10 năm thảm họa Fukushima: Phút im lặng trong lòng Nhật Bản

Thứ Năm, 11/03/2021, 14:37
Vào đúng 2h46 phút chiều 11/3, thời điểm bờ biển phía Đông Bắc Nhật Bản bị trận động đất mạnh 9,0 độ richter tấn công 10 năm trước, người dân xứ sở mặt trời mọc đã dành phút mặc niệm, tưởng nhớ những người đã ra đi trong thảm họa kinh hoàng này. 

Từ thủ đô Tokyo, Thủ tướng Nhật Bản Yoshihide Suga và Nhật hoàng Naruhito đã gửi lời chia buồn đến gia đình của hơn 18.000 nạn nhân đã thiệt mạng trong thảm họa kép động đất và sóng thần, kéo theo thảm họa hạt nhân ở Fukushima xảy ra đúng ngày 11/3/2011.

Nhật hoàng Naruhito gọi đây là "ký ức không thể nào quên về một thảm kịch", nhấn mạnh rằng: "Rất nhiều người đã chịu đau khổ, nhưng dẫu phải chịu những thiệt hại không thể nào tưởng tượng được, họ đã cùng giúp đỡ nhau vượt qua vô vàn khó khăn".

10 năm đã qua, nhưng nỗi đau về một thảm họa kinh hoàng vẫn chưa thể nguôi ngoai trong lòng nhiều người dân Nhật Bản. Ảnh: Reuters

Trong khi đó, Thủ tướng Suga khẳng định, những thách thức mà những người sống sót phải đối mặt vẫn còn đó, trong đó có cả đại dịch, thiên tai, và cả một trận động đất mạnh xảy ra gần đây tại khu vực, được cho là dự chấn của thảm họa kép năm 2011.

Nhưng, Thủ tướng Suga tin tưởng, Nhật Bản đã và luôn "vượt qua mọi khủng hoảng bằng lòng dũng cảm và hy vọng".

Do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, các sự kiện kỷ niệm một thập kỷ thảm họa kép Fukushima đã được thu nhỏ quy mô trên khắp Nhật Bản.

Tại Ishinomaki, nơi thảm họa đã cướp đi sinh mạng của khoảng 3.300 người, một tấm bia khắc tên các nạn nhân đã được xây dựng. Thị trưởng thành phố, ông Hiroshi Kameyama, cho biết: "Là một nơi đã bị ảnh hưởng nặng nề bởi thảm họa, chúng tôi muốn ghi nhớ những hồi ức này, để những mất mát như vậy sẽ không bao giờ tái diễn".

Động đất kéo theo sóng thần đã gây ra thảm họa nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi ngày 11/3/2011. Ảnh: Getty

10 năm kể từ khi thảm họa xảy ra, Nhật Bản đã đẩy mạnh đầu tư cho các khu vực bị ảnh hưởng tại vùng Tohoku. Phần lớn các thị trấn ven biển và làng mạc bị sóng thần cuốn trôi đã được xây dựng lại với chi phí tái thiết ước tính khoảng 300 tỷ USD, theo Reuters. 

Thế nhưng, sau mười năm, hơn 40.000 người vẫn chưa thể trở về nhà. Hầu hết trong số này từng sinh sống ở các khu vực gần nhà máy điện hạt nhân Fukushima Daiichi, nơi sự cố lò phản ứng đã xảy ra năm 2011, buộc 160.000 người phải sơ tán ngay lập tức.

Quá trình xử lý sự cố nhà máy Fukushima Daiichi, gồm xử lý nguồn nước bị ô nhiễm và chất thải rắn, đồng thời làm cho khu vực này trở nên an toàn, vẫn đang là một bài toán nan giải. TEPCO, đơn vị quản lý nhà máy, ước tính quá trình này có thể kéo dài trong nhiều thập kỷ.

An Nhiên
.
.
.