Áp lực trừng phạt quân đội Myanmar ngày càng gia tăng

Chủ Nhật, 07/03/2021, 14:26
Bạo lực leo thang ở Myanmar khi nhà chức trách đàn áp các cuộc biểu tình phản đối cuộc đảo chính ngày 1/2 đang làm gia tăng áp lực yêu cầu thêm các biện pháp trừng phạt đối với chính quyền.
Biểu tình tại Myanmar ngày càng leo thang. Ảnh AP. 

Tình hình tại Myanmar căng thẳng gấp đôi do lo ngại gây hại cho dân thường vốn đã chịu ảnh hưởng nặng nề từ suy thoái kinh tế, làm trầm trọng hơn bởi đại dịch, nhưng bất chấp rủi ro bị bắt hay bị thương để lên tiếng phản đối trước việc quân đội đảo chính. Tuy nhiên, các nhà hoạt động và chuyên gia cho rằng vẫn còn các biện pháp gây áp lực lên quân đội Myanmar, như cắt nguồn tài trợ và tiếp cận đối với các công cụ trấn áp khác.

Đặc phái viên của Liên Hợp Quốc (LHQ) ngày 5/3 đã thúc giục Hội đồng Bảo an hành động để dập tắt bạo lực tại Myanmar trong tuần này, đã khiến khoảng 50 người biểu tình thiệt mạng và nhiều người hơn bị thương.

Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener trong một cuộc họp ngày 5/3 đã thúc giục một hành động tập thể để ngăn chặn quân đội Myanmar.

Tuy nhiên, một hành động phối hợp của LHQ rất khó đạt được vì các thành viên thường trực Hội đồng Bảo an, Trung Quốc và Nga gần như chắc chắn sẽ phủ quyết. Các nước láng giềng của Myanmar, các đối tác thương mại và nguồn đầu tư lớn nhất của Myanmar, cũng miễn cưỡng sử dụng các biện pháp trừng phạt.

Một số hành động riêng lẻ đã được thực hiện. Mỹ, Anh và Canada đã thắt chặt các hạn chế khác nhau đối với quân đội Myanmar, các thành viên gia đình và các lãnh đạo cấp cao khác của quân đội. Bộ Ngoại giao Mỹ xác nhận rằng Mỹ đã chặn một nỗ lực của quân đội Myanmar nhằm tiếp cận hơn 1 tỷ USD trong quỹ ngân hàng trung ương đang được giữ ở Mỹ.

Tuy nhiên, hầu hết các lợi ích kinh tế của quân đội “phần lớn không hề hấn gì”, theo Thomas Andrews, báo cáo viên đặc biệt của LHQ về tình hình nhân quyền ở Myanmar, cho biết trong một báo cáo được công bố vào tuần trước. Một số chính phủ đã ngừng viện trợ, Ngân hàng Thế giới cho biết họ đã đình chỉ tài trợ và đang xem xét lại các chương trình của mình liên quan đến Myanmar.

Không rõ liệu các biện pháp trừng phạt được áp đặt cho đến nay, mặc dù quan trọng về mặt biểu tượng, sẽ có nhiều tác động hay không. Bà Schraner Burgener cho biết rằng quân đội đã chẳng mấy để tâm đến “các biện pháp mạnh mẽ khổng lồ” có thể được đưa ra chống lại cuộc đảo chính với câu trả lời rằng: “Chúng tôi đã quen với các lệnh trừng phạt và chúng tôi đã sống sót sau các lệnh trừng phạt đó trong quá khứ”.

Một số chuyên gia và nhà hoạt động nhân quyền đang kêu gọi một lệnh cấm giao dịch với nhiều công ty Myanmar liên kết với quân đội và cấm vận vũ khí, công nghệ, các sản phẩm và dịch vụ có thể được chính quyền sử dụng để giám sát và phục vụ cho bạo lực.

Nhóm hoạt động có tên “Công lý cho Myanmar” đã đưa ra danh sách hàng chục công ty nước ngoài mà họ cho rằng đã cung cấp các công cụ đàn áp như vậy cho chính phủ, hiện hoàn toàn nằm dưới sự kiểm soát của quân đội.

Nhóm này trích dẫn các tài liệu ngân sách cho Bộ Nội vụ và Bộ Giao thông và Truyền thông cho thấy việc mua dữ liệu pháp y, theo dõi, khôi phục mật khẩu, máy bay không người lái và các thiết bị khác từ Mỹ, Israel, EU, Nhật Bản và các quốc gia khác. Những công nghệ như vậy có thể có những công dụng lành tính hoặc thậm chí có lợi, chẳng hạn như chống buôn người. Nhưng chúng cũng đang được sử dụng để theo dõi những người biểu tình, cả trực tuyến và ngoại tuyến.


Duy Tiến (Theo AP)
.
.
.