Anh trở thành ổ dịch chết chóc, chính phủ hứng "mưa" chỉ trích

Thứ Tư, 06/05/2020, 14:59
Ngày 6/5, số ca tử vong vì COVID-19 tại Anh đã vượt Italia. Giờ đây, Anh chính thức trở thành "ổ dịch chết chóc" của châu Âu. Người dân Anh đã lên tiếng yêu cầu chính phủ điều tra công khai công tác đối phó dịch bệnh tại nước này, The Guardian đưa tin.

Số liệu do Worldometers cập nhật ghi nhận, tính đến hết ngày 5/5, Anh ghi nhận 29.427 trường hợp tử vong vì COVID-19, trong tổng số gần 195.000 ca mắc bệnh. Hiện, Anh đã vượt Italia và Tây Ban Nha về số ca tử vong. 

Trong khi đó, dữ liệu thống kê của Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) lại cho thấy, số ca tử vong tại Anh vì COVID-19 đã vượt mức 32.000 người, vượt xa số ca được chính phủ cập nhật. 

Theo ONS, cơ quan này dùng cách tính dựa trên tất cả các trường hợp mắc COVID-19 được ghi trong giấy chứng tử, tính cả các ca nghi mắc bệnh. Trước đó, Anh khẳng định số liệu thống kê đã bao gồm các trường hợp tử vong tại bệnh viện, viện dưỡng lão và trong cộng đồng. 

Anh hiện ghi nhận số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất châu Âu. Ảnh: AA

Theo bác sĩ Claudia Paoloni, Chủ tịch Hiệp hội Chuyên gia và Tư vấn Bệnh viện, việc Anh có số người tử vong vì COVID-19 cao nhất ở châu Âu khiến nội các nước này cần phải trả lời công chúng về cách mà họ đã xử lý cuộc khủng hoảng.

"Đây là một cột mốc gây choáng váng và không ai mong chờ. Cần có một cuộc điều tra đầy đủ về cách xử lý dịch bệnh COVID-19 - một cuộc điều tra công khai - để hiểu vì sao chúng ta lại ghi nhận con số quá cao so với phần còn lại của châu Âu", bà Paoloni đề nghị. 

"Câu hỏi lớn đặt ra là liệu chiến thuật của chính phủ khi đại dịch bùng phát có đủ nhanh hay không, và liệu rằng việc phong tỏa có nên được diễn ra sớm hơn, và liệu chúng ta đáng ra đã có thể chuẩn bị tốt hơn với việc tăng khả năng xét nghiêm virus và truy dấu ngay từ đầu", bà nói.

Trong khi đó, bác sĩ Chaand Nagpaul, Chủ tịch Hiệp hội Y khoa Anh, cho rằng các số liệu trên rất đáng lo ngại, khi mà "nước Anh ban đầu chịu sự bùng phát muộn hơn so với nhiều quốc gia khác và chính phủ ban đầu cũng nói rằng số ca tử vong ở mức 20.000 là "chấp nhận được".

"Trong tương lai, cần xem xét kỹ lưỡng những chất vấn về các biện pháp phòng chống dịch, từ việc áp dụng phong tỏa đến cách tiếp cận của chúng ta trong xét nghiệm virus, và liệu những điều này có phải đã khiến số người chết tăng lên", ông Nagpaul đề xuất.

Người phụ trách y tế của đảng đối lập ở Anh, Jon Ashworth, cũng nhấn mạnh rằng, việc Anh ghi nhận số ca tử vong cao nhất châu Âu là lời nhắc nhở bi thảm về mức độ nghiêm trọng của dịch bệnh này. "Công chúng sẽ thắc mắc vì sao tỉ lệ tử vong lại cao đến thế", ông nói.

Trước đó, hôm 5/5, phát biểu tại cuộc họp báo về COVID-19, trước sức ép từ các đảng đối lập và giới truyền thông Anh về nỗ lực chống dịch còn yếu kém, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab tuyên bố, việc so sánh Anh với các nước khác trên thế giới vào thời điểm này là chưa chính xác.

"Chính phủ đang công khai mọi số liệu, kể cả mọi trường hợp tử vong. Và không phải quốc gia nào cũng làm như vậy. Tôi không chắc rằng mọi sự so sánh đa quốc gia sẽ có hiệu quả, trừ khi bạn thực sự chắc chắn rằng quốc gia nào cũng có cách thống kê COVID-19 giống nhau", Ngoại trưởng Anh nhấn mạnh.

Italia từng là ổ dịch COVID-19 lớn nhất châu Âu, với số ca tử vong tăng chóng mặt, buộc nước này trở thành quốc gia đầu tiên phong tỏa tại lục địa già. Nhiều giả thuyết như dân số già, văn hóa giao tiếp, phản ứng ban đầu chậm đã được đưa ra để lý giải về tình trạng dịch tại Italia.

Còn với Anh, nơi bùng phát chậm hơn Italia khá nhiều, The Guardian cho rằng, dường như quốc gia này chưa học được bài học từ chính người anh em của mình, khiến tình hình dịch ngày càng trở nên tệ hơn.

Lam Ninh
.
.
.