Việt Nam đề xuất một số giải pháp cho vấn đề di cư

Thứ Ba, 20/10/2015, 16:52
Di cư quốc tế tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế- xã hội-văn hóa của mỗi quốc gia.

Tham dự Đại hội đồng Liên minh Nghị viện Thế giới lần thứ 133 (IPU-133) tại Geneva, Thụy Sĩ, hôm 19/10, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Trần Văn Hằng, Trưởng đoàn Việt Nam tham dự hội nghị đã có bài phát biểu tại phiên họp toàn thể, nhấn mạnh rằng, di cư quốc tế tác động không nhỏ đến sự phát triển kinh tế- xã hội-văn hóa của mỗi quốc gia. 

Không một quốc gia nào đứng ngoài vấn đề di cư và cũng không quốc gia nào có thể tự mình giải quyết được vấn đề này. Vì thế,  Việt Nam mong muốn kiến nghị một số giải pháp đối với vấn đề di cư nhằm góp phần vào nỗ lực chung của cộng đồng quốc tế như cộng đồng quốc tế cần hợp tác chặt chẽ, toàn diện trong việc xử lý, loại bỏ những nguyên nhân gây ra làn sóng lánh nạn, di cư. Liên hợp quốc, các tổ chức quốc tế và khu vực cần đóng vai trò quan trọng trong hợp tác điều phối các nỗ lực, hỗ trợ các nước cải thiện điều kiện kinh tế, xã hội; tìm kiếm các giải pháp chính trị, hòa giải cho các cuộc xung đột; hỗ trợ các quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề từ cuộc khủng hoảng di cư. Bên cạnh đó, các quốc gia cần có chính sách nhất quán trong việc tiếp nhận người nhập cư, chủ động và thể hiện trách nhiệm rõ ràng trong những đóng góp vào các giải pháp quốc tế về cuộc khủng hoảng di dân như tiếp nhận người tị nạn; kêu gọi và thống nhất không ủng hộ vật chất, vũ khí cho các phần tử cực đoan.

Người di cư đang trở thành vấn nạn ở châu Âu. (Ảnh: Euobsever).

Ngoài ra, để đấu tranh với chủ nghĩa bài ngoại và những thách thức về sự gắn kết xã hội, bản sắc dân tộc, trước hết cần ngăn chặn không để hình thành định kiến về người tị nạn, di cư. Có thể tăng cường triển khai các chương trình đối thoại, giao lưu văn hóa, văn minh giữa cộng đồng nước sở tại và cộng đồng người di cư. Chính phủ nước sở tại cần tạo điều kiện cho những người nhập cư hợp pháp hòa nhập cộng đồng.

Bên cạnh đó, người di cư dù ở bất kỳ nước nào cũng phải tuân thủ pháp luật, được hưởng những quyền lợi của công dân, đồng thời phải hoàn thành nghĩa vụ đối với đất nước nơi họ cư trú.

H.Chi
.
.
.