Việt Nam đưa ra 3 thông điệp về an ninh lương thực trong APEC

Thứ Sáu, 18/08/2017, 19:37
Sáng 18-8, hội thảo "Xây dựng hệ thống sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp thích ứng - tiếp cận liên ngành sử dụng thông tin khí hậu phục vụ an ninh lương thực bền vững" đã trở thành sự kiện đầu tiên của Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017 diễn ra tại Cần Thơ.

Hội thảo do Trung tâm Khí tượng thủy văn Quốc gia (Bộ Tài nguyên và Môi trường) phối hợp với Trung tâm Khí hậu Châu Á (APPC) tổ chức với sự tham dự của 130 đại biểu đại diện lãnh đạo của các cơ quan khí tượng thủy văn từ 21 nền kinh tế thành viên APEC gồm Australia, Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Thái Lai, Philippines, Singapore, Brunei, Indonesia, New Zealand, Cannada, Mỹ, Trung Quốc, Hồng Kong, Đài Loan, Mehico, Papua New Guinea, Peru, Nga… 

Các đại biểu tham gia Tuần lễ An ninh lương thực APEC 2017. Ảnh: qdnd.vn

Nguồn tin từ Uỷ ban quốc gia APEC cho biết, hoạt động này chỉ là một phần trong chủ đề "Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung" của Tuần lễ an ninh lương thực APEC 2017. Việt Nam mong muốn thông qua được 3 thông điệp chuyên đề gồm: Kế hoạch hành động chung của khu vực về chương trình phát triển an ninh lương thực gắn với nông nghiệp, phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu; kế hoạch hành động thực hiện khung chiến lược APEC về phát triển nông thôn - đô thị bền vững để tăng cường an ninh lương thực và tăng trưởng có chất lượng và Tuyên bố Cần Thơ (tuyên bố cấp Bộ trưởng Nông nghiệp APEC về tăng cường an ninh lương thực, phát triển nông nghiệp bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu). 

Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết, đây là kỳ vọng của Việt Nam và Việt Nam hy vọng thông qua APEC, truyền cảm hứng để phát động phong trào khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, làm sao các thành phần kinh tế, các đối tượng lao động, đặc biệt là các bạn trẻ tham gia khởi nghiệp, nhiều sáng tạo cho lĩnh vực nông nghiệp. Việc tổ chức thành công Diễn đàn Khởi nghiệp nông nghiệp và sáng tạo sẽ tạo ra những cơ hội để truyền cảm hứng, đồng thời để thu hút thêm doanh nghiệp đầu tư vào khu vực này.

Theo thống kê của Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên hợp quốc (FAO), hiện nay trên thế giới vẫn còn gần 800 triệu người thiếu đói và hơn 160 triệu trẻ em dưới 5 tuổi bị suy dinh dưỡng, lâm vào tình trạng chậm phát triển. Chính vì thế, an ninh lương thực đang là vấn đề nóng bỏng. Các quốc gia thành viên APEC cũng rất đồng tình, ủng hộ với sáng kiến của Việt Nam về việc đưa vấn đề này thành một trong 4 chủ đề ưu tiên của Năm APEC 2017 bởi lẽ châu Á-Thái Bình Dương là khu vực chịu tác động của thiên tai lớn nhất trên thế giới. 

Việt Nam muốn đưa an ninh lương thực thành 1 trong 4 chủ đề ưu tiên của Năm APEC 2017. Ảnh: ITN

Cùng với đó, tác động biến đổi khí hậu hiện nay diễn ra rất nhanh trên cả mức dự kiến, khiến vấn đề bảo đảm an ninh lương thực, thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu càng cấp thiết. Thêm vào đó, APEC là khu vực có điều kiện thuận lợi để hình thành chuỗi liên kết và chuỗi giá trị sản xuất vùng và khu vực; là khu vực có sản lượng sản xuất nông nghiệp lớn và xuất khẩu lương thực hàng đầu thế giới, với phạm vi địa lý rộng, dân số khoảng 2,8 tỷ người (chiếm 40% dân số thế giới), 57% GDP của thế giới. 

Nhưng sự khác biệt về trình độ sản xuất, nguồn lực, công nghệ và thị trường đang tạo ra các rào cản đối với việc hình thành chuỗi liên kết sản xuất vùng như vậy. Với riêng Việt Nam, sau 30 năm đổi mới, dù đạt được những thành tựu rất quan trọng song vẫn còn gặp nhiều khó khăn như tài nguyên đất đai bị hạn chế với địa hình 3/4 là núi và đặc biệt, Việt Nam là 1 trong 5 nước bị tổn thương lớn nhất do tác động của biến đổi khí hậu. 

Huyền Chi
.
.
.