Cần xử lý nghiêm vụ ban hành rồi thu hồi danh mục thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19
Sự việc Bộ Y tế có công văn 5944/BYT-YDCT ngày 24/7 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu, có liệt kê 12 sản phẩm thuốc y học cổ truyền và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị COVID -19 đã gây xôn xao dư luận những ngày qua, kể cả khi công văn đã được thu hồi sau 2 ngày. Bên lề Kỳ họp thứ nhất, Quốc hội khóa XV, sáng 28/7, đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) đã chia sẻ với phóng viên Báo CAND về vấn đề này.
PV: Xin đại biểu cho biết quan điểm của mình trước việc Bộ Y tế ban hành và thu hồi công văn 5944 sau 2 ngày?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Là một người dân bình thường chưa hiểu rõ về lĩnh vực y học, thuốc chữa trị, tôi nghĩ, dịch COVID-19 phải được điều trị, ngăn ngừa bằng thuốc Tây y thì mới mang lại hiệu quả cao nhất. Thời gian qua rất nhiều bệnh nhân đã được chữa khỏi bệnh.
ĐBQH Phạm Văn Hòa trả lời câu hỏi PV Báo CAND bên hành lang kỳ họp, sáng 28/7. |
Gần đây, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền đã đề xuất Bộ Y tế đồng ý đưa thuốc Đông y vào điều trị cho bệnh nhân COVID-19. Họ cho rằng đã thử nghiệm lâm sàng, Bộ Y tế đã có văn bản đồng ý. Sau đó, do những ý kiến phản ứng trái chiều nên Bộ Y tế có văn bản đề nghị dừng lại với lý do có những nội dung chưa phù hợp với tình hình hiện nay. Tôi nghĩ rằng đây là một điều còn mắc mớ, còn những vấn đề bên trong. Bộ Y tế cần giải thích rõ tại sao, như thế nào lại có văn bản đồng ý đưa những danh mục thuốc Đông y vào để điều trị dịch bệnh COVID-19, đặc biệt khi cho rằng việc điều trị cũng có hiệu quả đối với người không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ.
Trước tình hình dịch COVID-19, việc đưa thuốc Đông y vào điều trị phải có nghiên cứu kỹ, rõ ràng, cụ thể, hiệu quả như nào, loại thuốc gì...
PV: Sau khi có công văn 5944, lập tức nhiều loại thuốc trong danh mục đã tăng giá, chẳng hạn Xuyên tâm liên từ 10.000 đồng lên 80.000 đồng; Kovir viên mềm từ 180.000 đồng lên 250.000, Kovir viên cứng từ 1 triệu đồng lên 2 triệu đồng ... Theo đại biểu, có hay không vấn đề "lợi ích nhóm"?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Mới có một văn bản như vậy thì thuốc ở ngoài đã tăng giá đột biến. Tôi cho rằng, bên trong có vấn đề. Nếu đặt vấn đề có "lợi ích nhóm" hay không thì chưa vội, nhưng rõ ràng họ lợi dụng tình hình dịch COVID-19, đôn giá thuốc để trục lợi cá nhân. Có "lợi ích nhóm" hay không cần xem xét kỹ. Nhưng chắc chắn có vấn đề giữa các công ty dược phẩm và Bộ Y tế. Hai văn bản trái ngược nhau cần phải có một sự giải thích cho người dân hiểu lý do tại sao. Tại sao lúc đầu cho, sau lại không cho? Điều đó cũng ảnh hưởng tới hoạt động của các nhà sản xuất dược liệu, thuốc Đông y.
PV: Bộ Y tế cho hay, sẽ xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh. Tuy nhiên, sau khi có hiện tượng tăng giá thuốc như vậy, Bộ Y tế chưa có ý kiến kiểm tra hay xử lý hiện tượng đơn vị, nhà thuốc tăng giá, hoặc lợi dụng thị trường khan hiếm để tăng giá thuốc. Đại điểu có suy nghĩ như thế nào về vấn đề này?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Với tư cách ĐBQH khóa XV, tôi đề nghị Bộ Y tế cần làm rõ, trả lời cho công luận, cho cử tri biết về vấn đề này. Những ngày qua nhiều người dân lỡ mua thuốc, Bộ Y tế cần giải thích cho rõ, tránh trường hợp sử dụng không đúng, sử dụng sai, ảnh hưởng đến sức khỏe hoặc việc điều trị bệnh, ai sẽ chịu trách nhiệm?
Hiện nay, Bộ Y tế và các y bác sỹ trên cả nước đang trên tuyến đầu gồng mình chống dịch, trong đó có nhiều y bác sỹ đã nhiễm bệnh, đã có tử vong. Tôi đánh giá rất cao ngành Y tế, xem họ "lương y như từ mẫu", là người mẹ, người cha sinh nở, nuôi nấng bệnh nhân vượt qua cơn hoạn nạn này. Người bệnh không thể nào tự chữa bệnh cho mình được nên phải nhờ đến lực lượng y tế, tuy nhiên không thể vì người dân nhờ cậy, trân trọng mình mà mình muốn làm gì thì làm, điều đó là không thể chấp nhận được.
Việc công bố danh mục các loại thuốc đông y hỗ trợ điều trị COVID-19 như thế rất tai hại, nguy hiểm, vì có thể có những loại thuốc chữa được bệnh cảm cúm thông thường, nhưng đối với COVID-19 cần thuốc đặc trị. Cần thông tin rõ ràng để người bệnh được điều trị khỏi bệnh, hạn chế việc người dân bị tử vong...
PV: Theo đại biểu, giải pháp nào để hạn chế tình trạng ban hành văn bản, sau đó lại thu hồi?
ĐBQH Phạm Văn Hòa: Đây là một văn bản pháp lý, văn bản quy phạm pháp luật của một ngành, cơ quan bộ, không thể chấp nhận mới ban hành rồi lại thu hồi. Phải có sự thống nhất từ trong nội bộ, rõ ràng, cụ thể vấn đề, tính toán chi li, vì đây không là phải chuyện bình thường mà liên quan, ảnh hưởng đến sức khỏe con người. Nếu sai có thể dẫn đến tử vong, đánh đổi bằng tính mạng của con người.
Không thể chấp nhận, không thể nói đùa như vậy được. Cần phải kiểm tra, xem xét, xử lý nghiêm. Tôi nghĩ, trong tình hình dịch như thế này cần có sự nhân văn, khách quan, tuy nhiên sau đó cũng cần làm rõ cho dư luận, hiện nay người ta rất xôn xao trong việc sử dụng, tích trữ thuốc Đông y. Đây là trách nhiệm trong quản lý nhà nước, quản lý dược liệu, thuốc Đông y, cần "danh chính ngôn thuận", tạo sự tin tưởng cho người dân.
PV: Trân trọng cảm ơn đại biểu!