Xây dựng Luật Cảnh sát biển đáp ứng yêu cầu bảo vệ biển đảo trong thời kỳ mới

Thứ Ba, 10/04/2018, 10:54
Theo tờ trình của Chính phủ về Dự án Luật Cảnh sát biển do Thượng tướng Lê Chiêm, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng trình bày cho biết, sau khi Việt Nam trở thành thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, ngày 28-3-1998, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam (Pháp lệnh).

Theo đó, Cảnh sát biển Việt Nam là lực lượng chuyên trách Nhà nước thực hiện chức năng quản lý an ninh, trật tự, an toàn và bảo đảm chấp hành pháp luật Việt Nam, các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên trên các vùng biển, thềm lục địa Việt Nam.

Qua 19 năm thực hiện Pháp lệnh (sửa đổi, bổ sung một lần năm 2008), Cảnh sát biển Việt Nam đã có những đóng góp không nhỏ trong bảo vệ lợi ích quốc gia, dân tộc; bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán; bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trên biển; góp phần thể hiện hình ảnh Việt Nam là quốc gia ven biển, thành viên Công ước của Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982, có trách nhiệm giữ gìn an ninh, hòa bình quốc tế; mong muốn giải quyết các tranh chấp trên biển một cách hữu nghị, hòa bình, trên cơ sở tôn trọng pháp luật quốc tế.

Ảnh minh họa.

Thượng tướng Lê Chiêm cho rằng, văn bản có hiệu lực pháp lý cao nhất về Cảnh sát biển Việt Nam hiện nay mới là Pháp lệnh nên hiệu lực thi hành chưa cao, chưa tương xứng với vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới. Bên cạnh đó, Pháp lệnh đã bộc lộ một số bất cập, hạn chế cần khắc phục để phù hợp với quy định của Hiến pháp và đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật. Do vậy, việc xây dựng Luật Cảnh sát biển Việt Nam là cấp bách và cần thiết.

Luật Cảnh sát biển nhằm hoàn thiện pháp luật, nâng cao hiệu quả quản lý, bảo vệ biển đảo; xây dựng lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại, là lực lượng chủ trì thực thi pháp luật trên biển. Bảo đảm tuân thủ quy định của Hiến pháp năm 2013, hệ thống pháp luật Việt Nam; phù hợp với pháp luật quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. Phát huy được sức mạnh tổng hợp trong bảo vệ chủ quyền, an ninh quốc gia; giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trong vùng biển Việt Nam.  

Khắc phục những khó khăn, bất cập của pháp luật hiện hành về lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam và thực tiễn yêu cầu quản lý, bảo vệ biển Việt Nam hiện nay.  Dự thảo Luật quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam. Đồng thời, cũng quy định rõ trách nhiệm phối hợp trong các lĩnh vực cụ thể và từng bộ, ngành nhằm tránh chồng chéo hoặc bỏ trống địa bàn; bỏ trống lĩnh vực cần quản lý.

Để đảm bảo an ninh, an toàn cho tàu thuyền Việt Nam hoạt động ở vùng biển quốc tế, vùng biển nước ngoài; để đáp ứng nhu cầu tăng cường hoạt động hợp tác quốc tế của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng thực thi pháp luật trên biển của các quốc gia trong khu vực và thế giới, đấu tranh có hiệu quả với các vi phạm, tội phạm xuyên quốc gia, vi phạm an ninh phi truyền thống, việc quy định trong Luật về phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam được hoạt động ở vùng biển quốc tế, vùng biển nước ngoài là cần thiết và phù hợp với diễn biến thực tiễn trong tình hình hiện nay.

Luật Cảnh sát biển đáp ứng xu thế chung của thế giới về xây dựng lực lượng thực thi pháp luật trên biển có tính dân sự cao, đảm bảo Cảnh sát biển Việt Nam vẫn là lực lượng vũ trang thuộc Bộ Quốc phòng; đồng thời, đảm bảo tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam và nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung được nguồn lực xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam hiện đại, đáp ứng được yêu cầu quản lý, bảo vệ biển đảo Việt Nam trong tình hình mới.

Việc quy định rõ vai trò quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam trong Luật có ý nghĩa to lớn đối với sự phát triển của lực lượng. Việc quy định Chính phủ thống nhất quản lý nhà nước và Bộ trưởng Bộ Quốc phòng với tư cách thành viên Chính phủ chịu trách nhiệm quản lý nhà nước đối với Cảnh sát biển Việt Nam là cần thiết, phù hợp với Luật Tổ chức Chính phủ 2015 (Điều 33) và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Hơn nữa, để bộ máy quản lý nhà nước vận hành nhịp nhàng, thống nhất và hiệu quả, đòi hỏi trách nhiệm của các Bộ quản lý ngành, lĩnh vực thực hiện phối hợp quản lý nhà nước nhằm xây dựng và hỗ trợ Cảnh sát biển Việt Nam thực hiện chức năng, nhiệm vụ. Vì vậy, cần thiết phải có những quy định về nguyên tắc, mối quan hệ chỉ đạo các lực lượng thuộc quyền phối hợp với Cảnh sát biển Việt Nam trong thực hiện quản lý, bảo vệ biển, đảo.

Dự thảo Luật Cảnh sát biển Việt Nam gồm 8 Chương, 49 Điều.

Nhất trí với sự cần thiết ban hành luật, trình bày báo cáo thẩm tra dự án luật, Thượng tướng Võ Trọng Việt – Chủ nhiệm Uỷ ban Quốc phòng – an ninh của Quốc hội cho biết, việc ban hành Luật Cảnh sát biển Việt Nam cần quán triệt và thể chế hóa đầy đủ mục tiêu, chính sách của Đảng về định hướng chiến lược biển đến năm 2020, Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng chiến lược quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển.

Uỷ ban Quốc phòng – An ninh cũng cho rằng, dự thảo Luật quy định Cảnh sát biển là lực lượng vũ trang nhân dân là kế thừa Pháp lệnh hiện hành. Tuy nhiên, để phù hợp với quy định của Hiến pháp và Luật Quốc phòng,

nhất là trong tình hình hiện nay, đề nghị Ban soạn thảo thể hiện rõ hơn địa vị pháp lý của lực lượng này. “Nghiên cứu phân định rõ vị trí, chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam với các lực lượng khác trên biển, tránh chồng chéo, xung đột, mâu thuẫn về chức năng, nhiệm vụ hoặc “khoảng trống” về trách nhiệm trên biển” – Thượng tướng Võ Trọng Việt nói.

Ngoài ra, mỗi lực lượng chuyên trách hoạt động trên biển đều thực hiện chức năng, nhiệm vụ của mình, trong đó, có nhiệm vụ chủ trì, có nhiệm vụ phối hợp với các lực lượng khác… Vì vậy, cơ quan thẩm tra đề nghị nghiên cứu làm rõ chức năng chủ trì của Cảnh sát biển Việt Nam thực thi pháp luật trên biển, để bảo đảm trên các vùng biển phải có lực lượng chủ trì và chịu trách nhiệm theo nguyên tắc một tổ chức có thể làm được nhiều việc, nhưng một việc chỉ có một tổ chức chịu trách nhiệm.

Thảo luận tại phiên họp, các ý kiến trong Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng cần làm rõ hơn địa vị pháp lý cũng như chức năng, nhiệm vụ và phạm vi hoạt động của Cảnh sát biển Việt Nam để tránh chồng chéo với các lực lượng khác trên biển.

Phương Thuỷ
.
.
.