Anh chọn “lối đi riêng” thời hậu Brexit

Thứ Tư, 19/02/2020, 07:53
Chính phủ Anh tuyên bố sẽ không chấp nhận sự giám sát của Liên minh châu Âu (EU) đối với nền kinh tế nước này để đổi lấy mối quan hệ thương mại chặt chẽ thời kỳ hậu Brexit. London sẽ không đi theo các luật lệ thương mại của EU và sẽ tự xây dựng các luật lệ của mình.


“Lối đi riêng” của xứ sở sương mù

Phát biểu ngày 17/2 (giờ địa phương) tại Brussels (Bỉ), Trưởng đoàn đàm phán Brexit của Chính phủ Anh, ông David Frost khẳng định, London có ý định xây dựng hệ thống luật riêng của mình sau Brexit và không muốn tuân theo các quy tắc được gọi là “sân chơi công bằng” do EU áp đặt.

Theo ông, sau khi rời EU, Vương quốc Anh là một quốc gia độc lập, có quyền tự xây dựng các luật lệ cho mình và sẽ không có ý nghĩa gì nếu Anh đã ra khỏi EU mà vẫn phải gắn chặt với các luật lệ của khối này. Tuyên bố này của ông David Frost tiếp nối quan điểm cứng rắn của Chính phủ Anh từ nhiều tháng nay rằng London sẽ không chấp nhận gắn chặt với các luật lệ và tiêu chuẩn của châu Âu về thương mại, cũng như không chấp nhận bất cứ thẩm quyền phán xử nào của các Toà án hay các thiết chế của EU liên quan đến các tranh chấp giữa hai bên.

Đây có thể xem là lời từ chối từ phía Chính phủ Anh về một thoả thuận thương mại với EU theo mô hình Canada, tức đòi hỏi phía Anh phải tuân thủ các tiêu chuẩn về môi trường, lao động hay trợ cấp chính phủ giống như EU. Đây vốn là yêu cầu từ phía EU vì khối này lo ngại sau khi rời EU, Vương quốc Anh có thể sẽ hạ thấp các tiêu chuẩn của mình để nâng sức hút đầu tư nước ngoài và cạnh tranh với châu Âu ở ngay cửa ngõ của khối này.

Khoảng cách giữa EU và Anh trong đàm phán hậu Brexit là rất lớn.

Trong khi đó, phía Anh cho biết muốn có một quan hệ thương mại không có quota, không có mức thuế với EU hoặc đi theo mô hình Australia, tức không có thoả thuận thương mại cụ thể mà tuân thủ các quy định của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

Trước đó, xứ sở sương mù cũng đã tuyên bố Khu tài chính London có thể sẽ “chọn lối đi riêng” với EU. Phó Thống đốc Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) Jon Cunliffe cảnh báo Anh không thể đưa quy định tài chính của mình sang EU và có thể sẽ áp dụng các quy định tài chính khác với của liên minh thời kỳ hậu Brexit.

Ông Jon Cunliffe nhấn mạnh sự cần thiết phải “có niềm tin tưởng thực sự” đến từ cả hai phía khi Anh và EU khi tiến hành đàm phán Brexit liên quan đến tương lai của các hoạt động dịch vụ tài chính. Phó Thống đốc Jon Cunliffe đề cao tầm quan trọng của khu tài chính London đối với EU khi cho rằng, EU sẽ “được nhiều hơn mất” khi có quyền tiếp cận vào khu tài chính London và không thể xảy ra việc dịch chuyển toàn bộ hoạt động của khu tài chính London sang EU do Brexit.

Ông cũng cho rằng, Anh không thể đưa các quy định tài chính của mình và việc giám sát hệ thống tài chính phức tạp bậc nhất trên thế giới mà nước Anh đang vận hành để chuyển cho một hệ thống pháp lý khác Anh thực hiện.

Theo ông, đối với lĩnh vực dịch vụ tài chính thì hai bên nên xây dựng dựa trên kết hợp giữa quy tắc vận hành quản lý tài chính chung toàn cầu và tôn trọng các quy định của nước sở tại. Những thỏa thuận giám sát và nguyên tắc vận hành trong tương lai giữa Anh và EU cần phải được ổn định và xây dựng trên sự tin tưởng lẫn nhau. Những điều này rất quan trọng, mang lại lợi ích cho cả hai bên trong các hoạt động thương mại đường biên, và nếu gián đoạn các hoạt động thương mại đường biên thì đây cũng là điều tự gây ra rủi ro cho chính ngành dịch vụ tài chính nói chung.

Thế khó của EU

Kể từ thời điểm chính thức rời EU vào ngày 31/1 vừa qua sau 47 năm là thành viên của liên minh này, Vương quốc Anh đã bước vào giai đoạn chuyển tiếp cho đến ngày 31/12 tới. Trong thời gian này, Anh sẽ tiếp tục áp dụng các tiêu chuẩn EU. Hai bên dự kiến sẽ bắt đầu đàm phán chính thức về mối quan hệ tương lai vào đầu tháng 3 tới.

Dù nhiều ý kiến cho rằng Vương quốc Anh là bên “yếu thế” hơn trong cuộc đàm phán này, nhưng điều đó không có nghĩa EU có được thuận lợi, trong bối cảnh liên minh 27 thành viên này đang đối mặt với thách thức chấn hưng nội bộ để khẳng định quyết định ra đi của Anh là một sai lầm.

Trong suốt hơn 50 năm kể từ khi ra đời, EU chưa từng gặp phải một thách thức tương tự như Brexit và giai đoạn sắp tới trong quan hệ với Anh sẽ quyết định EU có thực sự là một liên minh vững mạnh hay không.

Với quan điểm cho rằng các vấn đề đều có liên kết với nhau, EU luôn muốn các nội dung đàm phán phải diễn ra song song. Về bản chất, EU kiên quyết đàm phán tất cả các chủ đề cùng lúc là nhằm hạn chế nguy cơ bất đồng nội bộ, điều mà London có thể lợi dụng để gây chia rẽ giữa 27 nước.

Đơn cử một trong những vấn đề vô cùng nhạy cảm trong các cuộc đàm phán là đánh bắt cá mà hai bên dự kiến sẽ đạt thỏa thuận trước ngày 1-7. Các chính trị gia hàng đầu châu Âu là những người luôn rất lo lắng về tương lai EU hậu Brexit. Thủ tướng Đức Angela Merkel đã coi việc nước Anh rời đi là một lời “cảnh báo” nghiêm trọng đối với EU.

Trước bộn bề nhiệm vụ, Brexit buộc EU phải chứng minh rằng một quốc gia ở trong khối sẽ tốt hơn so với việc đứng đơn độc bên ngoài. Hậu Brexit thậm chí sẽ làm xuất hiện một thách thức còn nghiêm trọng hơn, đó là làm thế nào để chứng minh khẩu hiệu “thống nhất mang lại sức mạnh hơn là chia rẽ” của châu Âu là đúng đắn.

Muốn vậy, thì “giá trị gia tăng”, hay được hiểu là lợi ích do cộng đồng mang lại cho các thành viên phải trở nên áp đảo so với khi họ đứng đơn lẻ. Những lợi thế của việc ở lại EU chắc chắn sẽ được đem ra so sánh với thực trạng phát triển của một thành viên cũ và nay là láng giềng Anh.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy để xây dựng một châu Âu thống nhất là điều hoàn toàn không đơn giản. Bên cạnh những vấn đề phức tạp thì không ít nhà phân tích cho rằng, ngay nguyên tắc đồng thuận trong việc ra quyết định cũng tạo nguy cơ “giết chết” sự hình thành của một thực thể châu Âu duy nhất trên trường quốc tế.

Tái tổ chức liên minh bằng cách kết nối Đông-Tây trong nội bộ châu Âu được xem là chìa khóa để vượt qua mối lo chia rẽ hiện tại. Ở nước Đức, bà Angela Merkel vẫn luôn thực dụng và lo lắng để giữ được mối quan hệ chặt chẽ, cả về chính trị và kinh tế, với các nước láng giềng ở phía Đông. Đáng chú ý là chuyến thăm của Tổng thống Pháp tới Ba Lan, 3 ngày sau khi Anh rời EU, là một dấu hiệu về ý định tái tổ chức trong EU 27 nước.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.