Bộ Y tế thu hồi công văn liệt kê 12 tên thuốc hỗ trợ điều trị COVID-19:

Có hiện tượng tăng giá thuốc

Thứ Ba, 27/07/2021, 06:44
Sau khi Bộ Y tế có công văn 5944/BYT-YDCT ngày 24/7 về việc tăng cường phòng, chống dịch bệnh COVID-19 bằng thuốc cổ truyền và các sản phẩm từ dược liệu để góp phần phòng, chống dịch bệnh COVID-19, có liệt kê 12 sản phẩm thuốc y học cổ truyền và thực phẩm chức năng hỗ trợ điều trị COVID -19, nhiều người dân đã đổ xô đi mua khiến một số sản phẩm đã tăng giá.


Điển hình là sản phẩm viên nang cứng Kovir của Sao Thái Dương, thuốc xuyên tâm liên…Đặc biệt, trong 12 sản phẩm mà Bộ Y tế liệt kê hỗ trợ điều trị COVID-19 có Hoạt huyết Nhất Nhất.

1 triệu đồng hộp Kovir của Sao Thái Dương

Theo phản ánh của người dân, ngay khi có thông tin về 12 loại thuốc đông y và y hỗ trợ điều trị COVID-19 do Bộ Y tế ban hành, nhiều người dân đã đổ xô đi mua. Chị Phạm Minh Thúy ở Hà Nội phản ánh: Viên nang Kovir của Sao Thái Dương bình thường chỉ từ khoảng 250.000 - 350.000 đồng/hộp 40 viên, thế mà giá đã đẩy lên 1 triệu đồng (hai vỉ x 15 viên). Trên trang mạng shop.saothaiduong.com.vn viên nang cứng Kovir (hộp 1 chai × 60 viên) còn có giá là 2 triệu đồng.

Giá bán viên nang cứng Kovir quảng cáo trên trang website Thái Dương 1 triệu đồng/hộp.

Cùng giống chị Thúy, chị Phạm Minh Anh ở quận Hai Bà Trưng, Hà Nội cho biết: “Ngay khi Bộ Y tế có công văn trên, tôi đi tìm mua thuốc xuyên tâm liên để gửi vào cho người thân ở TP Hồ Chí Minh. Thậm chí còn gọi điện về cho mẹ tôi ở Nghệ An để tìm mua. Tôi phải mua 80.000 đ/30 viên, trước đây chỉ hơn 10.000 đồng”.

Theo một nguồn tin khác, ngày 19/7, Công ty cổ phần Sao Thái Dương đã có văn bản thông báo điều chỉnh giá bán sản phẩm viên nang cứng Kovir là 1 triệu đồng/hộp 2 vỉ x 15 viên. Thậm chí, ngày 24/7 Bộ Y tế mới ban hành công văn 5955, nhưng trên một số phương tiện truyền thông, mạng xã hội, sản phẩm này đã được quảng cáo là sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19 từ trước đó.

Điều mà nhiều người đặt câu hỏi là sản phẩm này tăng giá trước khi công văn 5955 của Bộ Y tế chỉ có vài ngày? Trong văn bản của Bộ Y tế, sản phẩm viên nang Kovir là một trong 12 sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19.

Đây có được coi là hiện tượng đầu cơ tăng giá hay không? Theo đại diện Công ty Sao Thái Dương cho biết, viên nang cứng Kovir là sản phẩm do công ty vừa cho thị trường vào tháng 7/2021, có thành phần khác với sản phẩm viên nang mềm Kovir trước đó.

Theo lý giải doanh nghiệp, viên nang cứng Kovir có giá bán 1 triệu được chiết xuất từ Sài hổ, Phục Linh, Đẳng Sâm, Tiền hồ và các dược liệu quý, có công dụng bổ sung kháng thể, tăng cường sức đề kháng, hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh và triệu chứng bệnh.

Còn viên nang mềm Kovir có giá bán từ 250.000-350.000 đồng, có công dụng  bổ sung kháng thể, tăng cường sức đề kháng; hỗ trợ làm giảm nguy cơ mắc bệnh và triệu chứng bệnh do virus, vi khuẩn ( đau mắt đỏ, sởi, thủy đậu, sốt phát ban, viêm đường hô hấp), cảm cúm…

Tuy vậy, điều dư luận thắc mắc là hai sản phẩm này tên gọi gần như giống nhau, công dụng không khác nhau, nhưng sản phẩm mới giá đắt gấp 3 lần sản phẩm cũ.

Và đặc biệt lại đưa ra thị trường trước công văn 5944 của Bộ Y tế. Tại công văn này cũng chỉ nêu tên sản phẩm viên nang Kovir (Công ty cổ phần Sao Thái Dương) là 1 trong 12 sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19, không phân biệt cứng, mềm. Vì vậy, người mua không thể phân biệt là viên nang nào, vô hình chung họ phải bỏ tiền triệu để mua 1 sản phẩm.

Cũng liên quan tới sản phẩm viên nang Kovir, ngày 14/9/2020, website của Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đăng thông tin cảnh báo, trong đó khẳng định, thông tin hỗ trợ điều trị COVID-19 của Kovir là không chính xác, không có loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào có công dụng dự phòng, điều trị hoặc hỗ trợ điều trị COVID-19. Cục An toàn thực phẩm đang phối hợp với các cơ quan chức năng của Bộ Thông tin và Truyền thông và các bộ, ngành để xác minh, xử lý theo quy định”.

Bộ Y tế lúng túng rút công văn

Sau 2 ngày ban hành công văn 5944/BYT-YDCT, Bộ Y tế buộc phải thu hồi lại văn bản này sau khi nhận được sự phản ứng của dư luận cũng như nhiều dược sĩ cho rằng hiện chưa có các nghiên cứu cụ thể nào về việc sử dụng các loại thuốc y học cổ truyền này trong hỗ trợ điều trị COVID-19.

Đặc biệt là sản phẩm Hoạt huyết Nhất Nhất, đây là sản phẩm được quảng cáo phòng và điều trị thiểu năng tuần hoàn não, mất thăng bằng, đau mỏi vai gáy, tê bì chân tay...), vậy mà lại được nằm trong danh sách sản phẩm hỗ trợ điều trị COVID-19?

Trả lời về công văn 5944, ông Nguyễn Thế Thịnh, Cục trưởng Cục Quản lý Y Dược cổ truyền Bộ Y tế cho biết: Sau khi công văn 5944 được ban hành, chúng tôi đã nhận được một số thông tin phản ánh về một số nội dung chưa phù hợp, gây hiểu nhầm, có nguy cơ tích trữ, nâng giá bán, làm ảnh hưởng đến công tác phòng, chống dịch và tâm lý người dân.

Ông Thịnh cũng cho biết, sau khi tiếp nhận phản ánh các thông tin và sự chỉ đạo của lãnh đạo Bộ Y tế liên quan đến công văn 5944, Cục đã rà soát lại nội dung. “Với vai trò là cơ quan tham mưu, Cục Quản lý Y Dược cổ truyền nhận thấy đây là sơ suất trong quá trình soạn thảo, tham mưu trình lãnh đạo Bộ ban hành, dẫn đến một số nội dung chưa phù hợp, chưa đầy đủ, chưa rõ ràng.

Cục đã phối hợp với các Vụ/Cục liên quan rà soát, báo cáo, đề xuất lãnh đạo Bộ Y tế thực hiện thủ tục thu hồi công văn theo đúng quy định”, ông Thịnh cho biết.

Tại văn bản 5944/BYT-YDCT, Bộ Y tế cho hay sẽ xử lý nghiêm theo quy định các tổ chức, cá nhân lợi dụng dịch bệnh vi phạm về quy chế chuyên môn về khám bệnh, chữa bệnh; quảng cáo không đúng nội dung được cấp có thẩm quyền phê duyệt; kinh doanh, sử dụng dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu không có nguồn gốc xuất xứ, không đảm bảo chất lượng, đầu cơ tăng giá dược liệu, thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu và các sản phẩm sản xuất từ dược liệu.

Tuy nhiên, sau khi có hiện tượng tăng giá một số loại thuốc, Bộ Y tế cũng chưa có ý kiến kiểm tra hay xử lý hiện tượng đơn vị, nhà thuốc tăng giá, hoặc lợi dụng thị trường khan hiếm để tăng giá thuốc. Đặc biệt, dư luận cũng đặt câu hỏi, hai ngày qua, đã có rất nhiều người mua 12 loại thuốc trên về dự trữ, sử dụng, với số tiền không nhỏ, hậu quả sẽ thế nào?

Minh Thư
.
.
.