100 ngày làm Tổng thống của ông Trump

Thứ Năm, 27/04/2017, 13:38

Ngày 29-4 tới đánh dấu 100 ngày ông Donald Trump giữ cương vị Tổng thống Mỹ. Trong suốt quãng thời gian đó của nhiệm kỳ đầu tiên, ông Trump đã gặp phải không ít sự phản đối từ nhiều phía đối với những quyết sách của mình.

Bức tường ngăn cách Mỹ và Mexico. Ảnh Reuters

Bức tường lịch sử ở biên giới phía Nam

Bức tường với Mexico là một phần trong cam kết của ông Donald Trump kể từ khi ông tranh cử Tổng thống. Quyết sách này nổi bật không chỉ bởi tính “chưa từng có trong lịch sử” mà còn vì số tiền “không tưởng” để hoàn thành bức tường này.

Ông Trump một mực khẳng định bức tường, khi đã hoàn thành, có thể ngăn chặn những thành phần xấu từ biên giới phía Nam (bạo lực, ma túy, tội phạm) vào đất Mỹ.

Theo Tổng thống Mỹ, ông có cách để khiến Mexico phải “chi trả” cho bức tường này. Dù số tiền ban đầu dự kiến “chỉ” có vài tỷ USD, nhưng cho đến nay, sau nhiều lần tính toán lại, con số kinh phí đã lên đến 20 tỷ USD. Cả phía Mỹ và Mexico đều có những quan điểm rất trái chiều về việc xây dựng bức tường biên giới dài đến hơn 3.000 km và cho đến nay, việc xây dựng vẫn chưa bắt đầu.

Những thành viên nội các cũng gây “sốc”

Phó Tổng thống Mike Pence và Bộ trưởng giáo dục Mỹ Betsy DeVos. Ảnh Reuters 

Những thành viên trong nội các được coi là những cánh tay đắc lực giúp Tổng thống Mỹ điều hành đất nước. Trong cuộc đua vào chiếc ghế Tổng thống Mỹ vừa qua, việc ông Trump giành chiến thắng đã gây chấn động thế giới và việc ông này chọn các thành viên trong Chính quyền của mình cũng đáng chú ý không kém.

Nội các của ông Trump được coi là nội các “giàu” nhất từ trước đến nay. Nội các tỷ đô này cũng gặp phải rất nhiều trắc trở bởi sự phản đối đến từ các thành viên Nghị viện Mỹ. Ông Wilbur Ross, Bộ trưởng Thương Mại Mỹ có tổng tài sản lên đến 2,5 tỷ USD; bà Betsy DeVos, Bộ trưởng Giáo Dục, tổng tài sản 1,25 tỷ USD. Đồng thời, nội các của ông Trump cũng có hàng loạt triệu phú USD khác như ông Rex Tillerson, Ngoại trưởng, ông Steve Mnuchin, Bộ trưởng Tài chính…

Một vài thành viên trong nội các của ông Trump thậm chí còn gặp phải nhiều rắc rối sau khi đã nhậm chức. Một thành viên trong nội các của ông Trump đã bị FBI điều tra về sự liên quan với Nga và một thành viên khác trong chính phủ phải từ chức.

Trong 100 ngày đầu, ông Trump đã bổ nhiệm 1 Thẩm phán Tòa án Tối cao, 14 Bộ trưởng mới được xác nhận và 2 người thân là con gái Ivanka Trump và con rể Jared Kushner làm việc trong Nhà Trắng.

Sắc lệnh nhập cư gây tranh cãi

Thẩm phán liên bang của Hawaii tuyên bố chặn sắc lệnh cấm của ông Trump. Ảnh Reuters

Ngay từ những ngày đầu tiên của nhiệm kỳ của mình, ông Trump đã gây tranh cãi và phản đối từ cộng đồng quốc tế bởi lệnh cấm di trú của mình. Theo Chính quyền của Tổng thống Trump, những lệnh cấm di trú đối với công dân đến từ các nước có người Hồi giáo chiếm đa số, là nhằm đảm bảo mục tiêu cao nhất là đảm bảo an ninh và an toàn tuyệt đối cho nước Mỹ và người dân Mỹ. Lệnh cấm di trú này đã gặp phải sự phản đối và bị một số thẩm phán liên bang chặn.

Sau rất nhiều những lần sửa đổi, đệ trình và ngăn chặn, số phận của một trong những quyết sách được cho là cương quyết nhất của ông Trump đã không đạt được thành công như mong đợi của tân Tổng thống.

Chính sách đối ngoại

Tổng thống Mỹ Trump và Thủ tướng Canada Justin Trudeau

Tổng thống Donald Trump từng tuyên bố sẽ “tuyên chiến” với Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS), kiềm chế sự nổi dậy của Trung Quốc và hàn gắn quan hệ quan trọng với Nga trong chiến dịch tranh cử của mình. Ông cũng lên tiếng rằng mình sẽ ưu tiên đặt lợi ích của người Mỹ lên hàng đầu, giảm bớt hỗ trợ cho các nước đồng minh vì cho rằng những khoản tiền này là một gánh nặng rất lớn với nước Mỹ.

Tổng thống Mỹ từng tuyên bố sẽ rút xem xét lại hiệp định Tự do Thương mại Bắc Mỹ (NAFTA) hay thậm chí là rút khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Ông Trump đã có những cuộc gặp và điện đàm đầu tiên trên cương vị Tổng thống Mỹ với nhiều nguyên thủ khác trên thế giới như Thủ tướng Canada Justin Trudeau, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Những cuộc gặp đầu tiên này chủ yếu mang tính chất xã giao và làm quen, vì vậy, người ta thường chú ý đến những câu chuyện ngoài lề hơn là những quyết sách và hiệp định sẽ được ký kết sau những cuộc gặp này. 

Điển hình như cuộc điện đàm đầy sự tức giận và không thành công của ông Trump với Thủ tướng Australia Malcolm Turnbull, dường như đã kéo quan hệ đồng minh giữa hai nước đến mức độ căng thẳng. Hay thậm chí là tình huống éo le xảy ra trong cái bắt tay “lịch sử” kéo dài 19 giây của ông Trump với ông Trudeau.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Đức Angela Merkel. Ảnh Reuters

Cụ thể, trong 100 ngày đầu tiên ở Nhà Trắng, ông đã tiếp 8 lãnh đạo nước ngoài nhưng chưa có chuyến công du nào.

Một dấu ấn khác trong hành động ngoại giao của ông Trump là việc Mỹ tấn công một sân bay của chính phủ Syria để đáp trả chính phủ Assad với cáo buộc chính phủ nước này đứng đằng sau vụ tấn công hóa học khiến hàng trăm thường dân thiệt mạng và chịu ảnh hưởng nặng nề.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh Reuters

Trong 100 ngày đầu tiên, Chính phủ của Tổng thống Donald Trump đã tạo ra khoảng hơn 500.000 việc làm và giảm 61% số các vụ vượt biên trái phép. Đây có thể coi là những thành quả đáng khích lệ của vị tân Tổng thống.

Cùng với đó, vị tổng thống mới đã ký 30 văn bản hành pháp và bổ sung thêm 28 luật vào hệ thống luật hiện hành, con số được đánh giá là chưa từng có kể từ thời Tổng thống Franklin Roosevelt​.

Duy Tiến
.
.
.