Xây dựng Cần Giờ trở thành đô thị biển, đô thị du lịch hàng đầu

Chủ Nhật, 23/12/2018, 14:17

Ngày 23-12-2018, nhân kỷ niệm 40 năm huyện Cần Giờ (Duyên Hải) sáp nhập về TP Hồ Chí Minh, Thành ủy TP Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học “40 năm Cần Giờ (Duyên Hải), TP Hồ Chí Minh -  Thành quả và kinh nghiệm”.


Tham dự hội thảo có ông Nguyễn Thiện Nhân, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh; bà Trương Mỹ Hoa, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch nước; ông Nguyễn Thành Phong, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh; bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh; bà Võ Thị Dung, Phó Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh…

Ngoài ra, hội thảo còn có sự tham gia của các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các cán bộ lão thành cách mạng, lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học, nhà nghiên cứu…

Ông Nguyễn Thành Phong phát biểu khai mạc hội thảo.

Phát biểu đề dẫn - khai mạc hội thảo, ông Nguyễn Thành Phong, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh cho biết Cần Giờ (trước đây là Duyên Hải - một huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh) nằm về hướng Đông Nam, cách trung tâm thành phố 50 km đường chim bay và rộng hơn 71.000 ha (chiếm 1/3 diện tích toàn TP Hồ Chí Minh), trong đó trên 70% là diện tích rừng ngập mặn và sông rạch…

Sau ngày 30-4-1975, huyện Duyên Hải được thành lập từ quận Cần Giờ và quận Quảng Xuyên (tỉnh Đồng Nai), với một cơ ngơi hết sức khiêm tốn, nghèo nàn, lạc hậu, nạn đói xảy ra. Sau 3 năm thành lập, ngày 29-12-1978 có một bước ngoặt lớn: huyện Duyên Hải chính thức sáp nhập vào TP Hồ Chí Minh. 40 năm qua, nhiều thành tựu quan trọng đã làm thay đổi sâu sắc vùng đất và cuộc sống của người dân Cần Giờ (Duyên Hải).

Tại hội thảo, với gần 80 bài viết và phát biểu thảo luận tại hội trường, các đại biểu đã cùng nhau nhìn lại chặng đường đã qua, đánh giá sâu sắc, khách quan và toàn diện, tổng kết quá trình 40 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển huyện Cần Giờ (Duyên Hải) để làm rõ hơn những cơ sở, tiền đề, động lực phát triển Cần Giờ trong tương lai.

Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng, nhiều tác giả tại hội thảo là nhà nghiên cứu, nhà quản lý đã đánh giá chủ trương đưa huyện Cần Giờ (Duyên Hải) về lại TP Hồ Chí Minh là rất phù hợp và đúng đắn. Việc tiếp nhận, quản lý huyện Duyên Hải (nay là huyện Cần Giờ) có ý nghĩa và tầm quan trọng cả về vị trí địa lý chiến lược về quốc phòng - an ninh và kinh tế (hàng hải, du lịch, thủy sản, trồng rừng...).

Bên cạnh đó, đa số tác giả tham luận khẳng định qua 40 năm xây dựng và phát triển, những kết quả Đảng bộ và nhân dân huyện Cần Giờ đạt được là rất đáng tự hào. Đó là những tiến bộ đạt được trên lĩnh vực phát triển kinh tế - xã hội đã làm thay đổi sâu sắc cuộc sống của người dân và tình hình nông thôn huyện Cần Giờ.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Theo bà Phạm Phương Thảo, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hồ Chí Minh, bốn điều có được lớn nhất ở Cần Giờ sau hơn 40 năm, được người dân thừa nhận, đó là rừng, đường, điện, nước. Những điều này đã làm thay đổi căn bản bộ mặt nông thôn và cuộc sống của người dân nơi đây.

Cho đến nay, Cần Giờ đã có nhiều công trình nổi bật trong sự phát triển của mình như: Khôi phục và phát triển hệ sinh thái rừng ngập mặn Cần Giờ và đã được tổ chức UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới đầu tiên ở Việt Nam năm 2000, công trình xây dựng đường Nhà Bè - Duyên Hải kết nối giữa Cần Giờ và nội thành thành phố, đưa được điện lưới quốc gia về huyện (năm 1990) và phủ kín toàn huyện (năm 2015), công trình kè đá chắn sóng biển khu vực Cần Thạnh - Long Hòa, chương trình di dời, bố trí lại dân cư, ổn định cuộc sống cho người dân…

Hội thảo nhằm tổng kết quá trình 40 năm xây dựng, bảo vệ và phát triển huyện Cần Giờ (Duyên Hải).

Tổng kết hội thảo, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân cho rằng qua những ý kiến của các nhà quản lý, nhà khoa học…, để xây dựng, phát triển Cần Giờ hôm nay và những năm tiếp theo, cần nhiều giải pháp thiết thực, kinh nghiệm thực tiễn, để phát huy tiềm năng, thế mạnh trên các lĩnh vực, góp phần xây dựng phát triển Cần Giờ ngày càng nhanh, bền vững.

Trong đó, cần tập trung lãnh đạo thực hiện chiến lược kinh tế biển gắn với nhiệm vụ an ninh - quốc phòng; triển khai thực hiện chủ trương đầu tư xây dựng cầu Cần Giờ, từng bước xây dựng huyện Cần Giờ trở thành đô thị biển, đô thị du lịch nghỉ ngơi và giải trí hàng đầu của Việt Nam và khu vực.

Phú Lữ
.
.
.