Xử lý hình sự về an toàn thực phẩm: Luật nghiêm nhưng khó ở khâu thực hiện
- Thanh tra an toàn thực phẩm cần phải thực tế hơn
- An toàn thực phẩm đang ở mức báo động
- Phát hiện hơn 11.500 cơ sở vi phạm an toàn thực phẩm
Chiều nay, 20-4, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) thảo luận, cho ý kiến về báo cáo kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về an toàn thực phẩm (ATTP) giai đoạn 2011-2016”.
Thảo luận tại phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nêu ra con số trong báo cáo: Theo thống kê của Công an các đơn vị, địa phương trong thời gian từ 2011-2016, số vụ chuyển qua hình sự là trên 300 vụ nhưng Cơ quan điều tra các cấp trong CAND chỉ khởi tố 1 vụ, 3 bị can về tội vi phạm quy định về VSATTP (Điều 244 BLHS năm 1999 được sửa đổi, bổ sung năm 2009). Lý do tại sao lại như vậy trong khi tình trạng VSATTP rất nghiêm trọng, phổ biến? Chúng ta cũng nói pháp luật hiện hành chế tài quy định chưa nghiêm, tại sao vậy?
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga |
Chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Lê Thị Nga thì cho rằng, về cơ bản, hành lang pháp lý của chúng ta không phải là thiếu. Nhóm điều xử lý hình sự trong BLHS năm 1999 xử lý được rất nhiều tội. Riêng đối với tội vi phạm quy định về VSATTP báo cáo nói còn nhẹ và chưa đủ sức răn đe là chưa đúng. Điều 244 hình phạt thấp nhất là 1 năm tù, hình phạt cao nhất là 15 năm tù. Điều 157 về sản xuất hàng giả là lương thực thực phẩm, thuốc chữa bệnh… thì khoản cao nhất là 20 năm, chung thân hoặc tử hình.
“Nếu Chính phủ đánh giá BLHS xử lý hành vi này nhẹ thì chưa đúng, vấn đề là tổ chức thực hiện như thế nào”, bà nói.
Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển, các vụ vi phạm VSATTP khi gây ảnh hưởng đến tính mạng, sức khoẻ thì xử lý như thế nào? “Nếu chết người thì rõ ràng rồi, nhưng nếu nói ảnh hưởng sức khoẻ thì bao nhiêu phần trăm là xử lý? Chúng ta quy định như thế thì rất nghiêm khắc nhưng chả xử được ai. Rất khó cho Cơ quan điều tra và cơ quan bảo vệ pháp luật” – Phó Chủ tịch Quốc hội nhận định.
Phát biểu tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Công an Lê Quý Vương cho biết, để phục vụ đoàn giám sát, Bộ Công an ngày 21-12-2016 đã có Báo cáo số 3126 gửi Văn phòng Quốc hội và Thường trực đoàn giám sát (Bộ Y tế) để thống kê báo cáo về vấn đề liên quan đến VSATTP và nội dung xử lý hành chính, xử lý hình sự các tội liên quan đến VSATTP.
Theo đó, trong 5 năm Ngành Công an đã phát hiện 13.296 vụ việc vi phạm pháp luật về ATTP, trực tiếp xử lý 8.276 vụ, xử phạt hành chính gần 65 tỷ đồng, chuyển cơ quan khác xử lý 5.020 vụ.
Thứ trưởng Lê Quý Vương |
“Để dẫn giải ý kiến các đồng chí nêu, tôi cho rằng số liệu chúng ta bắt giữ phạm pháp quả tang về vi phạm hành chính thì nhiều nhưng xử lý hình sự ít. Trong báo cáo của Bộ Công an cũng không có từ nào ghi là chuyển 300 vụ để xử lý hình sự và chỉ khởi tố 1 vụ. Các đồng chí nói chỉ có 1 vụ nhưng thực tế là 91 vụ, trong đó có 1 vụ liên quan đến Điều 244 BLHS về việc sản xuất rượu gây ra ngộ độc làm chết 4 người; khởi tố 3 người, đây là tội duy nhất liên quan đến VSATTP. Còn lại 90 vụ truy tố là có liên quan đến VSATTP”– Thứ trưởng khẳng định.
Giải thích về việc tại sao vấn đề xử lý hình sự chưa đạt, Thứ trưởng Lê Quý Vương cho rằng, quy định hình phạt tại Điều 244 không phải là nhẹ, là không nghiêm nhưng quan trọng khó nhất là việc thực hiện.
Thứ trưởng phân tích: “BLHS năm 1999 quy định tội vi phạm các quy định về VSATTP nhưng tình tiết gây thiệt hại nghiêm trọng, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì chưa được cụ thể vào, do đó việc điều tra, thu thập tài liệu, chứng cứ ban đầu để xử lý hết sức khó khăn. Tới đây theo BLHS năm 2015 thì sẽ cụ thể và thực hiện được. Cái khó thứ hai là đối với hành vi vi phạm quy định VSATTTP gây ra hậu quả nhưng đồng thời quy định phải giám định chất đó, nếu gây chết người thì phải giám định nguyên nhân có phải do thức ăn gây ngộ độc không. Vì bình thường hậu quả có khi không xảy ra ngay mà tích tụ mấy ngày mới có phản ứng…”
Thứ trưởng Lê Quý Vương đề nghị cần có danh mục sử dụng chất cấm để giải quyết thấu đáo vấn đề xử lý quy định VSATTP. Ví dụ Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có danh mục chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật sử dụng trong chăn nuôi thì rất rõ ràng, xử lý và xem xét trách nhiệm dễ.
Chia sẻ với ý kiến của Thứ trưởng Lê Quý Vương về những khó khăn trong công tác giám định, Chủ nhiệm các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thuý Anh cho rằng, theo bà được biết thì ngay cả Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai cũng không có thiết bị để xác định các vụ việc vi phạm VSATTP có phải do ngộ độc thực phẩm hay không. “Liên quan đến thiết bị chúng ta không có nên rất khó khăn”, đại biểu nêu.