Việt Nam dự Phiên thảo luận cấp cao Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc

Thứ Tư, 21/09/2016, 14:16
Phiên thảo luận Cấp cao Khóa họp 71 Đại hội đồng Liên Hợp Quốc (LHQ) đã khai mạc trọng thể sáng 20-9 (theo giờ Mỹ) tại New York và dự kiến sẽ kéo dài đến ngày 29-9. Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh sẽ tham dự và có bài phát biểu tham luận.

Với chủ đề "Các Mục tiêu Phát triển bền vững: Thúc đẩy toàn cầu để chuyển đổi thế giới của chúng ta", kỳ họp này có sự tham dự của 145 người đứng đầu Nhà nước, Chính phủ và hơn 50 lãnh đạo cao cấp của các nước thành viên và quan sát viên của LHQ. 

Trong phát biểu khai mạc, Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon nhấn mạnh, thế giới ngày nay hoàn toàn có khả năng ngăn chặn chiến tranh, xung đột, nghèo đói, biến đổi khí hậu…; khẳng định Chương trình nghị sự 2030 về Phát triển bền vững sẽ giúp tạo dựng một tương lai tốt đẹp hơn cho mọi quốc gia và mọi người dân; kêu gọi các quốc gia cần sớm phê chuẩn Thoả thuận Paris về Biến đổi khí hậu để Thoả thuận này có hiệu lực vào cuối năm nay. 

Tổng thư ký LHQ bày tỏ lo ngại về sự gia tăng của chủ nghĩa cực đoan, các cuộc chiến tranh, xung đột kéo dài, nhất là ở Syria, Israel-Palestine Lybia, Iraq, Yemen, Ukraina, Nam Sudan… đã và đang gây ra những hậu quả nghiêm trọng đối với dân thường, đặc biệt đối với phụ nữ và trẻ em; đồng thời tỏ lạc quan trước việc Đại hội đồng LHQ vừa thông qua Kế hoạch hành động về ngăn ngừa chủ nghĩa bạo lực cực đoan. 

Tổng thư ký cũng nêu bật các ưu tiên của LHQ trong thời gian tới, kêu gọi các nước cần quan tâm nhiều hơn tới vấn đề bình đẳng giới, trao quyền cho phụ nữ, bảo vệ quyền con người, phòng chống dịch bệnh, cải thiện các điều kiện y tế, giáo dục, vệ sinh cho những người dễ bị tổn thương... 

Để phát huy hơn nữa vai trò của LHQ trong việc ứng phó với các thách thức toàn cầu, Tổng thư ký LHQ kêu gọi các nước thành viên cần sớm nhất trí về công thức cải tổ Hội đồng Bảo an và xem xét khả năng cải tổ vấn đề thủ tục, nhằm hạn chế việc sử dụng danh nghĩa "đồng thuận" gây bế tắc hoặc cản trở việc thông qua các quyết định quan trọng tại một số cơ quan quan trọng của LHQ. 

Cuối cùng, Tổng thư ký LHQ kêu gọi sự đoàn kết và cùng phối hợp hành động giữa các nước thành viên nhằm ứng phó hiệu quả với các thách thức chung.

S.Thương
.
.
.