ASEAN thúc đẩy triển khai đàm phán thực chất về COC

Thứ Tư, 07/02/2018, 07:06
Tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN diễn ra tại Singapore ngày 6-2, các nước một lần nữa đã khẳng định lập trường về Biển Đông và nhất trí với đề xuất về triển khai đàm phán thực chất ASEAN-Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), dự kiến bắt đầu vào tháng 3 tới.


Diễn ra trong 2 ngày 5 và 6 - 2, đây là Hội nghị hẹp cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đầu tiên do Singapore chủ trì trong 2018, năm thứ 3 triển khai Cộng đồng ASEAN. 

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Singapore nêu rõ, tại Hội nghị hẹp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN, các Bộ trưởng bày tỏ nhất trí cao với chủ đề ASEAN 2018 là xây dựng một “ASEAN Tự cường và Sáng tạo", nhấn mạnh cần nâng cao tính tự cường mọi mặt của khu vực, cả trong các nội dung chính trị - an ninh lẫn hợp tác kinh tế - thương mại nhằm nâng cao tình đoàn kết và vai trò trung tâm của ASEAN. 

Các nước cho rằng cần tận dụng các cơ hội của Cách mạng Công nghiệp 4.0, đề ra các giải pháp kịp thời, sáng tạo, vừa ứng phó hiệu quả với các thách thức, vừa nâng cao đoàn kết, tự cường ASEAN. 

Theo đó, các Bộ trưởng kiến nghị Lãnh đạo Cấp cao thông qua Tuyên bố Tầm nhìn các Lãnh đạo ASEAN về một ASEAN Tự cường và Sáng tạo và Tuyên bố các Lãnh đạo về Hợp tác An ninh mạng. 

Các Bộ trưởng cũng trao đổi các trọng tâm và ưu tiên của ASEAN; việc thiết lập một mạng lưới các thành phố thông minh trong khu vực; quan hệ đối ngoại của ASEAN cũng như thảo luận các vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm. Đặc biệt, các Bộ trưởng đã trao đổi sâu về tình hình quốc tế và khu vực như tình hình bán đảo Triều Tiên và Biển Đông. 

Các nước khẳng định lại lập trường lâu nay của ASEAN về các nội dung này, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì các quan điểm chung, coi đây là biểu hiện rõ nét của tự cường khu vực, đoàn kết ASEAN. 

Các Bộ trưởng nhất trí với các đề xuất về triển khai đàm phán thực chất ASEAN-Trung Quốc về Bộ Quy tắc ứng xử của các bên ở Biển Đông (COC), chỉ đạo các quan chức cấp cao tổ chức thành công vòng đàm phán đầu tiên tại Việt Nam trong tháng 3-2018.

Các cuộc thảo luận về đàm phán COC giữa ASEAN-Trung Quốc đã được tiến hành cách đây vài năm. Tháng 3 tới, ASEAN và Trung Quốc sẽ tổ chức vòng đàm phán đầu tiên ở cấp quan chức cấp cao về COC. Ảnh: South China Morning Post

Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu đã tham dự hội nghị và có nhiều đóng góp thực chất và cụ thể vào các nội dung thảo luận. 

Trong bài phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh bày tỏ nhất trí cao với chủ đề và trọng tâm hợp tác ASEAN do Singapore đề xuất, cam kết sẽ phối hợp chặt chẽ bảo đảm thành công của ASEAN 2018. 

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng nêu rõ, tự cường khu vực phải được phát huy trên mọi khía cạnh, cả về chính trị lẫn kinh tế, từ đó kiến tạo động lực mới cho ASEAN chuyển sang giai đoạn phát triển mới. 

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh nhấn mạnh, ASEAN cần đề cao các giá trị và nguyên tắc cơ bản, củng cố đoàn kết và thống nhất Hiệp hội, khẳng định tiếng nói thống nhất của ASEAN trên các vấn đề thuộc quan tâm và lợi ích chung ở khu vực. 

Đề cập tới quan hệ đối ngoại của ASEAN, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng cho rằng ASEAN cần xây dựng cách tiếp cận chung cân bằng, hiệu quả trong quan hệ với bên ngoài. Trong quá trình này, tăng cường hơn nữa hiệu quả hoạt động của các cơ chế/diễn đàn do ASEAN thành lập và dẫn dắt có ý nghĩa quan trọng, là công cụ chủ yếu để ASEAN duy trì vai trò trung tâm của mình trong khu vực. 

Riêng vấn đề Biển Đông, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Phạm Bình Minh đề nghị các nước kiên định với các quan điểm của ASEAN; các nước cần nhận thức đầy đủ về hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông; giữ vững các cam kết về giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước quốc tế của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). 

Trong quá trình xây dựng COC, các nước đồng thời cần thực hiện đầy đủ Tuyên bố về Ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC) và đẩy mạnh thực hiện các biện pháp xây dựng lòng tin. 

Về COC, Phó Thủ tướng Bộ trưởng bày tỏ, ASEAN và Trung Quốc cần trao đổi thực chất về nội dung văn kiện này, từ đó đạt được COC hiệu quả và có tính ràng buộc, góp phần quan trọng cho thúc đẩy hoà bình và ổn định tại khu vực.

Hãng tin Jakarta Globe cho hay, chính phủ Indonesia cũng đang hối thúc ASEAN ký kết một hiệp ước dẫn độ khu vực trong năm nay và kết thúc các cuộc đàm phán về COC. Dẫn lời Vụ trưởng phụ trách hợp tác chính trị và an ninh Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) thuộc Bộ Ngoại giao Indonesia Chandra Yudha, tờ báo này tiết lộ rằng, cuộc họp đầu tiên của một nhóm chuyên viên chung để đàm phán về COC được tổ chức vào tháng 3 tại Việt Nam. 

Nhóm này không chỉ tiến hành thảo luận về COC mà còn thảo luận các hoạt động hợp tác tại vùng biển tranh chấp, như một phần trong nỗ lực tăng cường lòng tin và hợp tác đôi bên cùng có lợi, nhất là trong các vấn đề hàng hải. 

Một số tờ báo khác nhận đinh, để có thêm nguồn lực xây dựng Cộng đồng ASEAN, các quốc gia thành viên cần phải tăng cường hơn nữa quan hệ với các đối tác của ASEAN; đoàn kết, thống nhất, duy trì các quy định, quy trình, không để bên ngoài tác động, chia rẽ, nhất là cần nâng cao hiệu quả các cơ chế do ASEAN thành lập và dẫn dắt, từ đó, bảo đảm các định hướng của cấu trúc khu vực và trong trường hợp 1-2 nước ASEAN bị ảnh hưởng, cả 10 nước cần thể hiện tình đoàn kết.

Cũng trong 2 ngày 5 và 6 tháng 2, các nhà lãnh đạo quốc phòng 10 quốc gia thành viên ASEAN, cùng Tổng Thư ký ASEAN Lim Jock Hoi đã tham dự cuộc họp Hội nghị hẹp Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN. 

Trong khuôn khổ hội nghị, một cuộc gặp không chính thức giữa các Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN với Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc Thường Vạn Toàn được tổ chức. Hãng tin Strait Times cho hay, tại hội nghị lần này, các Bộ trưởng Quốc phòng đã tập trung thảo luận các mối đe dọa khủng bố trong khu vực và sự tăng cường hợp tác chống khủng bố giữa các thành viên. 

Trong vai trò Chủ tịch ASEAN, Singapore đã đề nghị các nước tập trung vào ba mũi nhọn chính, bao gồm: Thúc đẩy hợp tác chống khủng bố khu vực; tăng khả năng chống các mối đe dọa về hóa học, sinh học...; xây dựng lòng tin trong lĩnh vực hàng không và hàng hải.

Huyền Chi
.
.
.