Anh cân nhắc tham gia "NATO châu Á" đối đầu với Trung Quốc

Thứ Sáu, 29/01/2021, 15:02
Trong chuyến thăm đến Ấn Độ vào tháng 12/2020, Ngoại trưởng Anh Dominic Raab từng bật mí về khả năng London tham gia "Đối thoại tứ giác an ninh".
Ảnh minh họa AP. 

Việc Anh tham gia "Đối thoại tứ giác an ninh" (Bộ tứ), hay còn được gọi là "NATO châu Á", có thể sẽ được thảo luận trong chuyến thăm dự kiến ​​của Thủ tướng Anh Boris Johnson tới Ấn Độ, nơi các bên sẽ tìm cách ứng phó với Trung Quốc, tờ Times đưa tin. Nhóm Bộ tứ hiện bao gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia.

Trước đó, ông Johnson dự kiến ​​là khách mời danh dự tại cuộc diễu hành nhân dịp Ngày Cộng hòa của Ấn Độ vào ngày 26/1/2021, nhưng ông đã hủy chuyến thăm  sau khi tuyên bố đóng cửa toàn quốc ở Anh để chống lại sự gia tăng của một biến thể virus SARS-CoV-2 mới. Dự kiến ​​ông sẽ sang Ấn Độ ngay khi điều kiện cho phép.

Tờ Telegraph đưa tin, vẫn chưa có đề xuất rõ ràng nào dành cho ông Johnson. Giới quan sát cho rằng chính phủ Anh cũng đang rất mong muốn tham gia vào liên minh Bộ tứ nhằm ứng phó với sự hung hăng ngày càng tăng của Trung Quốc trên trường quốc tế.

Báo cáo được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cho biết trong chuyến thăm Ấn Độ vào tháng 12/2020 rằng Anh không loại trừ việc gia nhập nhóm Bộ tứ và vấn đề sẽ được thảo luận trong chuyến thăm của Thủ tướng Johnson tới New Delhi.

Trước đó, cựu Ngoại trưởng Ấn Độ Kanwal Sibal cho biết rằng các nước nhóm Bộ tứ sẽ tiếp tục tăng cường hợp tác hải quân ở khu vực Ấn Độ - Thái Bình Dương khi "áp lực hàng hải đối phó với Trung Quốc" sẽ được thực hiện.

Điều này xảy ra sau khi Ngoại trường của 4 nước Bộ tứ tổ chức các cuộc đàm phán tại Nhật Bản vào tháng 10/2020, trong đó Mỹ chỉ trích những hành động mà Washington mô tả là "bóc lột, tham nhũng và cưỡng bức" của Trung Quốc.

Mỹ và các đồng minh đang căng thẳng với Trung Quốc về hàng loạt vấn đề. Ngoài ra, Australia có mâu thuẫn với Trung Quốc về các vấn đề liên quan đến COVID-19, trong khi Ấn Độ đối đầu với Trung Quốc dọc theo biên giới Himalaya và Tokyo xung đột với Bắc Kinh trong tranh chấp các đảo.

Vào tháng 11/2017, Mỹ, Nhật Bản, Australia và Ấn Độ đã ký kết một thỏa thuận để tạo ra một khuôn khổ an ninh "Ấn Độ - Thái Bình Dương" để tuần tra và gây ảnh hưởng của mình trên các tuyến đường thủy từ Ấn Độ Dương đến Thái Bình Dương.

Duy Tiến (Theo Sputnik)
.
.
.