Việt Nam lên tiếng việc tàu chiến Mỹ tuần tra gần Hoàng Sa

Thứ Năm, 31/05/2018, 17:11
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao trong cuộc họp báo ngày 31-5 đã đưa ra phản ứng của Việt Nam trước việc tàu chiến Mỹ tuần tra bên trong vùng biển 12 hải lý gần Hoàng Sa.
Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins. Ảnh Navy Today

Trả lời câu hỏi của phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước thông tin tàu chiến Mỹ đi vào vùng biển 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng khẳng định Việt Nam có đầy đủ bằng chứng lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế. 

Việt Nam tôn trọng các quyền tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông của các quốc gia, phù hợp với các quy định của luật pháp quốc tế, cụ thể là Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982.

Người phát ngôn nhấn mạnh, Việt Nam đề nghị Việt Nam đề nghị các quốc gia đóng góp tích cực và có trách nhiệm vào việc duy trì trật tự, hòa bình và thượng tôn pháp luật trên Biển Đông.

Trước đó, ngày 27-5, tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường USS Higgins và tàu tuần dương mang tên lửa dẫn đường USS Antietam đã tiến vào khu vực 12 hải lý quanh quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. 

Theo Reuters, 2 tàu chiến Mỹ đã di chuyển gần đảo Cây, Phú Lâm, Tri Tôn và Linh Côn đang bị Trung Quốc chiếm trái phép.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ và Trung Quốc gần đây có nhiều tranh cãi xoay quanh vấn đề Biển Đông. 

Việt Nam phản ứng trước việc thép xuất khẩu Việt Nam bị Mỹ áp mức thuế "khủng"

Trong cuộc họp báo được tổ chức ngày 31-5 tại Hà Nội, trả lời câu hỏi của phóng viên về phản ứng của Việt Nam trước việc Bộ Tài chính Hoa Kỳ áp đặt cách biện pháp chống bán phá giá và chống trợ giá đối với một số mặt hàng thép nhập khẩu từ Việt Nam nhưng sử dụng vật liệu của Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh: 

"Việt Nam luôn tuân thủ nghiêm túc các quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Các cơ quan và doanh nghiệp của Việt Nam đã phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan của Hòa Kỳ để cung cấp đầy đủ thông tin, làm rõ nguồn gốc xuất xứ của nguyên liệu, quy trình sản xuất thép tại Việt Nam."

Việt Nam cho rằng các vấn đề thương mại giữa Việt Nam và Hoa Kỳ cần được xem xét một cách khách quan, công bằng, phù hợp với những quy định của Tổ chức Thương mại Thế giới và thông lệ quốc tế, tránh làm ảnh hưởng đến quan hệ kinh tế, thương mại đang phát triển tốt đẹp giữa Việt Nam và Hoa Kỳ, Người phát ngôn cho biết thêm.

Theo Người phát ngôn, hiện nay Hoa Kỳ đã thông báo cho phép miễn trừ áp dụng biện pháp nếu doanh nghiệp Việt Nam thỏa mãn các yêu cầu của Bộ Thương mại Hoa Kỳ. Việt Nam cũng đề nghị phía Hoa Kỳ tạo thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam đáp ứng đủ điều kiện được miễn trừ theo quy định.

Vừa qua, ngày 21-5, Bộ Thương mại Hoa Kỳ đã đánh thuế nhập khẩu đối với các sản phẩm thép của Việt Nam được Bộ này cho là có nguồn gốc từ Trung Quốc sau khi cho rằng thép Việt Nam đã trốn lệnh chống bán phá giá và chống trợ cấp của Hoa Kỳ. 

Giới chức hải quan Hoa Kỳ sẽ thu thuế chống bán phá giá lên đến 199,76% và thuế chống trợ cấp 256,44% đối với các mặt hàng thép cán nguội sản xuất tại Việt Nam nhưng sử dụng vật liệu có nguồn gốc Trung Quốc. Bên cạnh đó, thép chịu mài mòn của Việt Nam phải đối mặt với thuế chống bán phá giá là 199,43% và thuế chống trợ cấp là 39,05%.


Trung - Tiến
.
.
.