Việt Nam đạt thành tựu nổi bật, tích cực phát triển Cộng đồng kinh tế ASEAN
Kể từ khi tham gia vào Khu vực thương mại tự do ASEAN năm 1996 đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng xấp xỉ 7,7 lần. Trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN tăng gần 12,4 lần (từ 1,6 tỷ USD năm 1996 lên 19,9 tỷ USD).
- WEF ASEAN 2018 là cơ hội cho doanh nghiệp Việt mở rộng hợp tác
- Khẩn trương hoàn tất các khâu tổ chức WEF ASEAN
- Củng cố, phát huy vai trò cơ chế ASEAN+3
Sau 51 năm thành lập, cộng đồng ASEAN ngày càng trở nên lớn mạnh và được coi là một trong những khu vực năng động nhất châu Á. Trong quá trình xây dựng và phát triển đó, là một quốc gia thành viên, Việt Nam vẫn luôn tích cực đóng góp vào nỗ lực chung, giúp thắt chặt tình đoàn kết nội khối và nâng tầm vị thế của ASEAN trên trường thế giới.
Tỉ lệ xóa bỏ thuế quan Việt Nam – ASEAN cao kỷ lục
Việt Nam đóng góp tích cực vào trụ cột kinh tế của cộng đồng ASEAN. Ảnh: congthuong.vn |
Theo ông Trần Tuấn Anh, Bộ trưởng Bộ Công thương, quá trình hội nhập ASEAN của Việt Nam đã được triển khai hiệu quả, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong hơn 20 năm qua. So với thời điểm bắt đầu tham gia Khu vực thương mại tự do ASEAN năm 1996 cho đến nay, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN đã tăng xấp xỉ 7,7 lần, (từ 5,91 tỷ USD năm 1996 lên 45,23 tỷ USD vào tháng 11-2017). Trong đó xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam vào ASEAN tăng gần 12,4 lần (từ 1,6 tỷ USD năm 1996 lên 19,9 tỷ USD).
Tính tới hết tháng 6 - 2018, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và ASEAN là 28,1 tỷ USD, trong đó kim ngạch xuất khẩu là 12,2 tỷ USD và kim ngạch nhập khẩu là 15,9 tỷ USD.
Đặc biệt, tính đến năm 2018, tỷ lệ xóa bỏ thuế quan của Việt Nam trong khuôn khổ Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) là 98%. Như vậy, trong số 10 hiệp định tự do thương mại (FTA) mà Việt Nam đang thực hiện, FTA với nội khối ASEAN (AFTA) có tỷ lệ xoá bỏ thuế quan cao nhất là 98% với lộ trình thực hiện là 19 năm (một số ít mặt hàng có lộ trình là 25 năm).
Cần khai thác tối đa ưu đãi FTA trong khuôn khổ ASEAN
Để tận dụng tốt các cơ hội của việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN đến năm 2025 và để đảm bảo việc hội nhập một cách chủ động, tích cực và phù hợp với lợi ích của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình cạnh khu vực và quốc tế, ông Trần Tuấn Anh cho rằng, Việt Nam cần khai thác tốt hơn các ưu đãi trong các FTA trong khuôn khổ ASEAN; các doanh nghiệp Việt Nam cần cải thiện năng lực cạnh tranh, tìm ra cơ cấu sản phẩm hợp lý và nâng cao nhận thức về quyền lợi và nghĩa vụ của Việt Nam khi tham gia các FTA.
Năm 2020, Việt Nam sẽ đảm nhiệm cương vị chủ tịch ASEAN. |
Ngoài ra, các Bộ, ngành trong hội nhập kinh tế ASEAN cần nâng cao hiệu quả công tác điều phối, phối hợp; cải tiến cơ chế tham gia các cuộc họp cấp kỹ thuật trong ASEAN để tiết kiệm nguồn lực và ngân sách; cũng như xác định chủ trương về vấn đề đối xử đặc biệt và khác biệt trong đàm phán các FTA trong giai đoạn từ năm 2018.
Nhằm chuẩn bị cho năm 2020 khi Việt Nam là nước Chủ tịch ASEAN, Việt Nam sẽ phải tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các nước ASEAN khác triển khai các kế hoạch hành động chiến lược đến năm 2025; rà soát, thực thi các cam kết trong các FTA ASEAN +1 và tích cực thực hiện các chương trình làm việc/hợp tác với các đối tác khác của ASEAN.
Việt Nam cũng đồng thời cùng các bên thống nhất các nội dung còn vướng mắc trên cơ sở đảm bảo Hiệp định đối tác toàn diện kinh tế khu vực (RCEP) mang lại kết quả cân bằng về lợi ích, có tính đến sự chênh lệch về trình độ phát triển của tất cả các nước; đề nghị các nước đối tác của ASEAN điều chỉnh tham vọng xuống mức khả thi cho tất cả các bên nhằm kết thúc đàm phán hiệp định này trong năm 2018.
Năm 2018 là thời điểm kỷ niệm 23 năm Việt Nam chính thức gia nhập ASEAN (28-7-1995) và 51 năm tổ chức này được thành lập và không ngừng hợp tác, phát triển để hình thành nên Cộng đồng ASEAN vào năm 2015. Hiện tại, ASEAN bao gồm 10 thành viên trong khu vực Đông Nam Á, là một thị trường đứng thứ 3 Châu Á với hơn 650 nghìn dân, chiếm 8,59% tổng dân số thế giới, GDP bình quân đầu người đạt 4.305 USD. Dự kiến con số này sẽ tăng gấp đôi vào năm 2030 đưa ASEAN thành cộng đồng kinh tế đứng thứ 7 trên thế giới, với tổng GDP là 2.766 tỷ USD. |