Xử lý vụ Formosa: Không thể “hoà cả làng”

Thứ Hai, 25/07/2016, 14:11
“Xử lý Formosa không thể “hoà cả làng” được, vì sau Formosa sẽ còn nhiều vụ khác, tình trạng ô nhiễm môi trường đâu chỉ của riêng Formosa mà còn đang tiềm tàng ở nhiều nơi, ở nhiều cơ sở khác, kể cả cơ sở của doanh nghiệp trong nước, đại biểu Dương Trung Quốc nói.


Trong ngày 24-7 và sáng nay, 25-7, ông Võ Kim Cự, Chủ tịch Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh đã có trả lời phỏng vấn báo chí những vấn đề liên quan đến Formosa. Tuy nhiên câu trả lời của ông Cự dường như chưa làm hài lòng bạn đọc. 

Bên hành lang kỳ họp thứ nhất Quốc hội khoá XIV, phóng viên đã có cuộc trao đổi với đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc (đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Nai) xung quanh vấn đề này.

Đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc

PV: Ông Võ Kim Cự cho biết, việc cấp phép cho Formosa trong 70 năm là đúng quy trình. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Lại lập lại một điệp khúc là quy trình bao giờ cũng đúng nhưng kết quả lại không đúng. Vậy vấn đề chính là ở đây, quy trình có nghĩa là gì? Tôi hiểu cấp phép 70 năm không phải là vấn đề của cấp địa phương, cho dù cấp địa phương có vai trò rất quan trọng. Cho nên cần phải rà soát đến cùng.

Đương nhiên chúng ta phải nâng cao chế tài đối với người làm sai, nhưng câu chuyện Formosa cảnh tỉnh cho chúng ta một điều. Đó là “tiên trách kỷ hậu trách nhân”, phải xem xét lại tất cả những gì chúng ta đã làm. Bởi vì họ là người bên ngoài vào, họ luôn tìm kiếm lợi nhuận, luôn tìm kẽ hở của chúng ta để làm sao họ đạt được hiệu quả kinh tế. Còn nếu chúng ta buông lỏng, thậm chí chúng ta tiếp tay thì thiệt hại rõ ràng thuộc về phía chúng ta.

Quốc hội cũng cần xem xét lại quy trình có đúng không, tại sao Chính phủ lại tán đồng, công tác giám sát của Quốc hội như thế nào, vai trò Đoàn đại biểu Quốc hội ra sao? Bản thân các Uỷ ban có liên quan trực tiếp ở đâu? Đây là cơ hội để rà soát lại tất cả. Còn cá nhân ông Cự, tất cả những điều ông phát biểu sẽ được thẩm định lại, trách nhiệm đến đâu và xử lý cho nghiêm.

PV: Ông Cự cũng cho rằng, việc đánh giá tác động môi trường là trách nhiệm của Bộ Tài nguyên và Môi trường?

Chắc chắn khi xảy ra chuyện này sẽ có sự đùn đẩy. Và chính vì thế mà Quốc hội phải giám sát bộ máy của mình, từ chính quyền địa phương đến Trung ương. Tôi nghĩ chắc vụ này không thể “hoà cả làng” được, vì sau Formosa sẽ còn nhiều vụ khác, tình trạng ô nhiễm môi trường đâu chỉ của riêng Formosa mà còn đang tiềm tàng ở nhiều nơi, ở nhiều cơ sở khác, kể cả cơ sở của doanh nghiệp trong nước.

PV: Bạn đọc đánh giá phần trả lời của ông Cự chưa thoả đáng, không chỉ trên cương vị người cấp phép, người quản lý, kiểm soát chung dự án đó, mà còn trên vai trò đại biểu Quốc hội?

Trong Quốc hội có nhiều thành phần vừa là đại biểu Quốc hội, vừa đại diện lãnh đạo các cơ quan hành pháp, có nghĩa “vừa đá bóng vừa thổi còi”. Nếu họ không tôn trọng ý kiến người dân thì rất khó. Ở địa phương có rất nhiều vấn đề, kể cả tính cả nể, rồi cơ chế khiến đại biểu Quốc hội khó phát huy hết vai trò của mình. Khi sự việc xảy ra, ông Cự vừa là Bí thư, vừa là Chủ tịch, vừa là Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hà Tĩnh, thế thì làm sao có thể giám sát được.

PV: Theo ông, có cần thiết phải xác định rõ trách nhiệm của địa phương hay không?

Thực tế luật đã xác định rõ rồi nhưng cái chính là vai trò của chính quyền địa phương chưa rõ. Lấy ví dụ như vấn đề phân cấp quản lý là cần thiết, nhưng phân cấp đến mức độ nào? Như phát biểu đồng chí Bí thư tỉnh xin cấp phép nhà máy giấy vừa rồi, cứ nói rằng địa phương làm hết nhưng trình độ có thế thôi. Địa phương “đá quả bóng” lên cho Bộ Tài nguyên – Môi trường, cho Trung ương. Đó là sự đùn đẩy trách nhiệm. 

Trong khi lúc đề xuất lên ai cũng chú trọng lợi thế về mình cả, lúc nào cũng địa phương thu hút GDP cao, giải quyết nhiều vấn đề… Nhưng khi xảy ra hệ luỵ lại đùn đẩy cho người khác. Sự việc không phải chỉ riêng ở Formosa. Đây là lúc mà Quốc hội phải rà soát lại, phải thay đổi, đúng như tinh thần của Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân đã phát biểu hôm khai mạc…

PV: Xin cảm ơn đại biểu!

An Quỳnh
.
.
.