Ninh Bình:

Đảm bảo tuyệt đối an toàn cho ngày hội bầu cử thành công

Thứ Tư, 18/05/2016, 14:48
Tham gia ứng cử và bầu cử đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân (HĐND) là các quyền cơ bản của công dân trong việc xây dựng chính quyền của dân, do dân và vì dân. Nhưng làm thế nào để cử tri thấy hết ý nghĩa trọng đại của sự kiện này, để thực hiện nghĩa vụ, trách nhiệm bằng cách sáng suốt lựa chọn trúng những đại biểu có đủ “tâm”, “tầm”, “tài” lại là vấn đề mà nhiều địa phương rất quan tâm.


Nhân sự kiện này, phóng viên Báo Công an nhân dân có cuộc trao đổi với bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình để làm sáng tỏ những vấn đề cử tri quan tâm nói trên.

Phóng viên (PV): Thưa bà Nguyễn Thị Thanh, Ninh Bình nằm trong những địa phương chủ động triển khai và sớm hoàn tất công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XIV và đại biểu HĐND các cấp nhiệm kỳ 2016 -2021. Trên cương vị Bí thư Tỉnh ủy, bà có thể chia sẻ điều gì đã giúp cho Ninh Bình có thể đẩy nhanh tiến độ công tác chuẩn bị bầu cử mà vẫn đảm bảo đúng luật?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Có thể nói một cách khái quát, công tác chuẩn bị bầu cử của Ninh Bình tới thời điểm này đạt được tiến độ, đảm bảo đúng luật chính là xuất phát từ tinh thần chủ động, tích cực triển khai của Đảng bộ, chính quyền, đoàn thể và nhân dân toàn tỉnh, theo đúng Chỉ thị số 51-CT/TW ngày 04/01/2016 của Bộ Chính trị và Chỉ thị số 01/CT-TTg ngày 13/01/2016 của Thủ tướng Chính phủ về tổ chức cuộc bầu cử. 

Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri. 

Sau gần 4 tháng tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai thực hiện quyết liệt, đến thời điểm này có thể khẳng định công tác chuẩn bị cho cuộc bầu cử ở Ninh Bình đã cơ bản hoàn thành mọi nội dung công việc, trên tinh thần đảm bảo dân chủ, công khai, công bằng, đúng luật, phù hợp với thực tiễn của địa phương; Kết quả đó đạt được có nhiều nguyên nhân, nhưng tôi xin nhấn mạnh vai trò của công tác tuyên truyền. Công việc này phải đi trước một bước, với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, sáng tạo, phù hợp với tập quán và trình độ nhận thức của cử tri đã đem lại hiệu quả thiết thực.

Với cách làm đó, từ việc lập ủy ban bầu cử cấp tỉnh, huyện, xã đến các khâu tiếp nhận hồ sơ ứng cử, hoạt động hiệp thương, tiếp xúc cử tri, niêm yết danh sách cử tri…đều đảm bảo đúng kế hoạch và đạt yêu cầu đề ra.

PV: Hoạt động tiếp xúc cử tri và vận động bầu cử của các ứng cử viên luôn là vấn đề rất quan trọng trong các cuộc bầu cử. Với Ninh Bình cách triển khai công tác này như thế nào để tránh hình thức, không vi phạm Luật khi vận động bầu cử, thưa bà?

Bà Nguyễn Thị Thanh, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư tỉnh ủy Ninh Bình cùng các đại biểu trong cuộc tiếp xúc cử tri.

Bà Nguyễn Thị Thanh: Về vấn đề này, Trung ương không quy định cụ thể số buổi tiếp xúc cử tri. Nhưng để đảm bảo chất lượng các cuộc tiếp xúc và công bằng, tỉnh Ninh Bình đã quy định số buổi tiếp xúc ít nhất: 10 buổi đối với ứng cử viên đại biểu Quốc hội; 5 buổi đối với ứng cử viên đại biểu HĐND tỉnh; 3 buổi đối với ứng viên đại biểu HĐND cấp huyện, xã. Ứng cử viên nào có nhu cầu tiếp xúc nhiều hơn thì đăng ký với UBMTTQ tỉnh.

Chủ động tổ chức các buổi tiếp xúc theo địa bàn, khu vực để nhiều cử tri ở thôn xóm đến dự; tạo điều kiện cho ứng cử viên tiếp xúc theo giới, đối tượng đặc thù như tiếp xúc với phụ nữ, công nhân, thanh niên, lực lượng vũ trang… Lịch tiếp xúc cử tri được thông báo rộng rãi và sớm trên báo, đài phát thanh, truyền hình tỉnh để nhân dân biết, chủ động đến dự. Có thể nói, trên cơ sở quy định của luật, tỉnh đã tạo mọi điều kiện để các ứng cử viên tiếp xúc với cử tri và được trình bày Chương trình hành động một cách công khai trên diễn đàn. Đồng thời, Chương trình hành động và tiểu sử từng ứng cử viên được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng để tuyên truyền rộng rãi cho cử tri và các tầng lớp nhân dân…

Công an Ninh Bình chủ động kiểm tra, đảm bảo an toàn tuyệt đối trong ngày bầu cử

PV: Bầu đại biểu nào là quyền của cử tri nhưng muốn bầu được người có đủ “tâm”, “tầm”, “tài” thì lại phụ thuộc không nhỏ vào việc cung cấp thông tin của các ứng cử viên cho cử tri. Về khâu này, bà có thể chia sẻ cách làm của Ninh Bình để đạt hiệu quả?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Việc cung cấp thông tin của các ứng cử viên cho cử tri là khâu rất quan trọng trong cuộc bầu cử. Đối với Ninh Bình, bên cạnh việc cung cấp thông tin qua các phương tiện thông tin đại chúng, tỉnh đặc biệt chú trọng khâu mạn đàm cơ cấu, tiểu sử, chương trình hành động của các ứng cử viên ở các cấp ủy, chi bộ, MTTQ và các đoàn thể, nhất là cấp cơ sở. 

Tinh thần chung là đảm bảo sự lãnh đạo, chỉ đạo và định hướng của cấp ủy đảng; phát huy vai trò của MTTQ, các đoàn thể chính trị-xã hội; đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền; thực hiện có hiệu quả công tác vận động bầu cử, mạn đàm tiểu sử ứng cử viên và tạo điều kiện tốt nhất để từng ứng cử viên thể hiện năng lực, trình độ và uy tín của mình trước cử tri; kịp thời phát hiện, ngăn chặn các âm mưu, thủ đoạn phá hoại của các thế lực thù địch.

PV: Cái khó với đại biểu là thực hiện Chương trình hành động chứ không phải ứng viên đưa ra Chương trình hành động. Vậy theo bà, Ninh Bình với cách làm nào để các đại biểu sau khi trúng cử sẽ biến Chương trình hành động thành hiệu quả thực tế?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Thuận lợi lớn nhất của người đại biểu trong nhiệm kỳ tới là Quốc hội mới ban hành Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 và Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015. Theo đó, vai trò của đại biểu Quốc hội và HĐND được nâng lên rất nhiều.

Với suy nghĩ của tôi, thứ nhất là việc cung cấp thông tin cho đại biểu khi xây dựng chương trình hành động phải đảm bảo sát với định hướng phát triển của tỉnh cũng như những vấn đề cử tri đang quan tâm, để chương trình hành động đảm bảo tính thiết thực, khả thi. 

Thứ hai, cần kỹ lưỡng và thận trọng khi bố trí các ứng cử viên trong các đơn vị bầu cử để làm sao những đại biểu sau khi trúng cử có đủ uy tín, năng lực hoàn thành tốt chương trình hành động đã đề ra ở những địa bàn trọng điểm còn nhiều khó khăn, vùng tạo động lực phát triển cho toàn tỉnh. 

Ngoài ra, phải tiếp thu, xem xét, nghiên cứu một cách nghiêm túc những vấn đề cử tri phản ánh. Giải quyết hoặc đề nghị giải quyết kịp thời những vấn đề có thể làm ngay; đề cao vai trò hoạt động của tổ đại biểu và từng đại biểu dân cử, tạo điều kiện cho nhân dân giám sát hoạt động của HĐND và các đại biểu HĐND.

PV: Công tác bảo đảm an ninh trật tự do lực lượng Công an làm nòng cốt luôn giữ vai trò quan trọng cho sự thành công của cuộc bầu cử. Bà có thể chia sẻ vài nét về sự chủ động triển khai công tác này trên địa bàn tỉnh?

Bà Nguyễn Thị Thanh: Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm chỉ đạo, thực hiện tốt nhiệm vụ bảo vệ An ninh trật tự, tạo môi trường ổn định để phát triển kinh tế-xã hội. Để bảo vệ bầu cử, dưới sự chỉ đạo của Bộ Công an, Công an tỉnh Ninh Bình đã tham mưu cho tỉnh thành lập Tiểu ban An ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chủ động xây dựng kế hoạch, chỉ đạo, kiểm tra, đôn đốc và tiến hành rà soát tình hình có liên quan đến an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương; Chủ động nắm chắc tình hình hoạt động của các loại đối tượng hình sự, ma túy, các đối tượng phản động, cơ hội chính trị… Phát huy vai trò của quần chúng trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, không để xảy ra tình huống đột xuất, bất ngờ và có phương án cụ thể để xử lý tình huống nếu xảy ra. Đảm bảo cuộc bầu cử diễn ra đúng luật và an toàn.

PV: Xin cảm ơn bà đã dành cho phóng viên cuộc trao đổi này!

Phong Cảnh
.
.
.