Xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn phòng, chống dịch

Chủ Nhật, 11/07/2021, 14:29
Đây là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam tại cuộc họp trực tuyến với lãnh đạo TP Hồ Chí Minh về tình hình dịch bệnh trên địa bàn và công tác triển khai tăng cường, siết chặt các biện pháp phòng chống COVID-19 ngày 11/7.


Báo cáo với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Nguyễn Thành Phong cho biết, từ 6 giờ ngày 10/7 đến 6 giờ ngày 11/7, thành phố ghi nhận 1.403 trường hợp dương tính SARS-CoV-2, phần lớn là khu vực cách ly, khu vực phong tỏa; 172 trường hợp tầm soát, sàng lọc tại bệnh viện và 272 trường hợp đang điều tra bổ sung thông tin.

Hiện TP Hồ Chí Minh đang điều trị 11.308 trường hợp dương tính mới, có 178 ca đang thở máy (8 ca cần can thiệp ECMO). Trong ngày 10/7, có thêm 49 trường hợp khỏi bệnh. Như vậy, trong đợt dịch thứ 4 bắt đầu từ ngày 27/4 đến nay, thành phố đã có hơn 12.000 trường hợp mắc COVID-19.

Để tăng cường và siết chặt các biện pháp phòng chống dịch COVID-19, TP Hồ Chí Minh đã chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh tuyên truyền việc thực hiện giãn cách xã hội theo nội dung Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ; đồng thời tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định phòng chống dịch của người dân. Thành phố cũng đã triển khai đồng bộ các biện pháp trong cách ly, xét nghiệm và điều trị. 

BS tại TP Hồ Chí Minh đang tích cực điều trị cho các bệnh nhân COVID-19.

Về công tác xét nghiệm, UBND thành phố giao mỗi quận, huyện và TP Thủ Đức phải có kế hoạch xét nghiệm cụ thể, hợp lý, theo nguyên tắc “Rõ - Nghiêm - Nhanh - Hiệu quả” và ưu tiên xét nghiệm ở các nơi có nguy cơ rất cao, nguy cơ cao.

Về công tác chăm lo các đối tượng chính sách, người lao động gặp khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19 trên địa bàn, thành phố thực hiện theo Nghị quyết của HĐND thành phố khoảng 886 tỷ đồng. Từ ngày 6/7 đến nay, thành phố đã chi 70 tỷ đồng để chăm lo cho 45.000 đối tượng.

Hiện nay, các quận, huyện và TP Thủ Đức đã chủ động ứng ngân sách địa phương để giải quyết kịp thời cho những người lao động mất việc, lao động tự do, người kinh doanh nhỏ lẻ và người có hoàn cảnh khó khăn. Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã vận động các mạnh thường quân, các tổ chức, doanh nghiệp đóng góp chăm lo cho các đối tượng khó khăn.

Để đảm bảo hàng hóa cung cấp cho người dân trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16, thành phố đã chính thức cho hoạt động trở lại “Siêu thị mini 0 đồng” với quy mô 10 siêu thị/ngày. Đồng thời, mô hình “Chợ nghĩa tình” do các thầy cô giáo và Đoàn Thanh niên tổ chức triển khai đồng loạt trên 22 quận, huyện, TP Thủ Đức; các bếp ăn nghĩa tình, các hoạt động từ thiện,… cũng được thành phố tạo điều kiện hoạt động đảm bảo an toàn phòng chống dịch để kịp thời đem thực phẩm về với người nghèo. Đặc biệt, thành phố đẩy mạnh hoạt động bán hàng bình ổn lưu động, nhằm đảm bảo cung ứng đủ hàng hóa thiết yếu với giá cả ổn định cho người dân trên mọi địa bàn.

CSGT kiểm tra phương tiện vào TP Hồ Chí Minh trong thời gian thực hiện Chỉ thị 16 trên quốc lộ 13.

Đối với công tác phân luồng giao thông ở 12 chốt chính tại cửa ngõ vào/ra thành phố và 266 chốt cấp quận huyện, tạo điều kiện thuận lợi cho các phương tiện vận chuyển hàng hóa thiết yếu được lưu thông nhanh chóng. Tình hình giao thông tại các chốt kiểm định dần ổn định, lượng phương tiện giao thông giảm 20-25% so với ngày đầu thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16 (ngày 9/7). Tại các cửa ngõ thành phố, hiện tượng ùn ứ và lượng xe cũng đã giảm hẳn so với 2 ngày đầu.

Tính từ ngày đầu thực hiện Chỉ thị 16 trên toàn thành phố đến nay, cơ quan chức năng đã kiểm tra lập biên bản xử lý 203 trường hợp với tổng số tiền xử phạt hơn 841 triệu đồng. Các hành vi vi phạm chủ yếu gồm tập trung đông người nơi công cộng, ra khỏi nhà khi không thật sự cần thiết, kinh doanh các mặt hàng đã bị tạm dừng.

Chỉ đạo tại cuộc họp, Phó thủ tướng Vũ Đức Đam lưu ý công tác xét nghiệm phải đẩy nhanh hơn, tận dụng triệt để các thiết bị xét nghiệm, phải lường trước các điểm có tỉ lệ F0 cao để có phương án hướng dẫn kịp thời. Bộ phận chuyên môn tại TP Hồ Chí Minh làm việc với Bộ Y tế để xem xét, điều chỉnh thời gian điều trị F0 tại các bệnh viện dã chiến phù hợp. Hiện nay, thành phố đã triển khai thí điểm cách ly F1 tại nhà, điều quan trọng khi thực hiện phương án này là phải làm sát với thực tiễn, kịp thời hướng dẫn các biện pháp để người dân an tâm.

Phó Thủ tướng cũng đồng tình với phương án rà roát toàn bộ danh sách công nhân để nắm bắt được tình hình sức khoẻ tổng thể và định kỳ xét nghiệm COVID-19 cho công nhân, đồng thời kích hoạt lại Bộ tiêu chí an toàn COVID-19 trong sản xuất tại tất cả các đơn vị.

Về chăm lo đời sống của người dân, Phó Thủ tướng lưu ý các địa điểm, khu vực, kênh phân phối hàng hoá để thông tin kịp thời cho người dân và phát động các chương trình thiện nguyện. Tuy nhiên, cần xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm an toàn phòng, chống dịch.

Đối với vaccine ngừa COVID-19, Phó Thủ tướng cho biết Trung ương vẫn tiếp tục ưu tiên vaccine cho TP Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, vaccine cần có thời gian để phát huy hiệu quả. Vì vậy, ưu tiên lớn nhất trong thời gian này là giữ khoảng cách giữa người với người, nhà với nhà… Việc tiêm vaccine vẫn tiến hành theo kế hoạch nhưng tuyệt đối không chạy theo tiến độ, thành tích. Cần có kế hoạch cho nhân dân đăng kí tiêm qua mạng, lên lịch chi tiết các đối tượng, thời gian, địa điểm tiêm. Tuyệt đối giữ an toàn trong quá trình tiêm, không cấp tập tiêm trong vài ngày, tránh tình trạng tập trung đông đúc.

Bên cạnh đó, cần đặc biệt ưu tiên phòng dịch, phân ca, kíp đối với lực lượng xử lý rác thải, vệ sinh môi trường. Trong lực lượng này phải có một nhóm chuyên xử lý rác thải y tế với quy trình nghiêm ngặt.

Để đảm bảo đủ cho nhu cầu phòng chống dịch và giảm bớt gánh lo cho cơ sở y tế tuyến dưới, thành phố cần thực hiện nhanh các biện pháp để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế, kịp thời phân phối về các cơ sở.

Đối với công tác chấm thi THPT tại TP Hồ Chí Minh, Phó Thủ tướng đề nghị thành phố không áp lực về thời gian, phải tuyệt đối đảm bảo an toàn với dịch bệnh, không để một giáo viên nào trong khu chấm thi nhiễm COVID-19.

Nguyễn Cảnh
.
.
.