Doanh nghiệp khởi nghiệp có được tham gia thị trường chứng khoán?
- 80 thẩm phán dự tập huấn pháp luật chứng khoán
- 124 tổ chức, cá nhân bị phạt vì vi phạm Luật chứng khoán
Khởi nghiệp có được tham gia thị trường chứng khoán?
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo (Bắc Ninh) cho biết, các doanh nghiệp khởi nghiệp đang nhận được nhiều chính sách hỗ trợ của Đảng và Nhà nước, nhằm thúc đẩy các doanh nghiệp này phát triển cả về quy mô và chất lượng, đóng góp cho phát triển kinh tế đất nước.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Bảo. |
“Tôi đề nghị không quy định tại dự thảo luật về chào bán chứng khoán riêng lẻ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo, để đảm bảo chất lượng hàng hoá đưa ra thị trường cũng như đảm bảo công bằng đối với các thành viên tham gia thị trường”, đại biểu nói.
Cũng bàn về quy định chào bán chứng khoán riêng lẻ của doanh nghiệp khởi nghiệp, song đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ (Bến Tre) bày tỏ quan điểm cần tạo hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp, nhằm khơi thông dòng vốn, hỗ trợ các doanh nghiệp này trong sản xuất kinh doanh.
Theo đại biểu Thuỷ, hiện cả nước có hơn 3.000 doanh nghiệp khởi nghiệp, với đặc điểm là có mức vốn thấp, độ rủi ro cao nên khó huy động vốn, vì vậy việc tạo thêm hành lang pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp tham gia thị trường chứng khoán, huy động vốn là cần thiết.
Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thuỷ đề nghị doanh nghiệp doanh nghiệp khởi nghiệp muốn gia nhập vào thị trường chứng khoán cũng phải chấp nhận những điều kiện ràng buộc, để tránh gây tác động, ảnh hưởng thị trường vốn chung. “ Cân nhắc kỹ, đảm bảo quyền lợi công ty đại chúng có số vốn dưới 30 tỷ đồng và quyền lợi nhà đầu tư, tránh tình trạng “quản không được thì cấm” – bà Thuỷ đề nghị.
Uỷ ban chứng khoán trực thuộc đơn vị nào?
Phát biểu tiếp thu ý kiến các đại biểu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết, trong số 19 đại biểu phát biểu, có 5 đại biểu đề nghị UBCK nhà nước nên thuộc Chính phủ và 9 đại biểu đề nghị giữ nguyên như hiện trạng, tức là UBCK nhà nước thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính. Tất cả các đại biểu đều đồng tình tăng thẩm quyền, khả năng chuyên môn nghiệp vụ cho Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để có thể đáp ứng những đòi hỏi mới", Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng. |
Theo Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng, kể từ khi UBCKNN thuộc Bộ, thị trường chứng khoán Việt Nam đã có những bước đột phá. Tại Dự thảo Luật Chứng khoán (sửa đổi), tiếp tục tăng cường vai trò giám sát của UBCKNN để đảm bảo tính độc lập trong quản lý giám sát như tiêu chuẩn quốc tế.
"Từ 2004, thời điểm Ủy ban chứng khoán thuộc quyền quản lý của Bộ Tài chính, ngành chứng khoán đã phát huy kết quả vượt trội dưới sự lãnh đạo của chính phủ, và các cấp các ngành", Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói thêm về những thành tựu của Thị trường chứng khoán thời gian qua đồng thời khẳng định không có sự can thiệp nào tác động tới tính độc lập của Ủy ban.
Hiệp hội chứng khoán quốc tế cũng đưa ra nhiều khuyến nghị cho thị trường chứng khoán các nước, trong đó có thị trường chứng khoán Việt Nam. Tính độc lập, năng lực thực thi và không chịu tác động của yếu tố khách quan là những điểm quan trọng nhất mà tổ chức này kiến nghị. Dựa vào thực tiễn, Việt Nam đã chọn những gì tốt nhất để áp dụng cho thị trường chứng khoán phát triển theo hướng công khai, minh bạch và bền vững, ông Dũng nói.
"Trong thời gian vừa qua, Chính phủ, Bộ Tài chính luôn tôn trọng tính độc lập của UBCK, không can thiệp vào các hoạt động của cơ quan này", Bộ trưởng cho hay.
Tăng quyền cho Uỷ ban chứng khoán
Về vấn đề tăng quyền cho UBCK, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cho biết dự thảo luật đã bổ sung 3 quyền quan trọng là quyền được tiếp cận thông tin phục vụ thanh tra kiểm tra để đảm bảo minh bạch thị trường; quyền chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư, an ninh, an toàn cho thị trường chứng khoán và quyền báo cáo trực tiếp các cấp có thẩm quyền về tình hình thị trường chứng khoán.
"Phát triển thị trường chứng khoán cần gắn liền với điều hành chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy phát triển kinh tế", Bộ trưởng Dũng kết luận việc duy trì UBCKNN thuộc Bộ Tài chính phù hợp với yêu cầu quản lý nhà nước, phù hợp với yêu cầu bộ quản lý đa ngành, đa lĩnh vực theo tinh thần Nghị quyết số 18 của Ban Chấp hành Trung ương và Nghị quyết số 36/2017 của Quốc hội về tinh gọn bộ máy nhà nước.