Việt Nam thực hiện tốt các khuyến nghị bảo vệ, thúc đẩy quyền con người

Thứ Hai, 03/12/2018, 11:58
Sáng 3-12, tại Hà Nội, Bộ Ngoại giao đã tổ chức Hội thảo công bố Báo cáo quốc gia theo Cơ chế rà soát định kỳ phổ quát (UPR) Chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ).

Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt ngày 17-10 và nộp lên Hội đồng nhân quyền sau đó 5 ngày. Theo kế hoạch, Việt Nam sẽ trình bày và đối thoại về Báo cáo trước Hội đồng Nhân quyền LHQ trong tháng 1-2019. Đây là cơ hội để Việt Nam cùng các nước thành viên LHQ cùng rà soát và xác định những lĩnh vực ưu tiên, những giải pháp khả thi nhằm thúc đẩy và bảo vệ quyền con người ở Việt Nam.

Đại diện Bộ Ngoại giao và UNDP tại Hội thảo.

Bản Báo cáo quốc gia của Việt Nam được xây dựng một cách công phu, với sự tham gia tích cực của 18 Bộ, ngành, cơ quan có liên quan đến việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người ở Việt Nam, đồng thời tuân thủ đầy đủ các quy định và hướng dẫn của Hội đồng Nhân quyền LHQ về tiến trình UPR. Bản Báo cáo mô tả đầy đủ những thành tựu cũng như thách thức, tồn tại, đồng thời đề xuất các hướng ưu tiên trong thời gian tới để đảm bảo sự thụ hưởng tốt nhất các quyền và tự do cơ bản của mỗi người dân.

Theo Chánh văn phòng Bộ Ngoại giao Đặng Hoàng Giang, sự ra đời của cơ chế UPR được đánh giá là một trong những thành công nổi bật của Hội đồng Nhân quyền. UPR xây dựng trên nguyên tắc minh bạch, công bằng, không phân biệt quốc gia lớn, nhỏ và việc rà soát về tình hình đảm bảo quyền con người theo cơ chế UPR hiện đã và đang nhận được sự ủng hộ của 100% quốc gia thành viên LHQ.

Về phía Việt Nam, với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người, Việt Nam đặc biệt coi trọng cơ chế UPR của Hội đồng Nhân quyền và luôn thực hiện đầy đủ, nghiêm túc các nghĩa vụ và cam kết theo cơ chế này, trong đó có việc triển khai tích cực các khuyến nghị UPR mà Việt Nam chấp thuận.

Đại diện các Bộ, ngành; đại diện các tổ chức quốc tế, các đại sứ quan nước ngoài tại Việt Nam tại Hội thảo.

Theo ông Giang, tại UPR chu kỳ thứ II (tháng 2-2014), Việt Nam đã chấp thuận 182 khuyến nghị trong tổng số 227 khuyến nghị nhận được từ các thành viên. Từ đó đến nay, Việt nam đã thực hiện được 175 khuyến nghị, chiếm 96,2%. Để triển khai các khuyến nghị này, Việt Nam đã xây dựng một kế hoạch tổng thể, với trách nhiệm cụ thể được phân công cho từng Bộ, ngành liên quan.

“Có thể nói, việc thực hiện các khuyến nghị UPR đã có những tác động tích cực, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người, đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống người dân ở Việt Nam và thúc đẩy hợp tác, đối thoại cấp khu vực cũng như quốc tế về vấn đề quyền con người”, ông Giang nhấn mạnh.

Bà Caitlin Wiesen, quyền Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam đã đánh giá cao nỗ lực của Bộ Ngoại giao, với vai trò chủ trì, và các bộ, ngành liên quan trong việc thực hiện Báo cáo quốc gia UPR của Việt Nam; đồng thời cho biết Báo cáo quốc gia là một trong ba văn kiện quan trọng nhất trong khuôn khổ cơ chế UPR, bên cạnh bản tổng hợp từ phía LHQ và báo cáo của các thành viên liên quan.

Các đại biểu ghi nhận tiến bộ của Việt Nam trong đảm bảo quyền con người, an sinh xã hội và nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Lấy ví dụ về những nỗ lực của Việt Nam trong việc đảm bảo quyền con người cho mọi đối tượng xã hội, bà Caitlin Wiesen đã đánh giá cao việc Việt Nam có một cơ chế rõ ràng và nhất quán trong việc triển khai các khuyến nghị theo cơ chế UPR, hay việc nước ta phê chuẩn các công ước của LHQ về quyền con người, trong đó có Công ước của LHQ về Quyền của người khuyết tật năm năm 2014.

Tại Hội thảo, các đại biểu, là đại diện các Bộ, ban, ngành của Việt Nam; đại diện các tổ chức quốc tế, các đại sứ quan nước ngoài tại Việt Nam, đã được nghe đại diện Bộ Ngoại giao, UNDP thông tin thêm các nội dung chính của Báo cáo, cũng như nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện các khuyến nghị UPR trên một số lĩnh vực cụ thể như: đảm bảo an sinh xã hội, quyền của các nhóm yếu thế, tăng cường giáo dục quyền con người...

Các đại biểu ghi nhận Việt Nam đã đạt được nhiều tiến bộ, đặc biệt trong lĩnh vực xây dựng hệ thống pháp luật về quyền con người, bảo đảm an sinh xã hội, nâng cao đời sống của người dân và thúc đẩy hợp tác, đối thoại ở cấp khu vực và quốc tế về vấn đề quyền con người; đồng thời đóng những ý kiến góp tích cực nhằm giúp nhóm công tác có sự chuẩn bị tốt nhất cho phiên trình bày tại Hội đồng Nhân quyền sắp tới.

T. Minh
.
.
.