Để thêm nhiều con tàu vươn khơi bám biển

Thứ Ba, 03/02/2015, 09:54
Làm thế nào để biến “quyết tâm” của cấp Trung ương thành sự thông suốt, nhanh gọn trong thủ tục tại cơ sở. Để thêm nhiều ngư dân có tàu ra khơi sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo!
>> Ngư dân đầu tiên đóng mới thành công tàu cá theo Nghị định 67

Tại cuộc họp nhằm xử lý những vướng mắc trong phát triển đóng mới, nâng cấp tàu công suất lớn phục vụ đánh bắt xa bờ theo Nghị định 67/2014, cho dù nhận định việc phê duyệt chủ tàu cá tham gia Nghị định 67/2014 được tổ chức chặt chẽ, chưa có tiêu cực, việc triển khai thực hiện cho vay đúng hướng, cơ bản chưa có gì bất cập nảy sinh, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh vẫn nhấn mạnh: “Bà con vay được một đồng cũng khổ sở để mà làm ăn, trả nợ lắm chứ, nên các bộ, ngành, địa phương và ngân hàng phải giải quyết tối đa”.

Do vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành đưa các ngân hàng thương mại (NHTM) tham gia Tổ phê duyệt chủ tàu cá của địa phương để thúc đẩy việc lập danh sách chủ tàu cá và giải ngân...

Theo ông Vũ Văn Tám, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT), sau 5 tháng triển khai Nghị định 67/2014, đã có 12 địa phương phê duyệt 352 chủ đầu tư tàu cá đánh bắt xa bờ là ngư dân. Trong đó, nâng cấp 34 chiếc; đóng mới là 151 chiếc, vật liệu mới 16 chiếc, tàu gỗ 185 chiếc. Theo thống kê của ngành NN&PTNT, đã có 6 hợp đồng tín dụng (của Agribank và BIDV) với tổng vốn đầu tư 66,43 tỷ đồng, trong khi đó, tổng số tàu đánh bắt xa bờ từ nay tới năm 2020 phải đạt 2.097 tàu đánh bắt và 205 tàu dịch vụ hậu cần.

Thứ trưởng Vũ Văn Tám nhận định, tiến độ này là chậm. Tuy nhiên ông Tám lý giải, do việc triển khai Nghị định 67/2014 vào cuối năm trong khi ngư dân có tập quán đóng tàu trong 1 năm, không muốn “vắt” sang năm thứ hai; NHTM chưa thực hiện hợp đồng vay vốn với ngư dân ngay vì vướng việc thẩm định lại năng lực ngư dân và đề nghị bổ sung thêm tài sản đảm bảo ngoài chính con tàu hình thành trong tương lai.

Trả lời những ý kiến nêu ra về những vướng mắc khi triển khai Nghị định 67/2014, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị, trong thời gian tới, các bộ, ngành tiếp tục triển khai tích cực Nghị định 67/2014 nhưng phải “đúng pháp luật và chặt chẽ, không dễ dãi” để tránh xuất hiện tiêu cực; thực hiện đúng đối tượng cần vay vốn, hạn chế không để kẻ xấu lợi dụng.

Đồng tình với đại diện Bộ NN&PTNT, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) Nguyễn Đồng Tiến cho rằng, chỉ 12 tỉnh, thành phố phê duyệt chủ tàu cá được vay vốn là ít và đề nghị các địa phương cần phải làm sớm danh mục này để các ngân hàng tiếp cận, giải ngân vốn. Hiện nguồn vốn thực hiện Nghị định 67/2014 được các NHTM Nhà nước cam kết dành 14.000 tỷ đồng, các ngân hàng đã chủ động tiếp cận người vay vốn, lập các tổ công tác để hướng dẫn bà con thực hiện hồ sơ thủ tục cần thiết...

Trả lời yêu cầu phải có tài sản thế chấp khác để ngư dân vay vốn lưu động phục vụ đánh bắt xa bờ hay nâng cấp ngư lưới cụ, thiết bị đi biển, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh “quyết” ngay: Đề nghị Thống đốc NHNN bằng thẩm quyền của mình xử lý việc này theo hướng cho ngư dân vay vốn theo tín chấp. Về chính sách đầu tư, vốn cho phát triển thủy sản năm 2015 chưa đạt yêu cầu thì các bộ tiếp tục tính toán cân đối các nguồn vốn khác trong và ngoài ngân sách để thực hiện, nhưng phải rà soát, ưu tiên cho vùng trọng điểm về thủy sản trước.Tiền vốn đã sẵn. Ngành nào cũng bày tỏ “sẵn sàng” hỗ trợ ngư dân đóng tàu vươn khơi. Ở phía bên kia, nhiều ngư dân cũng háo hức với chính sách kịp thời, đầy nhân văn tại Nghị định 67/2014. Chuyện còn lại chỉ là việc triển khai tại cơ sở. Làm thế nào để biến “quyết tâm” của cấp Trung ương thành sự thông suốt, nhanh gọn trong thủ tục tại cơ sở. Để thêm nhiều ngư dân có tàu ra khơi sản xuất, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo!

Chi Linh
.
.
.