gọi là CCR5-delta 32, kháng HIV. Các nhà nghiên cứu cho biết, khi điều trị ung thư hạch, Castillejo, hiện 40 tuổi, đã được chữa khỏi HIV.

HIV (virus gây suy giảm miễn dịch ở người) là một bệnh nhiễm siêu vi suốt đời tấn công hệ thống miễn dịch của cơ thể và có thể gây ra hậu quả đáng kể cho sức khỏe. Tuy nhiên, chưa có cách chữa trị được công bố rộng rãi, loại virus này có thể điều trị được bằng sự kết hợp các loại thuốc được gọi là liệu pháp kháng virus làm giảm lượng virus trong máu của một người và có thể phòng ngừa bằng cách sử dụng PrEP, được Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ chấp thuận vào năm 2012.

Theo UNAids, có 37,9 triệu người trên toàn cầu sống chung với HIV vào năm 2018.

“Phát hiện của chúng tôi cho thấy rằng sự thành công của cấy ghép tế bào gốc có thể coi là một phương pháp chữa trị HIV, lần đầu tiên được báo cáo cách đây 9 năm ở bệnh nhân Berlin, có thể được nhân rộng”, Ravindra Gupta, tác giả chính của nghiên cứu và là giáo sư về vi sinh lâm sàng của Đại học Cambridge cho biết.

Không giống như “bệnh nhân Berlin” Timothy Ray Brown, Castillejo chỉ trải qua một lần cấy ghép tế bào gốc thay vì hai và không phải xạ trị cho toàn bộ cơ thể như một phần của liệu trình. Castillejo đại diện cho một bước tiến tới một phương pháp điều trị ít chuyên sâu hơn, các tác giả cho biết.

Tuy nhiên, do tính chất xâm lấn của quá trình điều trị thử nghiệm, các tác giả cảnh báo việc sử dụng rộng rãi biện pháp này. “Điều quan trọng cần lưu ý là phương pháp điều trị này có nguy cơ cao và chỉ được sử dụng như là phương sách cuối cùng cho những bệnh nhân nhiễm HIV có các khối u ác tính về huyết học đe dọa tính mạng”, Gupta cho biết. “Do đó, đây không phải là phương pháp điều trị rộng rãi cho bệnh nhân nhiễm HIV đang điều trị bằng thuốc kháng virus hiệu quả”.

Castillejo là bệnh nhân thứ hai trải qua điều trị thử nghiệm này thành công, nên các tác giả lưu ý rằng người này sẽ yêu cầu tiếp tục được theo dõi sự tái phát của virus, dù ít thường xuyên hơn.

Sharon Lewin, Giám đốc Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch Peter Doherty tại Đại học Melbourne, cho biết trường hợp này là một “tiến bộ thú vị” nhưng nên được xem tùy theo bối cảnh. “Thật khó để biết liệu đây có phải là một phương pháp chữa bệnh hay không, cần thời gian để có câu trả lời, tuy nhiên, điều này có vẻ rất hứa hẹn”, Lewin cho biết.

“Trường hợp này là một tiến bộ thú vị, nhưng chúng ta cũng cần đặt nó trong bối cảnh cụ thể - chữa khỏi cho người nhiễm HIV bằng ghép tủy xương không phải là một lựa chọn khả thi trên bất kỳ quy mô nào. Chúng ta cần nhớ tầm quan trọng của việc phòng ngừa, xét nghiệm sớm và tuân thủ điều trị, những trụ cột quan trọng toàn cầu hiện nay đối với ứng phó HIV/AIDS”, chuyên gia này nói thêm.

Trong một cuộc phỏng vấn với New York Times, Castillejo nói rằng ông quyết định tiết lộ danh tính của mình sau nhiều năm điều trị khó khăn và những giây phút tuyệt vọng. “Đây là một tình huống độc nhất mà một người có thể rơi vào. Tôi muốn trở thành một đại sứ của hy vọng”.

Duy Tiến (Theo CNN)
.
.
.