Yêu cầu báo cáo vụ thanh tra viên phản đối… kết luận thanh tra
Theo đó, Thanh tra Chính phủ nêu việc các cơ quan báo chí phản ảnh thông tin thanh tra viên Lê Đức Toàn (thuộc Thanh tra tỉnh Cà Mau) có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng kết luận thanh tra (KLTT) số 03/KL-TT, gày 25/5/2020 của Thanh tra tỉnh Cà Mau không đúng thực tế khách quan, có dấu hiệu lợi ích nhóm, vi phạm pháp luật.
Từ đó, Thanh tra Chính phủ đề nghị Chánh thanh tra tỉnh Cà Mau báo cáo về vụ việc và nêu các tài liệu cần gửi, gồm: Báo cáo kết quả thanh tra của Đoàn thanh tra; biên bản làm việc của Đoàn thanh tra với các đơn vị liên quan đến nội dung báo chí đã nêu và báo cáo kết quả kiểm tra của ông Lê Đức Toàn, thành viên Đoàn thanh tra…
Trước đó, ngày 9/7, Văn phòng UBND tỉnh Cà Mau có văn bản truyền đạt ý kiến của Chủ tịch UBND tỉnh, giao Chánh Thanh tra tỉnh Cà Mau nghiên cứu nội dung báo cáo của ông Lê Đức Toàn, thanh tra viên thuộc Thanh tra tỉnh Cà Mau (thành viên Đoàn thanh tra số 74) kiểm tra rà soát lại nội dung, trình tự, thủ tục tiến hành 1 đoàn thanh tra, trên cơ sở đối chiếu với quy định của pháp luật, xem xét theo thẩm quyền, đúng quy định của pháp luật.
Được biết, ông Toàn có báo cáo gửi Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau, cho rằng Đoàn thanh tra số 74 của Thanh tra tỉnh Cà Mau (thanh tra về quản lý, sử dụng quỹ BHYT, mua sắm trang thiết bị và vật tư y tế, đấu thầu thuốc chữa bệnh trên địa bàn tỉnh Cà Mau giai đoạn từ tháng 1-2014 – 9-2019) có nhiều vi phạm trong quá trình thanh tra. Từ đó dẫn đến KLTT số 03/KL-TT ngày 25/5/2020 không đúng với thực tế khách quan, có dấu hiệu vi phạm pháp luật.
Theo báo cáo của ông Toàn, KLTT số 03/KL-TT xác định Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Cà Mau sai phạm, phải thu hồi số tiền 628 triệu đồng và kiểm điểm, rút kinh nghiệm một số cá nhân liên quan. Tuy nhiên, quá trình thanh tra tại đây, ông Toàn phát hiện số tiền sai phạm lên đến hàng chục tỉ đồng. Theo ông Toàn, BVĐK tỉnh Cà Mau đã không thực hiện đúng Thông tư 15/2007/TT-BYT của Bộ Y tế trong việc xác định giá trị tài sản liên doanh liên kết.
Căn cứ vào hồ sơ tiếp cận để thanh tra, ông Toàn xác định số máy lọc thận, máy CT-Scan... trong 3 đề án bị nâng khống hơn 7 tỉ đồng. Vấn đề thứ hai là BVĐK tỉnh Cà Mau áp dụng mức thu viện phí, chi phí người bệnh trái quy định, khiến bệnh nhân mất oan 11,9 tỉ đồng từ 2014 đến nay.
Ông Toàn cũng cho rằng có lợi ích nhóm trong quá trình cung cấp hóa chất, vật tư y tế ở BVĐK tỉnh Cà Mau. Cụ thể, nhà đầu tư lắp đặt máy lọc thận và độc quyền cung cấp hóa chất, vật tư y tế... không thông qua đấu thầu, với tổng số tiền thanh toán cho nhà đầu tư lên đến hơn 23 tỉ đồng.
Trong đó có 2 mặt hàng thuốc Nacl 0,9% 500 ml và Heparin không nằm trong danh mục đấu thầu tập trung của Sở Y tế và cũng không nằm trong danh mục thuốc đấu thầu của BV, nhưng BV đã mua đưa vào sử dụng cho bệnh nhân với số tiền hơn 4 tỉ đồng. Ông Toàn cũng báo cáo việc có dấu hiệu thông thầu, lợi ích nhóm trong quá trình đấu thầu dịch lọc thận.
Trong năm 2017, nhiều tháng liền, BVĐK tỉnh Cà Mau bỏ ngoài sổ sách kế toán những khoản doanh thu từ hệ thống máy X-quang, máy lọc thận, máy siêu âm. Từ đó, ông Toàn kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau cho đối chất với Đoàn thanh tra 74, chuyển một số vụ việc sang cơ quan điều tra để làm rõ dấu hiệu vi phạm hình sự.