Vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman: Bằng chứng của Mỹ chưa đủ sức thuyết phục

Thứ Bảy, 22/06/2019, 10:07
Bình luận về vụ tấn công tàu chở dầu ở Vịnh Oman, ông Robert Fisk - nhà báo chuyên về Trung Đông của The Independent từng đoạt nhiều giải thưởng báo chí – cho rằng, các bằng chứng của Mỹ đưa ra để chứng minh vai trò của Iran trong các vụ tấn công còn thiếu sức thuyết phục.


Theo đó, cho dù Tổng thống Mỹ Donald Trump cùng đội ngũ của ông có đưa ra bao nhiêu “bằng chứng” để chứng minh Iran đã tìm cách cho nổ tung các tàu chở dầu trên Vịnh Oman - hoặc hoàn toàn không phải là để làm nổ tung các tàu này - thì những bức ảnh mà Washington công bố khiến người xem có cảm giác chúng không hoàn toàn chân thực.

aTrong bài bình luận được đăng trên tờ The Independent của Anh, nhà báo Robert Fisk chỉ ra rằng, chính quyền của Tổng thống Donald Trump - nóng lòng muốn chứng minh Iran đang tấn công các tàu chở dầu - đã công bố các đoạn video ghi lại cảnh người Iran thực tế đang di chuyển một quả bom ra khỏi thân một con tàu của Nhật Bản. Vậy chính quyền Mỹ đã chứng minh được điều đó không?

Những người Iran đó thậm chí không thể đánh bom được các mục tiêu một cách chuyên nghiệp, nên họ phải quay lại để tìm quả bom vì có thể có dòng chữ “Made in Iran” được in trên đó. Bởi vì điều đó sẽ khiến họ bị lộ chăng?

Tuy nhiên sau đó thủy thủ đoàn trên tàu chở dầu đó cho rằng họ đã bị tấn công từ trên không - và bom thì không thể bay. Thủy thủ đoàn trên một tàu bị đánh bom khác lại cho rằng họ bị tấn công bằng một quả ngư lôi.

Bức ảnh phía Mỹ công bố cho thấy tàu dầu Kokuka Courageous của Nhật Bản bị tấn công ở Vịnh Oman hôm 13-6.  Ảnh: Reuters

Về cơ bản, Washington đang “tìm kiếm một sự đồng thuận” giữa các đồng minh của mình về phản ứng “mang tính quyết định” mà những người “bạn thân” Saudi Arabia của ông Donald Trump đang yêu cầu nhằm chống lại Iran, để trả đũa cho vụ đánh bom tàu vừa qua và những vũ tấn công trước đó nhưng không gây thiệt hại về người ở ngoài khơi bờ biển Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE).

Ngoài Saudi Arabia, Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt - vốn đang quan tâm tới việc ông cần một đa số ủng hộ trong số 120.000 cử tri trung thành nhất của đảng Bảo thủ để có thể trở thành thủ lĩnh của đảng này – “tự tin” khẳng định rằng, những người Iran đã đứng đằng sau các vụ đánh bom tàu.

Nhà báo Robert Fisk cho rằng, Iran có thể sẽ sử dụng các chiêu đánh bom cũ của họ ở Vùng Vịnh, được thực hiện lần đầu tiên năm 1988 nhằm vào các tàu chở dầu cực lớn mà Hải quân Mỹ đang hộ tống để tới Kuwait vào giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh Iran-Iraq, khi đó hóa ra các tàu chiến của Mỹ phải nấp sau các tàu chở dầu lớn này để tránh trường hợp cũng bị gài bom.

Trong sự kiện này, Mỹ đã phát hiện một thủy thủ đoàn Iran đang chuyển các quả bom ra khỏi một tàu đổ bộ cũ kỹ. Mỹ đã bắt các thủy thủ Iran này và thậm chí còn cho phép họ xin tị nạn chính trị ở Mỹ. Tuy nhiên, tất cả họ đã từ chối đề nghị này.

 Ngoài ra, nếu Hezbollah đã bắn thành công một tên lửa biển đối biển do Iran cung cấp nhằm vào một tàu chiến của hải quân Israel ngoài khơi bờ biển Lebanon năm 2006 (trên thực tế họ đã làm như vậy, khiến con tàu bốc cháy và nhiều thủy thủ của Israel bị thiệt mạng), thì nhà báo Robert Fisk cho rằng, Tehran sẽ không do dự dạy cho lực lượng phiến quân Houthi cách sử dụng máy bay không người lái để tấn công bằng tên lửa nhằm vào Saudi Arabia.

Đạn dược của Mỹ - được sử dụng bởi Saudi Arabia và UAE - đã nhằm vào các tay súng của phiến quân Houthi và làm nổ tung nhiều trường học, bệnh viện... ở Yemen, vậy thì tại sao lại phải ngạc nhiên khi phiến quân Houthi sử dụng đạn dược của Iran để làm nổ tung các sân bay của Saudi Arabia? Chỉ cần được huấn luyện thêm một chút, các tay súng của Houthi thậm chí có thể đạt tới sự thành thạo về kỹ thuật như kẻ thù của họ là Saudi Arabia và UAE khi bắn tên lửa vào trường học, bệnh viện... của Saudia Arabia.

Nhà báo Robert Fisk cho rằng, các vụ đánh bom tàu chở dầu vừa qua ở Vịnh Oman có chút gì đó giống với vụ việc từng xảy ra ở kênh đào Suez. Thủ tướng Anh khi đó là Anthony Eden cùng với Pháp và Israel định đánh chiếm kênh đào Suez năm 1956, Tổng thống Mỹ Eisenhower đã cử Ngoại trưởng John Foster Dulles tới London để tìm cách kiềm chế Thủ tướng Anh.

Ông Eden khi đó đã vô cùng tức giận, gọi Gamal Abdel Nasser - Tổng thống Ai Cập, quốc gia mà khi đó ông định xâm lược - là “tín đồ Hồi giáo của sông Nile”. Nhiều tháng sau đó, ông Eden vẫn nói dối Hạ viện Anh, khăng khăng rằng ông không âm mưu cùng Israel thực hiện cuộc xâm lược Ai Cập - nhưng trên thực tế ông đã làm như vậy. Đa số đảng Bảo thủ Anh và có thể là cả đại đa số người dân Anh khi đó đã tin tưởng vào lời phủ nhận của ông Eden.

Ông Robert Fisk nhận định rằng, đó là lý do tại sao cuộc xung đột sắp xảy ra giữa Mỹ và Iran có điều gì đó rất kỳ quặc. Sau khi đọc những tin tức trong nhiều tháng qua bàn về cuộc chiến sắp xảy ra giữa Mỹ và Iran, nhà báo này tin rằng, cuộc chiến đó chỉ là trong tưởng tượng của Tổng thống Donald Trump, Cố vấn An ninh Quốc gia John Bolton và Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo, và cả của giới truyền thông Mỹ.

Người Iran - vốn luôn hiểu phương Tây rõ hơn là phương Tây hiểu về Iran - biết rất rõ cách phủ nhận các vụ việc liên quan tới máy bay không người lái hay gài bom các tàu thuyền, song họ cũng cần mẫn tìm cách làm suy yếu “đại bàng” Mỹ.

Tại sao Iran phải tấn công Mỹ khi chính Mỹ đã giúp Iran hạ gục các đối thủ quan trọng của Iran giai đoạn sau cách mạng: Taliban, Saddam Hussein và cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng? 

Tác giả cho rằng Iran đã và lẽ ra nên cảm thấy biết ơn. Nhà báo Fisk kết luận, lẽ ra nên có một liên minh quân sự giữa Mỹ và Iran. Tuy nhiên, Washington không còn hành động theo “một quỹ đạo” mà mọi người có thể nắm bắt được. Không ai có thể hiểu được chính sách Trung Đông của “cặp đôi” Donald Trump – John Bolton.

PV (tổng hợp)
.
.
.