Xử phạt là giải pháp tác động nhất trong giảm TNGT
Ngày 8-5, tiếp tục Phiên họp toàn thể lần thứ 14, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) đã tiến hành thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả nhiệm vụ bảo đảm trật tự an toàn giao thông (TTATGT) năm 2018 và triển khai nhiệm vụ bảo đảm TTATGT những tháng đầu năm 2019.
- Xử lý trách nhiệm người đứng đầu để lấn chiếm lòng, lề đường dẫn đến TNGT
- Ước mơ chưa thành của con nạn nhân trong vụ TNGT ở hầm Kim Liên
- TNGT trong 5 ngày lễ cướp đi sinh mạng của 96 người
- Nguy cơ TNGT khi đỗ, chạy xe vào làn dừng khẩn cấp đường cao tốc sai quy định
Tai nạn giao thông giảm sâu ở cả 3 tiêu chí
Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì Phiên họp.
Trình bày báo cáo tổng hợp, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG) Khuất Việt Hùng cho biết, năm 2018, tai nạn giao thông giảm (TNGT) cả 3 tiêu chí; 4 tháng đầu năm 2019 các tiêu chí giảm sâu nhất trong nhiều năm, cụ thể giảm 567 vụ, giảm 218 người chết, giảm 457 người bị thương.
Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG Khuất Việt Hùng trình bày báo cáo |
Đặc biệt, việc Bộ Công an ra quân thực hiện cao điểm kiểm tra, xử lý vi phạm về ma túy, nồng độ cồn đối với lái xe kinh doanh vận tải, xử lý vi phạm về mũ bảo hiểm đối với người đi mô tô, xe máy góp phần quan trọng trong việc nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của người dân. Ngành giao thông vận tải cả nước thực hiện nghiêm việc chỉ đạo về chấn chỉnh kết cấu hạ tầng, xử lý “điểm đen” TNGT, siết chặt quản lý và nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải…
Phó Chủ nhiệm UBQPAN Trần Ngọc Khánh khẳng định, UBQPAN cơ bản tán thành với những nội dung và đánh giá trong báo cáo, trong những tháng cuối năm 2018 và đầu năm 2019 công tác thanh tra, tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm về TTATGT được tăng cường và có sự phối hợp chặt chẽ hơn.
Riêng lực lượng CSGT đã triển khai nhiều giải pháp, nắm chức tình hình ở các tuyến, địa bàn trọng điểm, huy động tối đa lực lượng, phương tiện kỹ thuật tăng cường tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm. Đặc biệt thường xuyên kiểm tra việc đào tạo, sát hạch, cấp bằng lái xe; tổng kiểm soát phương tiện xử lý các trường hợp về ma tuý, nồng độ cồn…
Phó Chủ nhiệm UBQPAN Trần Ngọc Khánh đọc báo cáo thẩm tra |
Tuy nhiên, tình trạng “xe dù, bến cóc”, xe hợp đồng trá hình đón, trả khách không đúng nơi quy định vẫn còn tồn tại và có xu hướng gia tăng. Chất lượng công tác đào tạo cấp giấy phép lái xe (GPLX), quản lý người đăng kiểm phương tiện chưa đáp ứng yêu cầu. TNGT dù giảm cả về 3 tiêu chí nhưng vẫn còn ở mức cao, chưa đạt tiêu chí về giảm số người chết theo kế hoạch năm an toàn giao thông đã đề ra…
Nguyên nhân gây tai nạn do người điều khiển phương tiện là chủ yếu
Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu đã hiến kế để góp phần ổn định tình hình TTATGT, tìm ra các nguyên nhân, giải pháp giảm ùn tắc giao thông, cũng như giảm thiểu TNGT. Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Uỷ viên Thường trực UBQPAN cho rằng, báo cáo tổng hợp của UBATGTQG chưa phản ánh được tổng thể tình hình TTATGT thời gian qua.
Ông đề nghị Bộ Công an khắc phục tình trạng mãi lộ, không minh bạch của một số chốt CSGT bởi trong khi lực lượng CAND nói chung đã lao tâm khổ tứ để đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội… thì một số cán bộ yếu kém về nghiệp vụ, thiếu minh bạch của lực lượng CSGT đã “làm xoá nhoà thành tích của các lực lượng khác”.
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ phát biểu tại phiên họp |
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, Uỷ viên Thường trực UBQPAN băn khoăn việc giao chỉ tiêu làm giảm TNGT có thực chất, khoa học và có bệnh thành tích trong đó không? Đối với TNGT trách nhiệm thuộc về ai, đề nghị đánh giá hiệu quả của mức xử phạt vi phạm ở các đô thị? Ông cũng đề nghị Bộ Công an phải đổi mới hoạt động của lực lượng CSGT, tăng cường việc kết nối, chia sẻ dữ liệu với các bộ ngành liên quan bởi đây cũng là sơ hở, tạo điều kiện cho “tham nhũng vặt”.
Đại tá Đỗ Thanh Bình, Phó Cục trưởng Cục CSGT đã thừa uỷ quyền của lãnh đạo Bộ Công an giải trình thêm một số vấn đề mà báo cáo và các đại biểu nêu, khẳng định qua phân tích nguyên nhân xảy ra TNGT đường bộ 4 tháng đầu năm 2019 thì nguyên nhân chủ quan của người điều khiển phương tiện là phổ biến, trong đó 23,58% vi phạm về phần đường, làn đường; 8,36% vi phạm tốc độ; 8,68% do chuyển hướng không chú ý; 5,8% do không nhường đường…
Trong 3 yếu tố cấu thành giao thông: Hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông và con người điều khiển và tham gia giao thông thì vấn đề con người đang nổi cộm và cần được quan tâm đầu tiên, từ đào tạo để người tham gia giao thông nắm vững kiến thức, có GPLX, và phải sát hạch chặt xem số người đỗ trong thực tế lái xe như thế nào…
Đại tá Đỗ Thanh Bình phát biểu giải trình tại phiên họp |
Phó Cục trưởng Cục CSGT thông tin, riêng 2018 lực lượng CSGT cả nước xử phạt 4,1 triệu trường hợp vi phạm về giao thông, tức trung bình mỗi ngày có hơn 11.000 trường hợp vi phạm. Do đó, trong các giải pháp nhằm giảm TNGT thì việc xử phạt của CSGT là có tác động nhất.
“CSGT gần như chỉ làm phần ngọn, khi người dân không chấp hành thì CSGT mới phát hiện, xử lý. Nếu nói về trách nhiệm vào cuộc tham gia xử lý, xử phạt để giảm TNGT theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ thì chúng tôi đã làm rất nghiêm túc. Chúng tôi cũng xin tiếp nhận một số hạn chế như các đại biểu đã nêu”, Đại tá Đỗ Thanh Bình lý giải.
Đề nghị có Luật TTATGT
Theo ông, lực lượng CSGT sẽ chú trọng nhiều vấn đề về tổ chức giao thông, quan tâm công tác tổ chức cán bộ, bảo vệ lực lượng… Song cũng cần nhìn nhận, việc quản lý về xã hội đối với người điều khiển giao thông của ta so với các nước chưa đáp ứng được yêu cầu. Chẳng hạn mỗi năm tước hàng nghìn GPLX nhưng số GPLX bị tước này hết 1 năm lại trả lại theo quy định.
Về phòng ngừa, Đại tá Đỗ Thanh Bình cho hay, Bộ trưởng Bộ Công an đã ký Quyết định thành lập Ban nghiên cứu xây dựng đề án ứng dụng công nghệ thông tin của lực lượng CSGT. Đề án phấn đấu những tuyến đường chính, quốc lộ chính sẽ là hệ thống giám sát thay cho con người phát hiện vi phạm. Còn cán bộ khi thực thi nhiệm vụ sẽ tiến tới trang bị camera cá nhân và camera của phương tiện tuần tra kiểm soát có kết nối với trung tâm để đảm bảo quản lý và xử lý các tình huống xảy ra như TNGT hay chống người thi hành công vụ.
Chủ nhiệm UBQPAN Võ Trọng Việt phát biểu tại phiên họp |
“Chúng tôi nhận thức rất rõ việc giám sát đối với CSGT cũng như cơ quan thực thi quyền lực Nhà nước trong lĩnh vực này là Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức nhưng chưa rõ ranh giới giữa giám sát với cản trở công việc của CSGT. Chúng tôi sẽ đề nghị có Luật TTATGT. Luật này quy định toàn bộ các quy tắc, chế tài xử phạt về TTATGT và thẩm quyền của các cơ quan chức năng…”, ông chia sẻ.
Phó Cục trưởng Cục CSGT cho rằng, khi sửa Luật giao thông đường bộ năm 2008 sẽ tham mưu cho Bộ Công an và Chính phủ trình Quốc hội dự thảo Luật TTATGT để tương thích với tình hình chung, trên cơ sở đó tiếp thu kinh nghiệm của các nước trên thế giới.
“Ví dụ luật các nước có trừ điểm bằng, đối với những hành vi chưa đến mức xử lý hình sự thì trừ điểm bằng để đánh thức ý thức tham gia giao thông, để người tham gia giao thông tự hạn chế quyền của mình. Chúng tôi tha thiết đề nghị có Luật TTATGT trong đó vấn đề an toàn đưa lên hàng đầu” – Đại tá Đỗ Thanh Bình nhấn mạnh, đồng thời khẳng định các chế tài đưa ra cần rõ ràng, có đánh giá tác đồng nhưng cũng cần đi kèm với quá trình thực thi và gắn với phát triển chung của xã hội.