Phiên họp thứ 7 thẩm tra Dự án Luật Cảnh sát biển và Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Thứ Năm, 29/03/2018, 12:41

Ngày 29-3, tại TP. Vũng Tàu, Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) - Quốc hội khóa XIV, đã họp phiên toàn thể lần thứ 7, thẩm tra Dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam (CSBVN) và Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội tới dự và chỉ đạo phiên họp; Thượng tướng Võ Trọng Việt, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN của Quốc hội chủ trì phiên họp. 

Tham dự phiên họp còn có Thượng tướng Lê Chiêm, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng; các đồng chí Phó Chủ nhiệm, Ủy viên thường trực và các thành viên UBQPAN; các tướng lĩnh, sĩ quan cao cấp trong QĐND và CAND là đại biểu Quốc hội; đại diện Thường trực của một số Ủy ban của Quốc hội; một số cơ quan, đơn vị chức năng của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, Bộ Ngoại giao, Bộ Nội vụ, Bộ NN&PTNT, Bộ GTVT, Bộ Tài chính, Văn phòng Chủ tịch nước, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Quốc hội…, đại diện Đoàn Đại biểu Quốc hội một số tỉnh thành như Bà Rịa - Vũng Tàu, Lâm Đồng, Bình Thuận, Đồng Nai và TP Hồ Chí Minh và đại diện Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân, Trường Đại học Luật TP. Hồ Chí Minh và Ban soạn thảo, Tổ biên tập dự án Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

Thượng tướng Lê Chiêm báo cáo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật CSBVN.
Thượng tướng Lê Chiêm thay mặt Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, đã báo cáo Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật CSBVN tại phiên họp.

Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, thay mặt Thường trực UBQPAN, báo cáo ý kiến của Thường trực UBQPAN về dự án Luật này...

Dưới sự chủ trì và điều hành của Thượng tướng Võ Trọng Việt, các đại biểu đã tham gia phát biểu nhiều ý kiến thảo luận cho dự án Luật. Trong đó, đa số ý kiến đều đồng ý cần phải xây dựng, ban hành Luật CSBVN để đáp ứng chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới, đặc biệt là định hướng chiến lực quốc phòng, an ninh, đối ngoại trên biển. 
Tuy nhiên, có nhiều ý kiến còn băn khoăn và đề nghị Ban soạn thảo làm rõ hơn về chức năng, nhiệm vụ, phạm vi hoạt động… của lực lượng CSBVN với các lực lượng khác trên biển, bảo đảm tính thống nhất, phát huy được sức mạnh tổng hợp của các lực lượng để bảo vệ chủ quyền biển đảo, an ninh, trật tự trên các vùng biển Việt Nam, bảo đảm hiệu lực, hiệu quả và tính khả thi khi tổ chức thực hiện. 
Thiếu tướng Nguyễn Mai Bộ, Ủy viên Thường trực UBQPAN, đóng góp nhiều ý kiến nhất trong số các đại biểu tham gia góp ý.

Đồng thời cũng có ý kiến cho rằng cần rà soát để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật và phù hợp với các điều ước quốc tế liên quan...

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, đây là lần đầu thảo luận về dự án Luật này nên nhiều đại biểu đã dành nhiều thời gian đóng góp ý kiến cho dự án Luật. 

Thượng tướng Võ Trọng Việt nhấn mạnh cần làm rõ địa vị pháp lý của CSBVN, lưu ý là lực lượng này có tính đặc thù, cần được hiểu và xem xét hợp lý, chức năng nhiệm vụ quyền hạn của CSBVN khi ban hành Luật, nhưng hướng xây dựng lực lượng CSBVN sẽ là lực lượng nòng cốt, chuyên trách thực thi nhiệm vụ trên biển…

Đại tướng Đỗ Bá Tỵ phát biểu ý kiến chỉ đạo phiên họp.
Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hồng, thành viên UBQPAN, phát biểu ý kiến.

Phát biểu ý kiến chỉ đạo phiên họp, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ nhất trí với nhiều ý kiến của các đại biểu, nhất là về sự cần thiết phải nâng Pháp lệnh CSBVN lên thành Luật CSBVN. Tuy nhiên, Thường trực UBQPAN và Ban soạn thảo cần rà soát lại để đảm bảo tính thống nhất, chặt chẽ, tính khả thi, toàn diện, hợp lý của dự án Luật.

Các đại biểu đã tham gia nhiều ý kiến làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời có những kiến nghị cụ thể về các nội dung của dự thảo Luật. 

Thượng tướng Võ Trọng Việt và Ban soạn thảo đã tiếp thu ý kiến của các đại biểu và phát biểu chỉ đạo của Phó Chủ tịch Quốc hội để có cơ sở tiếp tục bổ sung, chỉnh sửa dự án Luật trước khi trình ra TVQH trong kỳ họp sắp tới. 

Chiều cùng ngày, Phiên toàn thể lần thứ 7 của Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) - Quốc hội khóa XIV tiếp tục lấy ý kiến về dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi).

Các đại biểu tham gia ý kiến dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi)

Báo cáo đề dẫn và nêu các vấn đề chính để các đại biểu tham gia ý kiến đóng góp cho dự án Luật này, Thiếu tướng Nguyễn Hải Hưng, Phó Chủ nhiệm UBQPAN, cho biết tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội đã thảo luận ở tổ và ở hội trường về dự thảo Luật Quốc phòng (sửa đổi). 

Đã có 147 lượt ý kiến tham gia vào dự án Luật. Sau kỳ họp, UBQPAN đã phối hợp với Ban soạn thảo và cơ quan chức năng nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật báo cáo UBTVQH tại phiên họp tháng 1-2018 và đã gửi xin ý kiến các Đoàn Đại biểu Quốc hội.

Ngoài những góp ý về câu chữ, từ ngữ trong các điều khoản của dự thảo Luật, thì nhiều ý kiến đóng góp về Điều 9 - Phòng thủ quân khu, bởi theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, đây là nội dung vô cùng quan trọng trong dự án Luật này.

Theo Thượng tướng Võ Trọng Việt, Thường trực UBQPAN sẽ phối hợp với Ban soạn thảo và các cơ quan chức năng nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến của các đại biểu trong quá trình tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) để báo cáo UBTVQH tại phiên họp tháng 4-2018 và trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 5.
Tại phiên họp chiều nay, Thường trực UBQPAN tiếp tục lấy ý kiến các đại biểu có nhiều kinh nghiệm trong thực tiễn về dự án Luật. Trên cơ sở dự án Luật Quốc phòng (sửa đổi) đã gửi trước, ngoài những vấn đề mà các đại biểu quan tâm, các đại biểu đã góp ý làm rõ cơ sở lý luận, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, tính hợp hiến, hợp pháp, tính khả thi của dự thảo Luật, bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, đồng thời có những kiến nghị cụ thể về các nội dung của dự thảo Luật. 

Phú Lữ
.
.
.