Ấn Độ và Canada "trái dấu" trong bão COVID-19

Thứ Bảy, 12/09/2020, 16:14
Trong khi Canada ngày 12/9 lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19 trong nửa năm qua, thì Ấn Độ tiếp tục "phá kỷ lục" số ca nhiễm mới theo ngày của chính mình. Ấn Độ hiện đang có tốc độ lây nhiễm nhanh nhất thế giới.
Ấn Độ tiếp tục ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới tăng chóng mặt. Ảnh: Reuters

Dữ liệu từ Bộ Y tế Ấn Độ ngày 12/9 cho thấy, Ấn Độ đã trải qua ngày thứ hai liên tiếp ghi nhận số ca nhiễm COVID-19 mới cao kỷ lục với 97.570 ca. Hiện, Ấn Độ có hơn 4,65 triệu ca nhiễm, là quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề thứ 2 vì đại dịch, sau Mỹ.

Tuy nhiên, tốc độ gia tăng các ca nhiễm COVID-19 ở Ấn Độ được đánh giá là nhanh hơn bất kỳ nơi nào khác trên thế giới, khi các ca bệnh tăng nhanh cả ở các khu vực thành thị và nông thôn.

Bang Maharashtra là nơi chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất Ấn Độ, chạm mốc 1 triệu ca nhiễm vào cuối ngày 11/9. Số ca nhiễm COVID-19 của riêng bang này tương đương số ca nhiễm trên toàn nước Nga, ổ dịch lớn thứ 4 thế giới.

Các quan chức chính phủ và các chuyên gia cho biết sự gia tăng các trường hợp nhiễm COVID-19 ở Maharashtra và các khu vực khác tại Ấn Độ có thể là hậu quả của việc nối lại các hoạt động kinh tế cũng như lễ hội địa phương.

Học sinh Canada trở lại trường học sau khi dịch bình ổn trở lại. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Canada ngày 12/9 lần đầu tiên không ghi nhận ca tử vong mới vì COVID-19 kể từ ngày 15/3, theo dữ liệu cơ quan y tế nước này công bố. Hiện, hơn 9.000 công dân Canada đã tử vong vì đại dịch này, trong khi hơn 135.000 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tại Canada cho đến nay.

Các khu vực tại Canada đang từng bước mở cửa trở lại để khôi phục kinh tế, bao gồm việc mở cửa trường học. Nhà chức trách đã liên tục cảnh báo các địa phương phải áp dụng quyết liệt các biện pháp để hạn chế dịch bệnh lây lan. 

Trước đó, khi các ca nhiễm COVID-19 bắt đầu có dấu hiệu tăng đột biến từ tháng 3, Canada đã đóng cửa biên giới quốc tế đối với tất cả công dân nước ngoài, đồng thời tăng cường xét nghiệm trong nước và cách ly nguồn bệnh.

Lam Ninh
.
.
.